Kỳ 3: Mãng cầu, khóm "sống khỏe" trước phèn mặn

05:05, 07/05/2018

Sau hạn mặn mùa khô năm 2016, nông nghiệp tỉnh Hậu Giang chịu rất nhiều tổn thương. Cùng với các giải pháp công trình phòng tránh, nông dân ở đây có nhiều cách làm sáng tạo, cải tạo đất phèn, chuyển đổi cây trồng thích nghi tạo thu nhập ổn định trên vùng đất "tưởng chừng đã phải bỏ hoang này".

Sau hạn mặn mùa khô năm 2016, nông nghiệp tỉnh Hậu Giang chịu rất nhiều tổn thương. Cùng với các giải pháp công trình phòng tránh, nông dân ở đây có nhiều cách làm sáng tạo, cải tạo đất phèn, chuyển đổi cây trồng thích nghi tạo thu nhập ổn định trên vùng đất “tưởng chừng đã phải bỏ hoang này”.

Hành trình cây mãng cầu xiêm

Vườn mãng cầu tháp gốc bình bát của anh Lê Văn Đổi thích ứng tốt trước hạn mặn.
Vườn mãng cầu tháp gốc bình bát của anh Lê Văn Đổi thích ứng tốt trước hạn mặn.

Con đường dẫn về Hợp tác xã Mãng cầu xiêm Thuận Hòa (xã Thuận Hòa, Long Mỹ) rất nhiều ruộng chưa sạ, phèn đỏ quạch, nước trong vắt- mà theo ông Lương Tiến Sĩ- cán bộ kỹ thuật Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TX Long Mỹ- “đã nhiễm phèn và mặn”.

Nhiễm mặn, lục bình dưới sông rũ rượi, những vườn cây dọc đường bị cắt nước nhiều ngày nên “xào lá”. Riêng đặc biệt mãng cầu xiêm vẫn xanh tốt, nhiều vô kể.

Theo ông Lương Tiến Sĩ, trong 2 loại mãng cầu trồng bằng hạt và tháp gốc bình bát, thì đa phần người dân ở đây chọn mãng cầu tháp gốc bình bát để trồng.

“Gốc bình bát vốn đã chịu được phèn mặn tốt nên người dân tháp vào thân mãng cầu chống chọi phèn mặn tốt lắm.

Như đợt mặn năm 2016, nồng độ 8- 9‰ nhưng mãng cầu tháp gốc bình bát vẫn sống khỏe”- ông Lương Tiến Sĩ giải thích, đồng thời cho biết thêm, thật ra cây mãng cầu xiêm tồn tại trên đất Long Mỹ khá lâu, nhưng “sinh sôi” mạnh nhất là sau đợt hạn mặn năm 2016, do tính chống chịu tốt.

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Long Mỹ, trong tổng số 3.000ha cây ăn trái toàn huyện thì mãng cầu xiêm chiếm gần 140ha, tập trung nhiều xã Thuận Hòa và Vĩnh Viễn A.

Trong đó, có khoảng 70ha mãng cầu được trồng mới từ năm 2016 đến nay. Ông Lương Tiến Sĩ cho rằng, phần lớn đất đai của huyện thuộc nhóm phèn mặn, thiếu tính đa dạng cây trồng, vật nuôi; chi phí sản xuất cao là trở ngại lớn của nông dân.

Từ tính thích nghi cây mãng cầu xiêm, những năm gần đây ngành nông nghiệp địa phương tích cực vào cuộc hỗ trợ người trồng cây giống, kỹ thuật nên năng suất và hiệu quả mãng cầu cải thiện.

Anh Lê Văn Đổi (Ấp 2, xã Thuận Hòa) có hơn 1 công mãng cầu xiêm tháp gốc bình bát, cho biết trước đây làm ruộng lời vài triệu đồng/công, nên dù rất cần cù cuộc sống gia đình vẫn khó khăn.

Sau đợt hạn mặn năm 2016, lúa và nhiều vườn cây ăn trái xung quanh xơ xác, trong khi mấy gốc mãng cầu nhà anh vẫn xanh tốt, ra trái xum xuê.

Qua tìm hiểu, anh được biết cây mãng cầu xiêm dễ trồng lại thích hợp với vùng đất phèn mặn nên quyết định thuê người lên bờ bao chuyển toàn bộ đất lúa sang trồng mãng cầu.

Sau hơn năm chăm sóc, mãng cầu bắt đầu trổ bông, ra trái. “Thật bất ngờ, chỉ khoảng 100 gốc mãng cầu mà mỗi tháng tôi thu hoạch được khoảng vài trăm ký trái, thương lái đến tận vườn mua từ 20.000- 22.000 đ/kg”.

Theo anh Đổi, ưu điểm của mãng cầu ghép bình bát là nước ngập cũng không chết, nắng hạn thì “lâu lâu tưới một lần, còn nếu nước bị nhiễm mặn cũng không sợ chết vì gốc là bình bát, vốn là loại cây chịu được độ mặn cao”.

Để đảm bảo đầu ra, tháng 4/2017, chính quyền địa phương vận động thành lập Hợp tác xã Mãng cầu xiêm Thuận Hòa.

Ông Trần Hoài Phong- Giám đốc Hợp tác xã- cho hay, với khoảng 40 thành viên/hơn 20ha, trung bình mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 420 tấn mãng cầu.

Phong trào trồng mãng cầu xiêm hiện còn lan sang nhiều xã giáp ranh thuộc tỉnh Sóc Trăng- vùng cũng thường xuyên chịu cảnh xâm lấn của phèn mặn.

Nhiều mô hình triển vọng

Anh Trần Chí Nguyện (xã Vĩnh Viễn) chọn trồng khóm vì thích ứng phèn mặn.
Anh Trần Chí Nguyện (xã Vĩnh Viễn) chọn trồng khóm vì thích ứng phèn mặn.

Hậu Giang là tỉnh nông nghiệp nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Thế nên nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền mùa khô năm 2016, đã khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Ngoài mãng cầu xiêm, tỉnh đã linh hoạt hướng dẫn người dân tận dụng nguồn nước mặn, lợ để nuôi tôm, trồng khóm thích ứng với vùng bị nhiễm phèn mặn và đã mang lại nhiều hiệu quả.

Dọc theo con đường đan về xã Vĩnh Viễn, chúng tôi chạm mặt những ruộng khóm bạt ngàn. Hộ ít cũng 2- 3 công, nhiều lên đến vài chục công. Vĩnh Viễn so với một số địa phương lân cận khá khắc nghiệt, đất đai bạc màu, nhiễm phèn, thường xuyên bị xâm nhập mặn.

Anh Trần Chí Nguyện- nông dân ở đây, bảo rằng mặc dù đã có kinh nghiệm “sống chung với mặn” nhiều năm rồi và đã quen với việc “năm nào cũng mặn” nhưng việc mặn tràn đê ở Vĩnh Viễn năm 2016 là rất bất ngờ.

10 công ruộng năm đó thất thu nên anh quyết chuyển toàn bộ sang trồng khóm. Mùa khô năm 2017 mặc dù mặn lấn sâu nội đồng nhưng ruộng khóm anh vẫn đứng vững.

Trung bình mỗi tháng anh thu hoạch 1 lần, giá khóm dao động từ 5.000- 6.000 đ/trái loại 1, mỗi công khoảng 2.000 trái, trừ chi phí anh bỏ túi hơn 60 triệu đồng.

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Long Mỹ, diện tích khóm trên địa bàn xã đã tăng lên đáng kể, nếu năm 2016 chỉ có khoảng 300ha thì hiện nay là 478ha, tập trung ở 2 xã Vĩnh Viễn và Vĩnh Viễn A.

Tại xã Lương Nghĩa, ông Võ Văn Hai- Trưởng Trạm Thủy lợi huyện Long Mỹ- cho biết, hơn năm qua cũng đã hình thành mô hình nuôi tôm luân canh trên đất lúa, với khoảng 40ha rất phù hợp và hiệu quả kinh tế cao. Mùa khô thì lấy nước mặn nuôi tôm, mùa mưa thì trữ ngọt trồng lúa.

Sau vụ nuôi tôm, nông dân trồng lúa sẽ tận dụng được phân hữu cơ từ phế thải và thức ăn thừa của tôm, hạn chế được một phần phân hóa học, môi trường sinh thái được bảo vệ, góp phần nâng cao chất lượng lúa hàng hóa, giúp nông dân tăng thu nhập.

Ngoài cây mãng cầu xiêm và khóm, trên cây lúa, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động xây dựng các mô hình cánh đồng lớn để ứng phó bằng cách áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như: 3 giảm 3 tăng, SRI, 1 phải 5 giảm, dùng nấm xanh trong quản lý rầy nâu, ứng dụng công nghệ sinh thái trong quản lý dịch hại tổng hợp.

Xây dựng mô hình tưới nước tiết kiệm theo kỹ thuật tưới ngập- khô xen kẽ, kết hợp với trữ nước ngọt cho các kinh mương nội đồng.

Tất cả những mô hình mà nông dân Hậu Giang áp dụng đang mang lại hiệu quả tích cực. Họ linh hoạt, biến thách thức thành cơ hội và xâm nhập mặn đã vô tình tạo cho người dân nơi đây nghĩ ra cách làm mới, thích ứng phù hợp góp phần cải thiện nâng cao nguồn thu nhập.

Kỳ cuối: “Thuận thiên” để phát triển bền vững ĐBSCL

Bài, ảnh: HOÀNG MINH- THANH LIÊM- THẢO LY

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh