Ngày 25/5, trong phiên thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, phương hướng năm 2018, đại biểu Lưu Thành Công- đơn vị tỉnh Vĩnh Long có ý kiến tham gia đóng góp việc xây dựng các giải pháp để điều hành phát triển kinh tế xã hội năm 2018 và những năm tiếp sau.
Ngày 25/5, trong phiên thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, phương hướng năm 2018, đại biểu Lưu Thành Công- đơn vị tỉnh Vĩnh Long có ý kiến tham gia đóng góp việc xây dựng các giải pháp để điều hành phát triển kinh tế xã hội năm 2018 và những năm tiếp sau.
“Thời gian qua việc đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn được cử tri cả nước đồng tình ủng hộ. Tại kỳ họp lần III của Quốc hội khóa XIII Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao vấn đề này.
Báo cáo giám sát đã chỉ ra được nhiều ưu điểm cũng như những hạn chế của Chính phủ trong đầu tư ở lĩnh vực này. Và từ đó đến nay đã 6 năm rồi nhưng việc khắc phục những hạn chế mà báo cáo chỉ ra còn chậm.
Cụ thể là việc khống chế mức hạn điền trong Điều 129 của Luật Đất đai. Đây là rào cản làm ảnh hưởng đến việc tích tụ ruộng đất để tạo ra những vùng chuyên canh lớn trong sản xuất nông nghiệp.
Khi xây dựng đề án cơ cấu lại nền nông nghiệp Chính phủ và các ngành chức năng đã thấy vấn đề này nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa có ý kiến gì đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi điều 129 trong Bộ Luật đất đai.
Trong khi đó, người nông dân đang trông chờ từng ngày để được tích tụ ruộng đất một cách hợp pháp nhằm hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp lớn, công nghệ cao.
Vấn đề này tại kỳ họp lần thứ 2 trong phiên thảo luận về kinh tế- xã hội tôi đã có đề xuất.
Ngay sau đó Bộ Tài nguyên và Môi trường có gởi cho tôi một văn bản trả lời việc giao mức hạn điền và cho phép tích tụ ruộng đất quy định trong Luật Đất đai hiện hành là phù hợp với năng lực sản xuất của người nông dân trong thời điểm hiện nay.
Trong khi đó, thực tiễn đang đòi hỏi phải bỏ mức hạn điền mới có thể tích tụ ruộng đất hình thành nền sản xuất lớn một cách hợp pháp.
Hiện nay, để không vi phạm luật, doanh nghiệp và nông dân đã có nhiều cách tích tụ ruộng đất khác nhau như nhờ UBND xã, các hợp tác xã đứng ra thuê đất sau đó giao lại cho doanh nghiệp.
Nhiều nông dân đã tích tụ được hàng trăm hecta đất nhưng phải nhờ bạn bè người thân đứng tên. Những hình thức này không sai quy định của pháp luật, nhưng nguy cơ tranh chấp rất dễ xảy ra làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Cử tri mong Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét sửa đổi một số nội dung trong Luật Đất đai cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn hiện nay.
Ngoài ra, trước nguy cơ tác hại của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, cử tri ĐBSCL rất cảm ơn Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho những khó khăn của nông dân trong vùng. Mặc dù thế, nhưng đến nay ĐBSCL vẫn là một vùng có kết cấu hạ tầng kém nhất của cả nước.
Cử tri đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp kịp thời, nhanh chóng và đồng bộ hơn trong chỉ đạo cơ cấu lại nông nghiệp cho cả nước cũng như của ĐBSCL.
Cần tập hợp mọi nguồn lực, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào cuộc, biến thách thức trở thành thời cơ giúp người nông dân từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu, cơ cấu lại mùa vụ, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, có cách thức sản xuất phù hợp, gia tăng lợi nhuận trong chuỗi giá trị, vươn lên thoát nghèo.
Hiện nay, đời sống của người nông dân còn nhiều khó khăn, vẫn phải tiếp tục chiến đấu đơn lẻ, đi tìm vật nuôi, cây trồng một cách tự phát theo kiểu may rũi, thiếu bền vững, sự đồng hành hỗ trợ của nhà nước chưa nhiều chính vì lẽ đó nên phải liên tiếp “kêu cứu”.
Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chuyên môn nghiên cứu dự báo thị trường thật tốt nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường luôn biến động như hiện nay.
Làm sao rà soát kiểm tra quy hoạch thật chặt, khi đã có dự báo chính xác thì phải kiểm tra thật nghiêm, tuân thủ đúng quy hoạch trong sản xuất, kinh doanh.
Giải quyết, điều hòa cho được mối quan hệ lợi ích giữa người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng. Bởi, giá sản xuất hàng hóa của người nông dân hiện nay rất thấp nhưng người tiêu dùng phải sử dụng giá rất cao, lợi nhuận chỉ tập trung vào khâu kinh doanh.
Song song đó, Chính phủ cần có một kịch bản cụ thể nếu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của ta không xuất khẩu được thì chúng ta xử lý như thế nào để tránh tình trạng khi xuất khẩu không được lại phải “kêu cứu” như hiện nay.
Cử tri nhận định việc phát triển kinh tế của ta chưa song hành cùng phát triển văn hóa, đề nghị Chính phủ tăng cường hơn nữa việc dùng văn hóa để tuyên truyền, giáo dục xây dựng hình ảnh con người Việt Nam thời hội nhập.
Đây là yêu cầu bức xúc hiện nay khi mà những giềng mối đạo đức của con người trong gia đình và ngoài xã hội đang bị xói mòn, đang bị rạn nức tiềm ẩn một nguy cơ lớn trong xã hội.
Bởi, kinh tế có phát triển đến đâu đi chăng nữa, mà chúng ta không quan tâm kiến tạo, giữ gìn những giềng mối đạo đức, hình ảnh của con người Việt Nam thì chúng ta tự đánh mất chúng ta và việc phát triển kinh tế của chúng ta là vô nghĩa.
Nếu làm tốt được vấn đề này, chúng ta sẽ khắc phục được nhiều hiện tượng tiêu cực trong mối quan hệ người với người, khắc phục bệnh vô cảm, giảm bớt đi các tệ nạn xã hội, việc quản lý nhà nước sẽ nhẹ nhàng hơn”.
TÂM- HUỲNH (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin