Lấy gì để 5 năm sau nông dân thu nhập 66 triệu đồng mỗi năm?

03:04, 04/04/2018

Căn cứ vào đâu để Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tự tin rằng thu nhập của nông dân có thể tăng gấp đôi trong 5 năm tới?

Căn cứ vào đâu để Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tự tin rằng thu nhập của nông dân có thể tăng gấp đôi trong 5 năm tới?

Giá cà chua ở Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An rớt mạnh, bán 10kg không mua được một tô phở - Ảnh: DOÃN HÒA
Giá cà chua ở Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An rớt mạnh, bán 10kg không mua được một tô phở - Ảnh: DOÃN HÒA

Hiện tại, thu nhập mỗi nông dân hiện là 33 triệu đồng, thấp so với bình quân 50 triệu của cả nước. Vậy liệu mục tiêu tăng gấp đôi thu nhập trong 5 năm tới có quá tham vọng?

Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu hai ý kiến của hai chuyên gia về nông nghiệp, ngõ hầu góp thêm tiếng nói về mục tiêu này.

PGS.TS Vũ Trọng KhảiĐếm cua trong lỗ?

Liệu có giống như cách tính thế giới có 7 tỉ người, mỗi người ăn thêm một ký tôm thì Việt Nam có thể xuất khẩu 10 tỉ USD tôm hay không?

Cá nhân tôi, ngành nông nghiệp vẫn được điều hành bằng những tư duy cũ thì không thể tạo ra sự tăng trưởng đột biến được.

Nói như vậy để thấy rằng, mục tiêu tăng thu nhập lên gấp đôi của nông dân là có thể thực hiện được, nhưng phải với tầm nhìn 10 năm trở lên.

Lý do là nền nông nghiệp Việt Nam cần phải xây dựng lại từ đầu theo định hướng của thị trường thực sự chứ không phải loay hoay tái cơ cấu như cả chục năm qua mà kết quả không đi đến đâu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói đến Chính phủ Kiến tạo, vậy ứng dụng phương châm ấy vào nông nghiệp như thế nào để tạo động lực cho phát triển.

Đơn giản kiến tạo tức là nhà nước càng ít can thiệp vào thị trường càng tốt, chỉ cần tạo ra môi trường bình đẳng để cạnh tranh và để các doanh nghiệp và nông dân yên tâm đầu tư.

Phát triển nông nghiệp tập trung vào năng suất và sản lượng đã đến giới hạn và để lại hậu quả là nhiều hàng hóa nhưng chất lượng không cao, giá bán thấp.

Cần phải thay đổi cơ bản định hướng phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, bắt đầu bằng quy hoạch các mặt hàng chủ lực tương ứng với từng vùng miền cụ thể.

Phải có chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp như miễn thuế thu nhập, giảm thuế đầu tư máy móc công nghệ để nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng cao.

Nhà nước phải trả đất đai về cho thị trường, để các giao dịch giữa doanh nghiệp và người có đất dựa trên quan hệ cung cầu, phản ánh đúng giá trị của đất đai thay vì nhà nước đứng ra lấy đất với giá rẻ và giao cho doanh nghiệp.

Quan trọng nhất là đào tạo một thế hệ nông dân chuyên môn, có trình độ cao trong sản xuất nông nghiệp để họ là mắt xích quan trọng trong liên kết với các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị. Phải giảm tỉ lệ lao động nông nghiệp xuống 10%.

Có như vậy, thu nhập của nông nghiệp mới được phân phối đồng đều, đời sống của nông dân tăng lên cùng giá trị của ngành.

Điều tôi lo lắng là sự mất cân bằng. Có thể giá trị nông nghiệp trong 5 năm tới sẽ tăng lên gấp đôi, nhưng phần tăng lên chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận với đất đai trong khi đa số người dân vẫn khó khăn.

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Phải cải tổ bộ máy kém nhạy bén của Bộ

Để ngành nông nghiệp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng thu nhập cho nông dân gấp 2 lần trong vòng 5 năm tới như cam kết của Bộ trưởng, tôi nghĩ Bộ trưởng phải làm rất nhiều việc, vượt qua nhiều thử thách, trong đó có việc Bộ cần cải tổ ngay bộ máy quản lý cồng kềnh nhưng kém nhạy bén của bộ mình.

Bộ cần nhanh chóng xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn trái với đầy đủ công nghệ chế biến và bảo quản đi kèm (hiện phần lớn vẫn là thu mua gom bởi thương lái là chính).

Phải khắc phục ngay chuyện đã có một ít mô hình nông nghiệp thành công nhưng chưa được nhân rộng cho các doanh nghiệp và chính quyền địa phương tổ chức thực hiện để áp dụng...

Tôi tin rằng nếu Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tập trung quyết liệt khắc phục những hạn chế trên trong năm 2018, nông nghiệp Việt Nam sẽ tiến tới những thắng lợi lớn.

Theo TTO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh