Dù dự báo con nước năm nay sẽ không "mặn chát" như năm trước, nhưng người dân Trà Vinh đã chủ động, biết cách thích nghi hơn với con nước mặn. Không còn tâm lý phập phồng lo sợ và dần tập cách "sống chung" với mặn.
Dù dự báo con nước năm nay sẽ không “mặn chát” như năm trước, nhưng người dân Trà Vinh đã chủ động, biết cách thích nghi hơn với con nước mặn. Không còn tâm lý phập phồng lo sợ và dần tập cách “sống chung” với mặn.
Vận hành hệ thống quan trắc và đo mặn tự động tại Công ty TNHH Nhà nước 1TV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh. |
Không còn sợ mặn
Ghé xã Đức Mỹ (huyện Càng Long- Trà Vinh) dưới cái nắng gay gắt của những ngày tháng 4- nơi đã bị ảnh hưởng khá nặng nề của đợt mặn năm 2016.
Hỏi về độ mặn năm nay, hầu như người dân nào cũng trả lời rành rọt, tỉ mỉ, chi tiết độ mặn từng ngày, từng con nước chứ không còn bỡ ngỡ như trước.
Đến cống Rạch Bàng 7 cửa tầm 9 giờ sáng, chúng tôi thấy tàu, ghe 2 bên mặt cống đã đậu khá đông để chờ mở cống qua lại. Đang đợi mở cống để chuyển trấu đi tiêu thụ ở các tỉnh lân cận, anh Nguyễn Văn Thắng (ngụ xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm) cho hay:
Mặn tới nên cống đóng nhiều ngày rồi, ngày nào muốn ra thì phải đợi ngành chức năng canh con nước sao cho độ mặn dịu xuống thấp nhất thì mở cửa cho ghe tàu ra vào.
Hỏi làm thế nào để biết mặn tới hay chưa, anh Thắng kinh nghiệm: “Biết chứ, mặn tới là biết liền, đi ghe tàu nhiều, rồi rút kinh nghiệm nên cũng dễ nhận biết mặn.
Cống Rạch Bàng (xã Đức Mỹ- Càng Long- Trà Vinh) đóng cống khi độ mặn vượt ngưỡng 1‰. |
Mặn lên là gió thổi nghe mùi mặn liền. Tắm sông mà thấy da rít rít hay gió chướng thổi là mặn đã tới. Năm nay mặn tới trễ hơn mọi năm”.
Trong khi một số địa phương vẫn đang loay hoay tìm cách chống mặn hay vẫn lo không biết nuôi con gì, trồng cây gì chịu mặn thì người dân ở xã cù lao Hòa Minh (huyện Châu Thành- Trà Vinh) lại thảnh thơi đón mặn, thậm chí xem nước mặn đến là cơ hội để đổi nghề lẫn đổi đời.
Nhờ mạnh dạn thay đổi cách làm ăn, chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm thẻ mà đời sống gia đình anh Nguyễn Thanh Phong (cù lao Hòa Minh) thay đổi rõ rệt.
Anh Phong chia sẻ: “Trước đây, do nước nhiễm mặn nên trồng cây gì cũng không thấy hiệu quả. Sau này, nhờ học hỏi, hiểu quy trình kỹ thuật nuôi tôm nước mặn nên tôi chuyển sang nuôi tôm luôn. Nhờ đó mà thu nhập tăng, cuộc sống ổn định hơn”.
Theo anh Phong, trước đây cù lao này cũng có các công trình khép kín nhưng không hiệu quả, sau đó địa phương đã để cho nước mặn vào thuận theo tự nhiên.
Theo đó, nhiều năm nay, cù lao này đã hình thành khu trồng lúa, nuôi tôm, cua và trồng hoa màu… Nhờ đó, đời sống người dân đã khá lên rõ rệt.
Theo ông Mai Thanh Tú- công chức nông nghiệp môi trường xã Đức Mỹ: Thích ứng tình hình, nhiều bà con chủ động chọn giống cây trồng thích hợp.
Hiện ngoài các loại cây trái như bưởi, cam, chôm chôm và thanh long, xã còn trồng lác, dừa.
Trong đó, lác hiện có 626ha, diện tích tăng bởi đây là loại cây chịu được độ mặn đồng thời cho lợi nhuận khá, lại khỏe hơn, 1ha lác lời khoảng 150 triệu đồng. Riêng cây thanh long năm nay cũng được mùa trúng giá, có thị trường ổn định.
Dù đã được dự báo độ mặn năm nay không lên cao nhưng tại nhiều địa phương, ngành chức năng đã chủ động chống mặn: khuyến cáo người dân tích trữ nguồn nước ngọt trong nội đồng, sông, kinh, rạch, chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ hợp lý.
Biến “nguy” thành “cơ”
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Trà Vinh, dựa theo dự báo của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, hiện nay và trong thời gian tới, dòng chảy thượng lưu về đồng bằng có khả năng biến động phức tạp, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng nước ngọt tưới cho sản xuất nông nghiệp lớn, lượng nước bốc hơi cao, nước ngọt hao phí tự nhiên lớn.
Đồng thời, kết hợp với những ngày triều cường, gió chướng mạnh nên xâm nhập ĐBSCL sẽ có khả năng xảy ra nhiều bất lợi cho sản xuất và nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt.
Hiện nay mực nước dự trữ trong nội đồng dao động từ 0,4- 0,8m.
Theo nhận định của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, từ nay đến cuối tháng 4- 5, vùng dự án ngọt hóa Nam Mang Thít (Trà Vinh), 2 công trình đầu mối quan trọng là cống Láng Thé và cống Cái Hóp sẽ bị gián đoạn lấy nước ngọt vào một số ngày triều cường cao.
Mặn xâm nhập trên sông Hậu biến động nhanh và có chiều bất thường.
Theo ông Mai Thanh Tú, hiện nay, hệ thống đê bao ở xã đã khép kín, bên cạnh đó, ban quản lý cống cũng thường xuyên thăm nước, khi độ mặn cho phép thì mới cho mở cửa cống để ghe tàu lưu thông. Xã có 5/9 ấp ảnh hưởng của mặn chủ yếu là các ấp ven sông. Vùng này, nước bị nhiễm mặn từ năm 2000, nhưng những năm gần đây nước mặn vào sâu.
Trong khi ở nội đồng, người dân chủ động trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất và sinh hoạt thì khu vực ngoài đê bao thường trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản để chịu độ mặn, hoặc người dân chuyển sang nuôi tôm, nuôi cá lóc, cá koi kiểng.
Ở Trà Vinh, nhiều vùng trồng lúa đã chuyển qua nuôi tôm để thích ứng với nước mặn. |
Người dân lẫn địa phương ứng phó nhanh kịp thời, nuôi lươn trên bể bạt, ếch, rau sạch. Ở các vùng đất gò người dân đào đất mặt để bán, đắp bờ, bờ bao chống mặn. Trong khi đó, cống cũng có hệ thống đo độ mặn thường xuyên.
Ông Mai Thanh Tú cho biết thêm, vào ngày trước mở cửa cống vào 4 ra 2, nhưng thời gian gần đây độ mặn lên nhiều nên giờ khép kín chỉ cho ghe tàu ra vào 10 phút. Mỗi lần xả- đóng cống, xã đều có thông báo để người dân trữ nước. Hiện các kinh trữ nước tạm ổn.
Bà Võ Thị Hương- Trưởng Phòng Quản lý Công trình thủy lợi và Nước sạch nông thôn (Chi cục Thủy lợi Trà Vinh)- cho biết:
“Tuy năm nay độ mặn không gay gắt như những năm trước, nước thượng nguồn về nhiều mà nước mặn vào được sâu hay không chủ yếu do nước từ thượng nguồn, thêm vào đó, hệ thống cống chặt chẽ hơn, mặn lên tới đâu đóng cống tới đó.
“Trà Vinh chỉ sợ nước thượng nguồn ít, không đủ để đẩy nước mặn ra. Những năm gần đây, khi nước mặn lên, người dân chuyển qua nuôi tôm sú, tôm thẻ cho hiệu quả kinh tế cao, đồng thời ở các vùng trồng lúa, địa phương cũng có kế hoạch sắp xếp lịch xuống giống né mặn.
Trà Vinh cũng có hệ thống kinh trữ nội đồng khá hoàn chỉnh, duy chỉ có thiếu cống điều tiết trong nội đồng. Khi mặn đến, thiếu nước ngọt thì người dân trữ nước sông hoặc khoan giếng ngầm”- bà Võ Thị Hương cho biết vậy.
Còn theo ông Trần Trung Hiền- Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Trà Vinh, từ trung tuần tháng 2/2018, xâm nhập mặn từ biển Đông theo 2 nhánh sông lớn là sông Cổ Chiên và sông Hậu về phía thượng nguồn, ranh giới mặn 4‰ phía sông Cổ Chiên có chiều dài ảnh hưởng xâm nhập mặn khoảng 30km, xuất hiện tại vàm Trà Vinh; phía sông Hậu có chiều dài ảnh hưởng xâm nhập mặn khoảng 30km, xuất hiện tại vàm Cầu Quan.
Trong công tác phòng chống hạn mặn sắp tới, sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến độ mặn và nguồn nước để thông tin kịp thời.
Đồng thời, phối hợp với Công ty TNHH Nhà nước 1TV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh trong công tác quản lý vận hành các cống đầu mối, điều tiết nguồn nước hợp lý, tăng cường lấy nước ngọt dự trữ tối đa vào hệ thống kinh mương nội đồng để phục vụ cho sản xuất và dân sinh.
Kỳ 3: Mãng cầu, khóm “sống khỏe” trước phèn mặn
Bài, ảnh: HOÀNG MINH- THANH LIÊM- THẢO LY
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin