Phân bón giả: xử có hết, dẹp có sạch?

05:05, 11/05/2018

Vì lợi nhuận mà một số chủ cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp đã bất chấp thủ đoạn, cố tình vi phạm về chất lượng hàng hóa. 

 

 

Lực lượng chức năng tiêu hủy phân bón giả, kém chất lượng.
Lực lượng chức năng tiêu hủy phân bón giả, kém chất lượng.

Vì lợi nhuận mà một số chủ cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp đã bất chấp thủ đoạn, cố tình vi phạm về chất lượng hàng hóa. 

Đồng thời, tâm lý ham giá rẻ, chưa quan tâm đến chất lượng hoặc “buộc” phải mua hàng vì “ký sổ nợ” theo mùa của nông dân, đã vô tình tiếp tay cho tiêu thụ phân bón (PB) kém chất lượng. Thêm vào đó, vẫn còn nhiều kẽ hở trong pháp luật khiến PB giả “diệt hoài không hết”.

2 năm: 233 vụ vi phạm

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 620 cơ sở mua bán thuốc bảo vệ thực vật được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán.

Các cơ sở này đa phần đều có bán chung thuốc bảo vệ thực vật với PB. Trong 11 cơ sở sản xuất PB đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, thì có 9 cơ sở sản xuất trực tiếp và 2 cơ sở đặt hàng gia công từ nơi khác.

Trong thời gian qua, thị trường PB còn nhiều diễn biến phức tạp, thực trạng sản xuất kinh doanh PB kém chất lượng, PB giả đã tác động xấu đến sản xuất và đời sống, gây bức xúc cho nông dân.

Theo BCĐ 389 tỉnh, thời gian qua, ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh PB, lấy mẫu PB để đánh giá chất lượng đồng thời, kiên quyết xử lý đối với các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả.

Trong 2 năm 2016- 2017, ngành chức năng đã thanh tra, kiểm tra 969 cơ sở, đã lấy 759 mẫu PB, thuốc bảo vệ thực vật.

Qua đó, phát hiện 233 vụ vi phạm về hàng giả, kém chất lượng, nhập lậu, nhãn hàng hóa, điều kiện mua bán, hạn sử dụng, xử phạt hành chính trên 4,1 tỷ đồng, tịch thu 115 bao PB nhập lậu, 323 bao PB giả (loại PB có hàm lượng dinh dưỡng dưới 70% so với chỉ tiêu chất lượng công bố).

Năm 2016, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 12 mẫu PB giả (loại PB có hàm lượng dinh dưỡng dưới 70% so với chỉ tiêu chất lượng công bố) với 2 đối tượng thực hiện hành vi vi phạm.

Bên cạnh việc xử lý vi phạm hành chính, còn họp báo công bố các cửa hàng vi phạm. Qua đó, góp phần hạn chế tình trạng PB, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường.

Năm 2017, Sở Công thương đã tổ chức họp báo 2 lần, công khai với 20 cửa hàng đại lý vi phạm và 25 sản phẩm PB kém chất lượng hàng giả (của 20 công ty có trụ sở sản xuất nằm ngoài tỉnh).

Ông Đỗ Hữu Quang- Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh (Sở Công thương)- cho biết: Hiện nay chất lượng PB cơ bản đã được kiểm soát.

Các lực lượng chức năng thường xuyên theo dõi giám sát địa bàn, các hoạt động quảng cáo giới thiệu PB, chào hàng, giao nhận hàng hóa tại các cửa hàng, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa giáp ranh các tỉnh Đồng Tháp, Trà Vinh, TP Cần Thơ, nhằm phát hiện ngăn chặn xử lý PB kém chất lượng, PB giả xâm nhập vào địa bàn.

Còn nhiều kẽ hở cần khắc phục

Theo BCĐ 389 tỉnh, qua tuyên truyền, đẩy mạnh kiểm tra chất lượng PB, vật tư nông nghiệp cơ bản được kiểm soát. Tỷ lệ vi phạm giảm qua các năm, tỷ lệ mẫu vi phạm năm 2016 là 28%, quý I/ 2017 là 17%, cuối năm 2017 là 12%.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm chất lượng vật tư nông nghiệp vẫn ngày càng tinh vi, phức tạp. Như hình thức giao hàng bán trực tiếp cho nông dân không qua cửa hàng hoặc đại lý, phương thức giao hàng nhỏ lẻ, số lượng ít, giao hàng ở vùng sâu vùng xa hoặc giao hàng cùng một đợt nhưng ghi ngày sản xuất và số lô hàng khác nhau, gây khó khăn cho công tác lấy mẫu thử nghiệm chất lượng.

Một số doanh nghiệp lợi dụng tổ chức hội thảo, giới thiệu quảng cáo PB không đúng quy định, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin, thích giá rẻ của nông dân, thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi tặng quà để bán PB kém chất lượng, gây thiệt hại cho nông dân…

Ông Đỗ Hữu Quang cho biết thêm: Tình trạng đặt tên PB gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng còn khá phổ biến.

Trên thị trường hiện nay ngày càng xuất hiện nhiều loại PB có tên gọi không phản ánh đúng với thành phần chi tiêu chất lượng đã đăng ký, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng về công dụng giá trị của PB nếu chỉ nhìn vào tên PB được in nổi mà không chú ý đến thành phần đăng ký.

Hoặc sử dụng các ký hiệu vô nghĩa trước các con số về hàm lượng dinh dưỡng để đánh lừa người tiêu dùng...

Không chỉ vậy, trong xử lý PB giả kém chất lượng cũng gặp nhiều khó khăn, chưa xử lý tận gốc do các trường hợp vi phạm bị phát hiện đa số là PB được sản xuất ngoài tỉnh, nên khi lấy mẫu tại cơ sở kinh doanh trên địa bàn, nếu vi phạm thì chỉ xử phạt người bán, không xử phạt được nhà sản xuất.

Thời gian qua, khi phát hiện vi phạm, Chi cục Quản lý thị trường đã thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý thị trường các tỉnh nơi đóng trụ sở của nhà sản xuất có mẫu PB vi phạm để phối hợp kiểm tra xử lý tại nơi sản xuất.

Tuy nhiên, cũng không xử lý được nhà sản xuất vì khi cơ quan kiểm tra thì lô hàng vi phạm đã không còn, nếu lấy mẫu lô sản phẩm khác thì kết quả kiểm nghiệm…đạt chất lượng.

Nhiều vụ kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng bị ngành chức năng phát hiện.
Nhiều vụ kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng bị ngành chức năng phát hiện.

Ông Trương Thanh Sử- Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh- cho biết: Thời gian tới, sẽ tăng cường công tác phối hợp thanh tra kiểm tra đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ, không bỏ sót đối tượng nhất là tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, có giải pháp truy xuất nguồn gốc và xử lý triệt để hàng giả, hàng kém chất lượng.

Đồng thời, thường xuyên giám sát, tái kiểm tra đối với các cơ sở đã vi phạm, kiên quyết xử lý các cơ sở tái phạm, không đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh, công khai danh sách những cơ sở vi phạm hành vi vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thông tin giúp nông dân nhận biết, phân biệt được PB, thuốc bảo vệ thực vật thật giả, kém chất lượng, những hậu quả tác hại của việc sản xuất kinh doanh sử dụng các sản phẩm vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh