"Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN)" là chủ đề tỉnh Vĩnh Long hưởng ứng, phát động trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2018.
“Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN)” là chủ đề tỉnh Vĩnh Long hưởng ứng, phát động trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2018.
Qua đó, nhằm tuyên truyền sâu rộng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc.
Người lao động cần nâng cao nhận thức, kỹ năng và hiểu biết về việc tuân thủ các quy định an toàn vệ sinh lao động. |
Nâng cao nhận thức về ATVSLĐ
Môi trường làm việc tại các công ty, doanh nghiệp (DN) lành mạnh là một trong những điều kiện quan trọng góp phần đảm bảo ATVSLĐ, cũng như giảm và ngăn ngừa TNLĐ, BNN.
Do đó, cần được các DN, đơn vị quan tâm đúng mức để nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa, khắc phục nguy cơ gây TNLĐ, BNN.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh- Võ Văn Tám, toàn tỉnh hiện có trên 90% DN có vốn đầu tư nhà nước và trên 60% DN ngoài quốc doanh quy mô sản xuất lớn thực hiện tương đối đầy đủ quy định về công tác ATVSLĐ.
Nhiều công ty, DN trong tỉnh quan tâm tập huấn và kiểm soát vận hành quy trình an toàn. Các quy định về ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ được thực hiện đầy đủ. Đồng thời, các DN quan tâm xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên; chủ động huấn luyện cho cán bộ quản lý, người làm công tác an toàn, công nhân trực tiếp lao động.
Ở mỗi bộ phận sản xuất, hầu hết DN đều gắn bảng quy trình sản xuất và cảnh báo những nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra.
Nhiều công ty xác định an toàn lao động là một tiêu chí để DN phát triển bền vững nên cải thiện điều kiện làm việc tự động hóa bằng máy móc.
Ngoài ra, còn tổ chức khám BNN cho người lao động, qua đó giải quyết các chế độ điều trị phục hồi sức khỏe cho nhiều lao động.
Công ty CP May Vĩnh Tiến thành lập hội đồng bảo hộ lao động, hội đồng an toàn sức khỏe môi trường, ban an toàn lao động- vệ sinh công nghiệp- phòng chống cháy nổ nhằm xây dựng các nội quy, quy trình về kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc, trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng ngừa BNN…
Tuy nhiên, nhiều DN quy mô sản xuất nhỏ trong thực hiện ATVSLĐ còn một số tồn tại như: nhà xưởng sản xuất chật hẹp; máy móc, thiết bị cũ, môi trường sản xuất chưa đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh cho phép; người lao động làm việc chưa được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân;
sử dụng lao động chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, chưa được huấn luyện ATVSLĐ... Trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ TNLĐ, làm 3 người chết, 3 người bị thương nặng.
Chủ động phòng ngừa, kiểm soát ATVSLĐ
Trong giai đoạn mới, Việt Nam đứng trước những thách thức và nguy cơ mất ATVSLĐ gia tăng, số DN và người lao động ngày càng nhiều; các ngành nghề mới, yếu tố nguy hiểm có hại do công nghệ, thiết bị, vật liệu, hóa chất mới ngày càng tăng.
Phát biểu tại lễ phát động tại TP Hồ Chí Minh, ông Đào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Trưởng BCĐ Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương- yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường chỉ đạo, đẩy mạnh cải cách, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra;
xử lý nghiêm các vi phạm; đồng thời tổng kết, nhân rộng các mô hình đảm bảo ATVSLĐ phù hợp với từng ngành, nghề, lĩnh vực, quy mô DN, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN.
Các DN cần đầu tư, đổi mới sử dụng công nghệ, máy móc thiết bị tiên tiến, rà soát, bổ sung các nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn, phòng chống cháy nổ; tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại tại DN…
Người lao động cần tuân thủ đúng các nội quy, quy trình làm việc; chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn; kịp thời phản ánh với cơ quan chức trách hoặc kiên quyết từ chối hoặc rời bỏ công việc, nơi làm việc nếu thấy rõ các nguy cơ, sự cố mất ATVSLĐ để tự bảo vệ bản thân, đồng nghiệp và gia đình.
Năm 2018, tỉnh Vĩnh Long tập trung thông tin, tuyên truyền sâu rộng về các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát yếu tố nguy hiểm có hại tại nơi làm việc nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, DN, người lao động trong công tác cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo sức khỏe, bảo đảm tính mạng NLĐ.
Tỉnh khuyến khích các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh triển khai chương trình hành động cụ thể phòng ngừa TNLĐ, BNN xây dựng văn hóa an toàn nơi làm việc, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời yêu cầu các cấp, ngành, DN, cơ sở sản xuất kinh doanh cần tập trung cụ thể hóa và thực hiện tốt những nhóm giải pháp để chủ động kiểm soát, phòng ngừa nguy cơ, rủi ro, có hại trong lao động;
cải thiện điều kiện làm việc, ngăn ngừa sự cố, tai nạn nghiêm trọng, hạn chế thấp nhất TNLĐ, BNN, xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương thường xuyên, kịp thời thanh- kiểm tra về ATVSLĐ; trong đó, tập trung thanh- kiểm tra lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN và kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp vi phạm pháp luật về ATVSLĐ
Từ ngày 7- 22/5/2018, Vĩnh Long tổ chức kiểm tra đối với 20 DN trên địa bàn về thực thi chính sách pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, chỉ ra thiếu sót để hướng dẫn DN chấp hành tốt quy định của pháp luật về lao động |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin