Nghề nào cũng có những khó khăn, áp lực riêng, đối với công nhân lao động (CNLĐ) cũng vậy. Là lực lượng đã và đang góp sức tạo ra của cải, vật chất phục vụ cho xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng CNLĐ cũng luôn đối mặt với áp lực công việc, khó khăn về kinh tế.
Nghề nào cũng có những khó khăn, áp lực riêng, đối với công nhân lao động (CNLĐ) cũng vậy. Là lực lượng đã và đang góp sức tạo ra của cải, vật chất phục vụ cho xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng CNLĐ cũng luôn đối mặt với áp lực công việc, khó khăn về kinh tế.
Công nhân lao động luôn mong muốn được quan tâm nhiều hơn về việc làm, thu nhập... |
Mong môi trường làm việc thoải mái
Từng làm việc ở nhiều công ty trong và ngoài tỉnh nên chị Nguyễn Ngọc Trang (xã Tân Lộc- Tam Bình) có cái nhìn khá bao quát về bức tranh làm việc của CNLĐ.
Chị kể, khi chị làm việc cho một công ty chuyên gia công xuất khẩu giày, tuy chính sách dành cho CNLĐ rất tốt, nhưng chị luôn áp lực vì “nơi làm việc khó khăn lắm, khó đến mức cách để ghế, giày hay cái bàn chệch một tí cũng không được”.
Ngày nào cũng có đội ngũ đảm bảo chất lượng (6S) đi “quần” thấy sai một tí là cầm máy ảnh chụp hình và lập biên bản ngay. Do công ty “chạy” sản lượng nên áp lực rất kinh khủng, cứ cách 1 giờ là có người hối thúc và CNLĐ bị rầy la như cơm bữa.
Làm ở một công ty gia công áo khoác xuất khẩu thì chị Trang thấy khó gắn bó lâu dài. Bởi, cứ 3 tháng may không đạt sản lượng thì bị đuổi, người làm lâu năm cũng “có chuyện” để nghỉ việc sớm hoặc phải “tự” xin nghỉ rồi... nộp đơn làm lại để công ty khỏi tính thâm niên, tăng lương.
Chị Trang cũng làm cho công ty chuyên gia công túi xách, công việc tuy nhàn, hàng cũng rất dễ may nhưng ngược lại chế độ không cao, thỉnh thoảng tăng ca tới 8 giờ tối hoặc làm việc từ 6 giờ rưỡi sáng, do bận bịu con nhỏ nên chị phải xin nghỉ làm.
Đến khi làm việc tại Công ty TNHH MTV Thành Công Vĩnh Long (Khu công nghiệp Hòa Phú- Long Hồ)- chuyên gia công áo thun xuất khẩu, chị Trang cho rằng mình có thể gắn bó lâu dài vì thời gian làm việc phù hợp và điều quan trọng là: “CNLĐ cảm thấy mình được tôn trọng”.
Tuy công ty vẫn chạy sản lượng, nhưng CNLĐ làm việc với tinh thần thoải mái vì không bị hối thúc, rầy la, ai cũng phấn đấu vì có phong trào thi đua tăng năng suất.
“Thà làm việc mệt về sức lực vẫn tốt hơn là mệt về tinh thần. Điều mong mỏi lớn nhất của tôi đó là thu nhập đảm bảo cho cuộc sống, môi trường làm việc thoải mái, ít áp lực”- chị Trang chia sẻ.
Mong phúc lợi tốt hơn
Tổ chức công đoàn luôn chăm lo cho công nhân lao động về quyền lợi, đời sống. |
Làm việc tại Công ty TNHH Bohsing với mức lương trên 3 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn được thưởng chuyên cần theo công đoạn sản phẩm, anh Bùi Nguyên Trung bày tỏ: “Chúng tôi luôn mong DN quan tâm hơn nữa đến đời sống vật chất và tinh thần CNLĐ như: tăng lương, giảm giờ làm, nâng cao chất lượng bữa ăn ca...”
Cha già, mẹ bị tai biến, lại còn phải lo cho con nhỏ, nên với đồng lương CNLĐ, vợ chồng anh Võ Văn Thi- Công ty TNHH Bohsing- phải “khéo co” lắm mới tạm đủ.
Nhiều năm nay, vợ chồng anh được xét khó khăn và ưu tiên hỗ trợ vào các dịp lễ tết, Tháng Công nhân.
“Tôi mong công ty và CĐ tiếp tục quan tâm chăm lo cho CNLĐ để chúng tôi an tâm làm việc và cống hiến”- anh Thi bày tỏ.
Toàn tỉnh hiện có 1.025 CĐ cơ sở với 69.368 công nhân viên chức- lao động; trong đó có 39.802 CNLĐ đang làm việc tại 123 DN ngoài nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (có tổ chức CĐ cơ sở). Giai đoạn 2007- 2017, các cấp CĐ đã tham gia và trực tiếp giải quyết thỏa đáng các yêu cầu về quyền lợi, chế độ chính sách của 17 vụ việc lãn công, ngừng việc tập thể của 14.673 lượt CNLĐ. Nội dung tranh chấp chủ yếu là do DN chi trả lương, thưởng, phụ cấp chậm và nợ, trích tiền BHXH của CNLĐ nhưng không nộp cho cơ quan BHXH; do một số quyền lợi và chế độ chính sách đối với CNLĐ chưa thỏa đáng. |
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Chính- Công ty TNHH SXTM Hữu Niên- phải chăm lo cho cha già và 2 con gái nhỏ hiện sống ở xã Mỹ Lộc (Tam Bình) nên chẳng dành dụm được bao nhiêu. “Tui rất mong được tăng thu nhập để chăm lo gia đình tốt hơn”- anh Chính nói.
Gặp chị Phạm Thị Thùy Loan- Công ty TNHH Tỷ Xuân- nhân dịp trao quà cho CNLĐ và được nghe chia sẻ: Trong 4 năm làm việc, chị đã phải nghỉ 2 năm do sinh con, sức khỏe kém.
Gần đây, chị bị té xe gãy xương đòn vai. Chồng chị thì bị bệnh “rề rề”, không có nghề nghiệp ổn định, không ruộng đất canh tác.
Vợ chồng chị vay 20 triệu đồng nuôi gà vịt, nhưng bị dịch bệnh nên thua lỗ, chưa có khả năng trả nợ.
“Với đồng lương CNLĐ hơn 4 triệu đồng/tháng, gia đình tui chỉ tạm sống đắp đổi, tôi mong được hỗ trợ xây nhà “Mái ấm CĐ” vì mùa mưa sắp tới mà nhà tui mái lá xụp xệ có thể bị đổ ngã bất cứ lúc nào”- chị Loan chia sẻ.
Tâm sự với chúng tôi, nhiều CNLĐ bày tỏ mong muốn rất giản dị như: cần có sự quan tâm vào những dịp lễ, ngày phụ nữ với những phần quà nhỏ động viên tinh thần; mong có thêm chút thời gian nghỉ trưa để được ngả lưng, lấy lại sức lao động… Tuy mỗi người có những mong muốn khác nhau nhưng tựu trung lại đó chính là: quyền lợi đảm bảo và phúc lợi tốt hơn.
Ông Huỳnh Bá Long- Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Phát huy vai trò, chức năng của tổ chức CĐ trong chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho CNLĐ, 10 năm qua (2007- 2017), Liên đoàn Lao động tỉnh đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và phối hợp các ngành chức năng giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc trong CNLĐ như: đào tạo, giải quyết việc làm cho khoảng 27.000 CNLĐ, tạo cơ hội cho khoảng 3.000 CNLĐ tìm kiếm và có việc làm ổn định; hỗ trợ xây nhà “Mái ấm CĐ” cho 857 CNVC-LĐ với kinh phí gần 17,6 tỷ đồng; xây Nhà văn hóa Lao động với kinh phí trên 132 tỷ đồng, bao gồm các thiết chế văn hóa thể thao phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ; đầu tư 30 tỷ đồng (từ ngân sách tỉnh) xây dựng trường mầm non tại Khu công nghiệp Hòa Phú và sắp tới sẽ thực hiện dự án xây dựng các thiết chế CĐ tại Khu công nghiệp Hòa Phú. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin