Nỗ lực xây dựng tiểu vùng Mê Công mở rộng, hòa bình và thịnh vượng

09:04, 01/04/2018

Sau 2 ngày làm việc, Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) lần thứ 6 với chủ đề "Phát huy 25 năm hợp tác, Xây dựng GMS hội nhập, bền vững và thịnh vượng" đã chính thức bế mạc.

Sau 2 ngày làm việc, Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) lần thứ 6 với chủ đề “Phát huy 25 năm hợp tác, Xây dựng GMS hội nhập, bền vững và thịnh vượng” đã chính thức bế mạc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao chủ trì Họp báo thông báo kết quả Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao chủ trì Họp báo thông báo kết quả Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6

 

 Hội nghị do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì với sự tham dự của Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith; Thủ tướng Campuchia Hun Sen; Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha; Phó Tổng thống Myanmar U Henry Van Thio; Ủy viên Quốc vụ viện, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao…

227 dự án, tổng kinh phí lên gần 66 tỷ USD

Hội nghị đánh giá cao những thành tựu quan trọng mà hợp tác GMS đã đạt được trong 25 năm qua trên cơ sở triển khai chiến lược 3C “Kết nối, Cạnh tranh và Cộng đồng”.

Quy mô hợp tác đạt hơn 21 tỷ USD với hàng trăm dự án trên nhiều lĩnh vực, nổi bật là hợp tác kết nối với việc xây dựng mới và nâng cấp nhiều sân bay, 80 cây cầu, 10.000km đường bộ, 500km đường sắt và 3.000km đường dây truyền tải điện.


GMS cũng là cơ chế hợp tác đi đầu thúc đẩy việc xây dựng các tuyến hành lang kinh tế liên quốc gia như hành lang kinh tế Đông Tây, Bắc Nam và ven biển phía Nam. Các lĩnh vực hợp tác khác như thuận lợi hóa thương mại, nông nghiệp, môi trường đều đạt những kết quả đáng khích lệ. 

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã bày tỏ cảm ơn đối với sự hỗ trợ hiệu quả của ADB trong vai trò Ban Thư ký của cơ chế hợp tác, giúp các nước thành viên huy động lượng vốn rất lớn phục vụ cho các dự án hợp tác.

Về định hướng hợp tác trong 5 năm tới, hội nghị đã thông qua Kế hoạch hành động Hà Nội giai đoạn 2018 - 2022 và Khung đầu tư khu vực vùng 2022 nhằm làm rõ hơn các trọng tâm hợp tác, thực hiện những điều chỉnh cần thiết để bảo đảm hợp tác GMS trong trung hạn đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của các nước thành viên. Khung đầu tư khu vực tới năm 2022 bao gồm 227 dự án với tổng kinh phí lên gần 66 tỷ USD.

Hội nghị đã ủng hộ đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và nhất trí khởi động quá trình xây dựng tầm nhìn dài hạn sau năm 2022 cho hợp tác GMS nhằm giúp các quốc gia thành viên thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hiệp quốc, nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng phó với thách thức chung của khu vực và bảo đảm hợp tác GMS kịp thời đổi mới để có thể đáp ứng yêu cầu phát triển của các nước thành viên trong tình hình mới.

Sử dụng bền vững, cùng quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên

Tại hội nghị, nội dung hợp tác về ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, quản lý nguồn nước cũng được các nhà lãnh đạo thảo luận. Hội nghị nhất trí thúc đẩy hợp tác về phát triển bền vững, thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Chương trình nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc về phát triển bền vững và tăng cường hợp tác về sử dụng bền vững và cùng quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên thông qua hợp tác xuyên biên giới và các nỗ lực chung nhằm đạt an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và an ninh năng lượng.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng đã ghi nhận chiến lược hợp tác ngành trên các lĩnh vực giao thông, du lịch, nông nghiệp và môi trường, báo cáo kết quả 25 năm hợp tác GMS, báo cáo hợp tác thương mại điện tử GMS.

Lãnh đạo cấp cao các nước GMS đã nhất trí thông qua 3 văn kiện quan trọng: Tuyên bố chung của hội nghị, Kế hoạch hành động Hà Nội 2018 - 2022 và Khung đầu tư khu vực tới năm 2022 với trên 200 dự án trị giá 66 tỷ USD.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Nhiều vấn đề quan trọng đã được thảo luận kỹ như: động lực tăng trưởng mới, phương thức tốt nhất phát triển ngành nông nghiệp, hạ tầng cơ sở của khu vực, thách thức và cơ hội trong trung và dài hạn...

Những ý kiến, chia sẻ của các nhà lãnh đạo và quý vị đại biểu là hết sức sâu sắc, thể hiện khát vọng chung của tất cả chúng ta về một tiểu vùng Mê Công mở rộng, hòa bình và thịnh vượng”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn những trao đổi, gặp gỡ tại hội nghị lần này sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp cho nhiều hoạt động tiếp theo về hợp tác, đầu tư, kinh doanh giữa các doanh nghiệp, các địa phương, đem lại lợi ích cho tất cả các bên.

Theo BẢO VÂN (SGGP)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh