Nâng tuổi nghỉ hưu: Nếu không quyết sớm sẽ để lại gánh nặng cho con cháu!

08:05, 11/05/2018

Một nội dung mà Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đang được Hội nghị Trung ương 7 bàn thảo là vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu. Đây là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm vì liên quan trực tiếp tới công chức, viên chức và người lao động.

Một nội dung mà Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đang được Hội nghị Trung ương 7 bàn thảo là vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu. Đây là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm vì liên quan trực tiếp tới công chức, viên chức và người lao động.

ĐBQH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội  Bùi Sỹ Lợi
ĐBQH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi

Đồng ý nâng tuổi nghỉ hưu nhưng theo từng đối tượng

Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đang được Hội nghị Trung ương 7 bàn thảo với 8 đề xuất, trong đó vấn đề xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng - hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân, tăng tuổi nghỉ hưu, rút ngắn thời gian tham gia BHXH, đây cũng là những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.

Bác bỏ thông tin nâng tuổi nghỉ hưu vì vỡ quỹ hảo hiểm xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định “quỹ BHXH của chúng ta hiện nay hoàn toàn không mất cân đối và không bị phá vỡ quỹ”.

Ông Lợi cho rằng, cuộc sống hiện nay được cải thiện nhiều, tuổi thọ bình quân giờ lên 73,4. Việc Chính phủ, Bộ Lao động và Thương binh xã hội tính đến việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là có cơ sở. "Còn với nhóm lao động quản lý, công chức, viên chức có lẽ phải nâng tuổi hưu để tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Tôi nghĩ pháp luật hiện hành quy định tuổi nghỉ hưu nam 60 nữ 55, khoản 2 cho phép người lao động nặng nhọc suy giảm sức lao động 61% trở lên được giảm thời gian làm việc để nghỉ hưu sớm, thứ ba là người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, quản lý được kéo dài thời gian công tác, nhưng tối đa không quá 5 năm, có nghĩa là nam 65 và nữ 60 tuổi.

Chúng ta sử dụng nguyên bản chất Điều 187 Bộ luật lao động 2012, chúng ta không bị thiếu lực lượng lao động chất lượng cao. Tôi không đồng tình đến năm 2021 phải nâng đồng loạt theo cách đó. Đến 2025 trở ra, chúng ta tính toán nâng theo lộ trình theo từng nhóm. Nhóm nào điều kiện, sức khỏe lao động tốt hơn ta nâng trước, nhóm nào nặng nhọc độc hại đi sau" – ông Lợi nhấn mạnh.

Đồng tình với điều này, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị cần phải nghiên cứu để xem xét các quy định nghỉ hưu phù hợp với đối tượng. Bởi theo bà Hà, các cơ quan soạn thảo cũng  cần tính đến các đối tượng do đặc thù nghề nghiệp, lao động độc hại, một số ngành nghề có thể do tính chất lao động thời gian làm việc, thời gian lao động rất sớm.

“Như vậy, chúng ta nên giữ nguyên việc nghỉ hưu sớm theo độ tuổi như hiện nay đối với một số đối tượng, ngành nghề như diễn viên múa, vận động viên thể thao hay những ngành nghề như dưới hầm lò, cầu đường… Cần đánh giá tác động của chính sách này đối với nhóm đối tượng đặc thù. Cũng có thể phải tính đến luôn việc có các chính sách chuyển đổi ngành nghề cho các đối tượng này nếu họ còn lao động”, bà Hà nhấn mạnh.

Không hành động mau lẹ sẽ chuyển gánh nặng cho thế hệ con cháu

Làm rõ thêm vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & xã hội (cơ quan được giao chủ trì soạn thảo Đề án cải cách chính sách BHXH) Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu  là xu thế chung và Việt Nam nằm trong xu thế này.

Theo đó, điều chỉnh tuổi hưu bình quân phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặt ra nhiều mục tiêu: Đối phó với già hóa dân số; sự biến đổi của thị trường lao động; bình đẳng giới; cân đối quỹ trong dài hạn.

Ông Dung phân tích thêm, Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng, nhưng đến năm 2026, Việt Nam bắt đầu vào giai đoạn già hóa dân số và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới thời gian tới. Nếu Việt Nam không có quyết tâm chính trị, có tầm nhìn xa và hành động mau lẹ thì chúng ta sẽ chuyển gánh nặng này cho thế hệ con cháu.

“Đứng ở góc độ nghỉ hưu, tuổi thọ và sự bền vững của quỹ, tuổi nghỉ hưu được xây dựng từ năm 1960 là nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi. Ở thời điểm đó, tuổi thọ bình quân của Việt Nam mới chỉ trên 40 tuổi. Song đến nay, Việt Nam là một trong những nước có tuổi thọ trung bình cao nhất trong khu vực: Nam là 78 tuổi, nữ là 79,5 tuổi. Nhưng tuổi nghỉ hưu thực tế của lao động Việt Nam hiện thấp nhất trong khu vực: Nam là 55,6 và nữ là 52,6. Nam đóng bảo hiểm bình quân là 28 năm và hưởng lương hưu là 22,5 năm, nữ đóng 23 năm nhưng hưởng tới 27 năm. Do đó, ông Dung cho rằng  đây là thời cơ vàng để quyết định chủ trương này, mặc dù có thể có ý kiến khác nhau. Còn xây dựng lộ trình như thế nào thì sau này giao cho các cơ quan chuyên môn.

Đối tượng yếu thế ăn chưa đủ no sao nghĩ được chuyện để dành?

 ĐBQH Bùi Văn Phương (Đoàn ĐB tỉnh Ninh Bình): Với quá nhiều những bất cập trong cơ chế bảo hiểm xã hội hiện nay, tôi đồng tình với những đề xuất mà Đề án đặt ra. Tuy nhiên, tôi băn khoăn việc đề án đặt ra mục tiêu tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân liệu có thực hiện được không? Bởi trên thực tế chúng ta còn lượng lớn những đối tượng yếu thế. Ngay tại thời điểm trước mắt họ ăn còn chưa đủ thì làm sao nghĩ được đến chuyện để dành (tham gia BHXH - PV)? Do đó, theo tôi vẫn cần có chính sách hỗ trợ một phần cho đối tượng này để giúp họ có động lực cố gắng thêm tham gia BHXH thì mục đích của chúng ta mới đạt được.

Theo http://infonet.vn

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh