Sống ở đô thị, ngoài khói bụi, ô nhiễm không khí; tiếng ồn đang trở thành vấn nạn, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cũng như chất lượng sống của người dân. Do chưa có chế tài xử phạt rõ ràng nên vô hình trung người dân buộc phải sống chung với tiếng ồn, rất khó chịu mà không biết kêu ai.
Sống ở đô thị, ngoài khói bụi, ô nhiễm không khí; tiếng ồn đang trở thành vấn nạn, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cũng như chất lượng sống của người dân. Do chưa có chế tài xử phạt rõ ràng nên vô hình trung người dân buộc phải sống chung với tiếng ồn, rất khó chịu mà không biết kêu ai.
Đứng đầu danh sách gây ồn ào, tra tấn tai nghe của người dân thời điểm này là một số siêu thị, các cửa hàng điện tử, điện máy, điện lạnh chào hàng quảng cáo.
Có siêu thị mở bài ca muôn thuở, bật băng “khuyến mại, khuyến mại, hãy đến với điện máy điện lạnh…” nào đó từ sáng tới tối, không ngừng nghỉ.
Có siêu thị thỉnh thoảng lại cho nhân viên ra giữa sân nhảy nhót, bật nhạc ầm ĩ để quảng cáo một sản phẩm mới nào đó…
Chưa kể ở khu dân cư, người dân bắt buộc phải nghe các giọng ca karaoke hát như cãi nhau cả buổi tối, thậm chí bất kể lúc nào mà các “ca sĩ” kia thích.
Nếu giải thích thông thường thì cũng nên thông cảm bởi người ta bán hàng, khuyến mại phải bật loa to để thu hút người nghe.
Lại càng chia sẻ với anh hàng xóm yêu văn nghệ, thích là hát với dàn loa khủng cho đã… Nhưng ngược lại, ở góc độ người tiếp nhận, thử đặt vào vai người ngày nào cũng phải nghe mới thấy thực sự đó là một sự tra tấn, một “sát thủ” thầm lặng.
Thử hỏi mở mắt ra đã nghe “băng rè” đó, nhạc nhẽo xập xình bổ vào tai, liệu có tập trung học hành, làm việc hay đơn giản là cần sự yên tĩnh, im lặng mà người ta có quyền được hưởng?
Các chuyên gia cảnh báo, việc chịu đựng lâu tiếng ồn cường độ 50 deciben (dB) có thể khiến con người giảm hiệu suất làm việc, nhất là lao động trí óc.
Tiếng ồn 70 dB có thể làm tăng nhịp thở, nhịp tim, ảnh hưởng dạ dày và giảm hứng thú lao động. Trầm trọng hơn, tiếng ồn 90 dB sẽ gây mệt mỏi, mất ngủ, tổn thương chức năng thính giác, mất cân bằng cơ thể và suy nhược thần kinh.
Việc xác định mức độ tiếng ồn là bao nhiêu dB với người dân là điều không dễ, thậm chí cả với cơ quan chức năng bởi muốn chính xác, phải có máy đo.
Chính vì thế mà dù có quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn của Bộ Tài nguyên- Môi trường, nghị định xử phạt hành vi gây tiếng ồn, song trên thực tế, việc xử lý vi phạm gần như chưa có.
Tiếng ồn đô thị được xem là mối nguy hại thứ hai đối với sức khỏe cộng đồng, sau ô nhiễm không khí. Tiếng ồn có sức tàn phá ghê gớm dù thầm lặng.
Một bác sĩ người Mỹ chuyên nghiên cứu về tiếng ồn cảnh báo: Khi chúng ta ngủ, âm thanh vẫn có khả năng tác động đến hệ thần kinh dù ta không bị thức giấc hoặc nhận thấy giấc ngủ bị gián đoạn.
Không còn là chuyện bị làm phiền hay không mà rõ ràng, tiếng ồn đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống đô thị.
Đã tới lúc, cơ quan chức năng có liên quan ở các đô thị cần phát động phong trào đẩy lùi ô nhiễm tiếng ồn, tạo nét văn hóa trong cộng đồng dân cư để bảo vệ sức khỏe cho người dân.
TRỊNH VIẾT HIỆP
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin