Sau hơn 40 năm xa cách, Ban liên lạc Trường Thiếu sinh quân tỉnh Vĩnh Long đơn vị TX Bình Minh và huyện Bình Tân đã có buổi họp mặt đầy ý nghĩa khi cả nước chuẩn bị kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau hơn 40 năm xa cách, Ban liên lạc Trường Thiếu sinh quân tỉnh Vĩnh Long đơn vị TX Bình Minh và huyện Bình Tân đã có buổi họp mặt đầy ý nghĩa khi cả nước chuẩn bị kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Dù đã biết bao thay đổi, nhưng tình thầy trò vẫn sống mãi với thời gian. Mỗi người nay đã có hoàn cảnh và công việc khác nhau, tuổi tác khác nhau nhưng tất cả vẫn giữ mãi nụ cười rạng rỡ- nụ cười 30/4/1975.
Những học sinh Trường Thiếu sinh quân tỉnh Vĩnh Long đã và đang phục vụ trong quân đội. |
Tình thầy, nghĩa bạn suốt đời khắc ghi
“Hôm nay về lại bên nhau/ Tình thầy, nghĩa bạn khắc ghi trong lòng/ Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Nhìn nhau ngấn lệ khó quên/ 42 năm xa cách/ Giờ gặp lại trong lòng xuyến xao/ Dẫu cho vật đổi sao dời/ Tình thầy, nghĩa bạn suốt đời khắc ghi”.
Tại buổi họp mặt, được nghe những vần thơ trên, trong lòng mỗi người không tránh khỏi cảm xúc bùi ngùi về một thời để nhớ.
Ông Phan Chí Khinh- Trưởng Ban liên lạc Thiếu sinh quân tỉnh cho rằng: “Mỗi chúng ta đều có nhiều kỷ niệm đẹp, nhưng đẹp nhất và sâu sắc nhất là thời học sinh đặc biệt là trong kháng chiến ác liệt với bao hiểm nguy, vất vả và những năm tháng mới giải phóng với nhiều thiếu thốn, khó khăn”.
Thời gian trôi đi, mỗi người cứ “chạy” theo dòng đời để mưu sinh, để làm tròn trách nhiệm với quê hương đất nước và gia đình. Ngoảnh lại thì tóc đã hoa râm...
Có nhiều bạn từng học chung lớp, cùng ăn mâm cơm và hiện sống cùng địa phương, nhưng có khi cả năm, thậm chí từ lúc ra trường đến nay không gặp nhau, không biết bạn mình sống ra sao...
Chính vì thế, buổi họp mặt sau 42 năm xa cách đã giúp cho thầy trò cùng nhau ôn lại kỷ niệm đẹp của một thời để nhớ và thêm trân trọng, tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, niềm tin mạnh mẽ về con đường mà Bác Hồ và nhân dân đã chọn.
Một thời để nhớ
Thành lập tháng 1/1973, trường đóng quân trên đất ruộng của 2 hộ dân ở rạch Giàn Cơi (xã Bình Ninh- Tam Bình) nhằm mục đích đào tạo lực lượng tương lai cho cuộc chiến theo chủ trương chiến lược của Quân khu 9, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Vĩnh Long.
Nguyên giáo viên, học sinh Trường Thiếu sinh quân tỉnh Vĩnh Long cùng chụp ảnh lưu niệm. |
Trường thu nhận HS là con em gia đình thương binh- liệt sĩ, gia đình cán bộ tham gia kháng chiến; trong đó có trường hợp cả ông bà, cha mẹ đều đi kháng chiến và một số bộ đội nhỏ tuổi từ các đơn vị tiểu đoàn đưa về để học văn hóa, rèn luyện sức khỏe và học sơ đẳng về kiến thức quân sự nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến.
“Đây là giai đoạn vạn sự khởi đầu nan”- ông Phan Chí Khinh kể- tình hình lúc đó rất khẩn trương, nên đồng chí nào được phân công là chấp hành ngay và chấp hành vô điều kiện, bằng mọi cách vượt qua khó khăn, thiếu thốn để thực hiện nhiệm vụ.
Chẳng hạn như: vừa cất nhà, vừa xây trường, rồi đào công sự, đắp trảng xê... để tránh bom, pháo địch oanh tạc.
Lúc đó, phải vừa dạy và học, vừa canh phòng cảnh giác địch, đảm bảo tuyệt đối an toàn lực lượng. Người nhỏ nhất là 6 tuổi, lớn nhất là 18 tuổi.
Có những lần địch mở cuộc hành quân lớn đánh vào vùng giải phóng- nơi trường đóng quân. Trường phải đưa số thiếu sinh quân nhỏ tuổi vào gửi ở nhà dân.
Nhờ được bà con yêu thương đùm bọc mà tất cả đều được an toàn.
Đến ngày giải phóng, trường bảo toàn 100% lực lượng với 52 đồng chí bao gồm cán bộ khung (7 người) và thiếu sinh quân (35 người).
Sau nhiều lần di dời nơi đóng quân, có thời điểm trường phát triển lên gần 30 cán bộ, giáo viên và 1.200 thiếu sinh quân.
Từ lúc thành lập đến khi giải thể (tháng 9/1976), dù chỉ vài năm nhưng trường đã góp phần vào công cuộc “đua sức, đua tài, đua ý chí và lòng kiên nhẫn” của cuộc chiến cứu nước, góp phần xứng đáng vào lịch sử truyền thống tỉnh nhà. Đó là niềm tự hào chung của Trường Thiếu sinh quân tỉnh Vĩnh Long.
Nhìn lại, lực lượng “tương lai” của trường đã lớn mạnh, trưởng thành cả phẩm chất và tài năng, có nhiều cống hiến xứng đáng cho lịch sử truyền thống chung của tỉnh nhà và Quân khu 9.
Hiện, không ít thiếu sinh quân là lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, là bác sĩ, cựu chiến binh, nông dân sản xuất giỏi. Tuy nhiên, cũng có người còn khó khăn, cần được hỗ trợ.
Theo ông Trần Công Trường- cựu học sinh trường, dù hoàn cảnh như thế nào, chúng tôi vẫn động viên nhau tiếp tục phát huy truyền thống thiếu sinh quân, sống xứng đáng với tinh thần thiếu sinh quân, luôn đoàn kết, chia sẻ nhau trong công tác cũng như trong cuộc sống để trái tim thiếu sinh quân luôn cùng nhịp đập.
Ông Hoàng Thanh Sơn- Trưởng Ban liên lạc Thiếu sinh quân Quân khu 9: Được gặp mặt hôm nay với những tình cảm, tâm huyết của mình, chúng tôi cùng nhau ôn kỷ niệm và sẽ để lại cho thế hệ mai sau những điều tốt đẹp nhất.
Ông Nguyễn Văn Út (Mười Quẹo)- nguyên Chính trị viên Phó Tỉnh đội Vĩnh Long: Cảm xúc vẫn như nguyên vẹn mỗi lần gặp các thiếu sinh quân năm xưa. Tôi hy vọng các đồng chí giữ mãi nụ cười 30/4/1975 luôn rạng rỡ trên môi không bao giờ tắt.
Ông Nguyễn Văn Út- nguyên học sinh trường: Trước năm 1975, trường đóng tại đất nhà và tôi được học khi còn nhỏ. Sau bao năm xa cách, đến năm 2017 tôi mới liên hệ được với thầy Ba Chí. Biết trường cần làm bia tưởng niệm, tôi đã hiến khoảng 200m2 đất cặp quốc lộ mà trước đây cũng là nền lớp học của trường. Tôi cũng vận động các hộ lân cận tiếp tục hiến đất để phục dựng lại hiện trạng của trường trước đây.
Ông Lê Minh Đức- Phó Bí thư Huyện ủy Bình Tân: Tôi được sinh ra và lớn lên ở vùng giải phóng, không nghe tiếng bom đạn, nhưng qua những lời kể của các thiếu sinh quân, tôi đề xuất cần tiếp tục sưu tầm thêm những trang sử hào hùng trong thời gian chiến đấu và phục vụ chiến đấu, vừa học văn hóa, vừa học kiến thức sơ đẳng để chiến đấu. Đồng thời, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng và giữ được “nụ cười 30/4”. Chính các đồng chí sẽ là hạt nhân trong các phong trào hành động cách mạng tại địa phương- nhất là trong xây dựng nông thôn mới. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin