Bước đầu sẽ sửa đổi, bổ sung 13 Luật liên quan đến Luật quy hoạch

04:05, 16/05/2018

Sáng nay 16/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về quy hoạch tại 13 Luật.

Sáng nay 16/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về quy hoạch tại 13 Luật.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình của Chính phủ. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình của Chính phủ. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Theo Phụ lục III Luật Quy hoạch, sẽ có 25 luật quy định liên quan đến quy hoạch cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo đồng bộ với Luật Quy hoạch.

 

Tuy nhiên, qua rà soát, các Bộ đã đề xuất sửa đổi, bổ sung 27 bộ luật, luật, bao gồm: 25 luật theo Danh mục tại Phụ lục III Luật Quy hoạch, 1 luật do Bộ Y tế đề xuất bổ sung (Luật An toàn thực phẩm) và 1 luật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất bổ sung (Luật Phòng, chống thiên tai).

 

Trước tiên, sẽ có 13 Luật có các quy định liên quan đến vấn đề quy hoạch sẽ được bổ sung, sửa đổi. 

 

Cụ thể là các luật Luật: Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm; Luật Dược; Luật Công chứng; Luật Trẻ em; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Khoa học công nghệ; Luật Xây dựng; Luật Quy hoạch đô thị.

 

Cho ý kiến tại phiên họp các đại biểu thống nhất tên gọi của dự thảo luật là: “Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm; Luật Dược; Luật Công chứng; Luật Trẻ em; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Khoa học công nghệ; Luật Xây dựng; Luật Quy hoạch đô thị”.

 

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số luật có quy định liên quan đến quy hoạch bao gồm 14 điều, trong đó có 13 điều quy định việc sửa đổi 13 luật và 1 điều về quy định hiệu lực thi hành luật.

 

Trình bày Tờ trình Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại 13 luật này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng luật này căn cứ trên việc bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và người dân hoặc sửa đổi tên các quy hoạch ngành đảm bảo phù hợp với danh mục quy hoạch ngành quốc gia được quy định tại Phụ lục I của Luật Quy hoạch.

 

Bên cạnh đó, để “đảm bảo đủ căn cứ pháp lý để bổ sung nguồn kinh phí đầu tư công trung hạn giai đoạn 2017 - 2020 cho công tác lập quy hoạch cho giai đoạn 2021 – 2030”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

 

Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành dự án Luật để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch. 

 

Ủy ban Kinh tế đề nghị phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này cần tuân thủ nguyên tắc chỉ sửa đổi, bổ sung những quy định trong các luật có nội dung liên quan đến quy hoạch để bảo đảm đồng bộ và thống nhất với Luật Quy hoạch.

 

Ủy ban Kinh tế nhận thấy về cơ bản, các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch của các luật nêu trên đã bám sát nội dung của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, thực tế cho thấy so với yêu cầu sửa đổi, bổ sung các luật quy định tại Phụ lục III của Luật Quy hoạch, đã có nhiều nội dung phát sinh, một số điều, khoản có trong Phụ lục lại chưa được đưa vào dự thảo sửa đổi. 

 

“Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát kỹ lưỡng các điều, khoản của các luật có liên quan để bảo đảm đúng mục tiêu của việc sửa đổi đồng bộ với Luật Quy hoạch. Đối với những nội dung được yêu cầu sửa đổi, bổ sung tại Phụ lục III của Luật Quy hoạch nhưng không thực hiện thì thì cần báo cáo, giải trình với Quốc hội”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh.

 

Liên quan đến các nội dung cụ thể phải sửa đổi, bổ sung từng luật, Chủ nhiệm Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12, đa số ý kiến tán thành việc bỏ quy hoạch tổng thể về bảo đảm an toàn thực phẩm, quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm và giữ quy định về xây dựng chiến lược về an toàn thực phẩm. 

 

Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn sự cần thiết phải có chiến lược về an toàn thực phẩm vì cho rằng chiến lược mang tính định hướng lớn, quy hoạch để cụ thể hóa chiến lược, do vậy, khi bỏ quy hoạch thì có cần thiết giữ lại chiến lược không.

 

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc có cần thiết duy trì việc ban hành chính sách phát triển chợ, siêu thị trong khi đã bỏ quy hoạch phát triển chợ, siêu thị.

 

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hóa chất số 06/2007/QH12 và Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010/QH12, Ủy ban Kinh tế nhất trí với nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan. 

 

“Có ý kiến đề nghị trước mắt sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch, song 2 Luật này đã trải qua thời gian thực hiện khá dài, nhiều nội dung quy định không còn phù hợp so với thời điểm hiện nay, do đó, đề nghị Chính phủ tiến hành tổng kết, đánh giá để trình Quốc hội sửa đổi toàn diện “2 Luật này thời gian tới”, ông Vũ Hồng Thanh cho biết.

 

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá số 09/2012/QH13, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, theo Tờ trình của Chính phủ thì bãi bỏ khoản 1 Điều 21, tuy nhiên, trong dự thảo Luật lại bỏ cả Điều 21. Do vậy, đề nghị cần rà soát, bảo đảm sự thống nhất.

 

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, quy định này vẫn phù hợp, nhưng đề nghị chỉnh lý như sau: Việc đầu tư trồng cây thuốc lá, chế biến nguyên liệu và sản xuất thuốc lá phải phù hợp với quy hoạch còn hiệu lực theo Luật Quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

 

Theo Xuân Phong/Báo Tin Tức

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh