Nửa thế kỷ đã trôi qua, song dấu ấn của Trung đoàn 3 Bộ binh- Quân khu 9 vẫn còn in đậm trên mảnh đất Vĩnh Long- Trà Vinh. Trung đoàn 3 Bộ binh đã lập nhiều chiến công vang dội trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần to lớn cùng quân dân Vĩnh- Trà và cả nước "đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào", thống nhất đất nước.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, song dấu ấn của Trung đoàn 3 Bộ binh- Quân khu 9 vẫn còn in đậm trên mảnh đất Vĩnh Long- Trà Vinh. Trung đoàn 3 Bộ binh đã lập nhiều chiến công vang dội trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần to lớn cùng quân dân Vĩnh- Trà và cả nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, thống nhất đất nước.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 3 hành quân rèn luyện thể lực. Ảnh: HỒ KIÊN GIANG |
Vĩnh Long- Trà Vinh là địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, nhưng trước năm 1967 chỉ có lực lượng vũ trang địa phương hoạt động.
Đứng trước tình hình đó, Khu ủy và Bộ Chỉ huy Quân khu 9 quyết định đưa bộ đội chủ lực vào hỗ trợ.
Tháng 1/1967, Quân khu điều động Tiểu đoàn 306 là đơn vị chủ lực mạnh của Quân khu từ Cà Mau sang chiến trường Vĩnh Long- Trà Vinh để phối hợp chiến đấu, hỗ trợ địa phương (phá ấp chiến lược, mở mảng, chuyển vùng, tiến tới làm nòng cốt xây dựng trung đoàn chủ lực hoạt động trên chiến trường Vĩnh- Trà).
Để phối hợp với toàn miền chuẩn bị lực lượng tổng công kích, tổng khởi nghĩa, ngày 25/9/1967, Quân khu quyết định thành lập Tiểu đoàn 308; ngày 10/2/1968 thành lập Tiểu đoàn 312.
Quân số của 2 tiểu đoàn này phần lớn là con em của quê hương Vĩnh- Trà.
Trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn 308 cùng Tiểu đoàn 306 phối hợp với quân dân địa phương Vĩnh Long tiến công, làm chủ một phần TX Vĩnh Long 6 ngày đêm.
Sau đó, Tiểu đoàn 308 được Bộ Tư lệnh Miền điều về hoạt động ở Long An, phối hợp với các lực lượng của chiến trường Sài Gòn- Gia Định đánh vào Sài Gòn đợt 2 năm 1968.
Trước yêu cầu phát triển lực lượng vũ trang đáp ứng nhiệm vụ cách mạng mới, ngày 20/4/1968, Trung đoàn 3 Bộ binh chính thức được thành lập tại ấp Vĩnh Thới (xã Thuận Thới- Trà Ôn). Lúc mới thành lập, Trung đoàn mang tên Trung đoàn Cửu Long. Biên chế của Trung đoàn gồm có 4 tiểu đoàn: 306, 308 (mới thành lập lại), 312, 316, cùng các cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, Kỹ thuật và 8 đại đội trực thuộc Trung đoàn.
Trung đoàn 3 Bộ binh là quả đấm thép của Quân Giải phóng, là trụ cột, chỗ dựa tin cậy của lực lượng vũ trang và nhân dân Vĩnh- Trà, là nỗi khiếp sợ của quân thù.
Nối tiếp những chiến công vang dội của các đơn vị tiền thân, ngay từ khi thành lập, Trung đoàn đã khắc phục mọi khó khăn gian khổ; kiên cường bám trụ cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương 2 tỉnh Vĩnh- Trà, làm nên những chiến công lẫy lừng. Tiêu biểu như các trận:
Suốt 2 đợt của cuộc tổng công kích, tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, Trung đoàn 3 đã đánh hàng chục trận, diệt 3 tiểu đoàn địch ở Ngã ba Bà Khả, cầu Ông Me và lộ Cầu Vồng, diệt trên 1.000 tên địch, bắn cháy 25 xe M.113, bắn rơi 9 trực thăng, phá hủy 10 khẩu pháo 105 ly, đánh thiệt hại nặng 2 trung đoàn thiết giáp, gỡ 50 đồn, làm chủ và cắt đứt QL7, QL4 nhiều ngày.
Đầu tháng 4/1968, Tiểu đoàn 316 chặn đánh 1 đoàn tàu địch trên sông Măng Thít đoạn từ Ba Phố đi Tam Bình, bắn chìm 12 tàu, diệt 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến.
Ngày 15/11/1968, trung đoàn tập kích tại Ngã tư Nhà Đài đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 405, diệt trên 380 tên.
Tiếp theo, Trung đoàn đã đánh địch càn quét ở các vùng Vĩnh Xuân, Hựu Thành, An Trường diệt hơn 500 tên, đánh thiệt hại 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 16 Sư đoàn 9.
Đến năm 1969, địch mở chiến dịch Bình định rất ác liệt ở chiến trường Vĩnh- Trà, ta tạm lui về các huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Cầu Ngang, Duyên Hải (Trà Vinh) củng cố lực lượng.
Riêng Tiểu đoàn 312 ở lại chiến trường Vĩnh Long, tập kích tiêu diệt Tiểu đoàn Biệt động quân, diệt hơn 300 tên. Từ đó, đã mở ra cho ta một phương thức chiến đấu mới, đó là: phải bám trụ, tiến công và tiêu diệt địch.
Đêm 24/4/1971, Trung đoàn 3 đánh Chi khu Càng Long (Trà Vinh). Tiểu đoàn 306 chủ công đánh chi khu; Đại đội Đặc công 114 và 1 bộ phận của Tiểu đoàn 312 đánh hậu cứ của Trung đoàn 14- Sư đoàn 9.
Sau 2 giờ chiến đấu ác liệt, ta chiếm hoàn toàn Chi khu Càng Long và đánh thiệt hại nặng hậu cứ của Trung đoàn 14- Sư đoàn 9 ngụy; diệt trên 300 tên, bắt sống 6 tên, thu 42 súng các loại, 5 máy thông tin, phá hủy 2 khẩu pháo 105 ly, đốt cháy 1 kho đạn.
Trận đánh Chi khu Càng Long có ý nghĩa to lớn, chỉ với 63 tay súng được huấn luyện đặc công hóa mà ta đã diệt được 1 chi khu và đánh thiệt hại nặng hậu cứ của trung đoàn địch.
Đêm 6/4/1972, Trung đoàn 3 đánh tiêu diệt Yếu khu Thầy Phó thuộc xã Hựu Thành (Trà Ôn). Ta tiêu diệt 1 tiểu đoàn bảo an, 1 đại đội thám báo, 1 trung đội pháo binh, phá hủy 2 khẩu pháo 105 ly.
Ngày 7/4/1972, trung đoàn tổ chức phục kích đánh địch từ Vĩnh Long đến viện ở lộ Hàng Me, đánh thiệt hại nặng 4 tiểu đoàn bảo an và 1 tiểu đoàn của Sư đoàn 9.
Đêm 9/1/1975, trung đoàn đánh tiêu diệt Yếu khu Thầy Phó lần thứ 2, diệt trên 100 tên, bắt sống 147 tên (có 1 thiếu tá), thu 2 khẩu pháo 105 ly, 800 đạn pháo, 2 khẩu súng cối 61 ly, 6 súng đại liên và nhiều vũ khí, phương tiện khác.
Từ đêm 10/3/1975 đến sáng 17/3/1975, ta bao vây Yếu khu Thầy Phó, đánh viện diệt nhiều sinh lực địch, địch phải rút khỏi Thầy Phó, ta giải phóng Thầy Phó lần thứ 3.
Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết, nhưng địch không chịu đình chiến mà tiếp tục điên cuồng chiếm đất, giành dân.
Trung đoàn phải làm nhiệm vụ “Bám trụ và giữ đất, giành dân”, tiếp tục tiến công địch, bảo vệ nhân dân, giữ vững vùng giải phóng.
Thời cơ mới đã đến, từ tháng 2/1973 đến 30/4/1975, trung đoàn đã phối hợp với lực lượng vũ trang 2 tỉnh Vĩnh Long- Trà Vinh đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, diệt nhiều sinh lực địch, làm tan rã hàng ngàn quân và nhiều bộ máy chính quyền cấp xã của ngụy, tiêu diệt và bứt rút nhiều đồn bót, giải phóng nhiều xã và chiếm giữ nhiều địa bàn quan trọng, mở rộng vùng giải phóng, đưa hàng chục ngàn dân về quê cũ.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ngày 28/4/1975, Trung đoàn 3 Bộ binh đã phối hợp cùng Trung đoàn 1 Bộ binh đánh cắt QL4, khống chế sân bay Trà Nóc.
Đến sáng 30/4/1975, để lại một bộ phận chốt QL4, Trung đoàn 3 Bộ binh cùng Trung đoàn 1 Bộ binh tiếp tục cơ động về sẵn sàng đánh chiếm TX Vĩnh Long.
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng, sau đó Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật ở Cần Thơ cũng ra lệnh đầu hàng.
Tuy ngoan cố kêu gọi tử thủ, nhưng trước sức mạnh của khí thế cách mạng, hàng loạt binh lính ngụy bỏ súng tìm đường thoát thân nên tên Đại tá Lê Trung Thành- Tỉnh trưởng Vĩnh Long- buộc phải nghe theo yêu cầu của ta, cho xe đón đại diện quân cách mạng vào thương lượng.
Đồng chí Nguyễn Văn Bá (Sáu Bá)- Trung đoàn phó Trung đoàn 3 được Tư lệnh tiền phương Quân khu cử vào thương lượng và đến 22 giờ tên Tỉnh trưởng chịu đầu hàng.
23 giờ, ta tiếp quản dinh Tỉnh trưởng và từ đó đến sáng 1/5/1975 Trung đoàn 3 cùng các đơn vị bạn tiến vào tiếp quản TX Vĩnh Long, giành chính quyền về tay nhân dân.
Sau khi miền Nam giải phóng, tháng 5/1975, bọn phản động PolPot- Iêng Sary đã ngang nhiên tiến hành chiến tranh xâm lược ở biên giới Tây Nam, tàn sát nhân dân ở vùng biên giới và giết sạch dân ta trên đảo Thổ Chu.
Trước tình hình đó, ngày 21/9/1976, Bộ Tổng Tham mưu quyết định thành lập Sư đoàn 330, Trung đoàn 3 Bộ binh nằm trong đội hình Sư đoàn (Tiểu đoàn 306, 308, 312 đổi phiên hiệu thành Tiểu đoàn 7, 9, 8) đã cùng các đơn vị trong đội hình Sư đoàn vừa cơ động chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc; vừa làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia.
Trong thời gian tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp bạn Campuchia, Trung đoàn 3 Bộ binh đã trực tiếp đánh hàng ngàn trận lớn nhỏ, diệt 4.959 tên, gọi hàng và bắt sống 2.487 tên, thu 4.452 súng các loại, 33 máy bay, 9 xe tăng, 25 xe quân sự, gỡ hơn 30.000 quả mìn các loại.
Giải phóng 123.000 dân, xây dựng 1.325 nhà ở cho dân, cứu chữa 8.317 người dân, chốt bảo vệ tuyến biên giới Campuchia- Thái Lan cho bạn; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế cao cả.
Cùng với các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam, Trung đoàn 3 đã rút quân về nước vào ngày 25/9/1989 trong tình cảm lưu luyến của nhân dân Campuchia.
Sau khi trở về Tổ quốc, Trung đoàn luôn phát huy truyền thống và thành tích đạt được trong chiến đấu, thường xuyên sẵn sàng chiến đấu tốt, huấn luyện giỏi, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, không ngừng tiến bộ về mọi mặt.
Từ đó, đạt nhiều kết quả trong vận động quần chúng và giúp dân, được chính quyền và nhân dân địa phương tin yêu, quý mến.
Với những hy sinh cống hiến to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong suốt những năm chiến đấu và xây dựng; Trung đoàn 3 Bộ binh đã được Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang; Tiểu đoàn 306 3 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang;
Tiểu đoàn 308, Tiểu đoàn 312 và Đại đội 58 Tiểu đoàn 306 cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Có 9 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang là các đồng chí: Nguyễn Đệ, Lê Xã Hội, Trần Văn Ấm, Nguyễn Văn Bánh, Nguyễn Tấn Đang, Lê Văn Hòa, Nguyễn Văn Bá, Phan Thành Thảo (Năm Còi), Đỗ Văn Hơn.
Trung đoàn được khen thưởng 742 huân chương các loại cho các tập thể và cá nhân. Có 5 đồng chí đã từng chiến đấu, công tác tại Trung đoàn 3 được phong quân hàm cấp tướng.
Nhiều đồng chí chuyển ngành, phục viên đã tích cực tham gia công tác địa phương, góp phần to lớn trong xây dựng Đảng và chính quyền ngày càng vững mạnh.
Từ ngày thành lập đến ngày 30/4/1975, Trung đoàn 3 Bộ binh đã đánh 1.594 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 53.123 tên địch (trong đó có 1.283 tên lính Mỹ và chư hầu), bắt sống 1.914 tên. Tiêu diệt Chi khu Càng Long, đánh thiệt hại nặng Chi khu Cầu Kè, Chi khu Bình Minh (Cái Vồn), 3 lần tiêu diệt và bứt rút Yếu khu Thầy Phó, 6 căn cứ cấp trung đoàn địch, 155 đồn bót. Thu trên 10.000 súng các loại, trong đó có 2 khẩu pháo 105 ly (kháng chiến chống Pháp trong Quân khu 9 chỉ có Tiểu đoàn 307 thu 1 khẩu pháo 105 ly nguyên vẹn ở trận Tầm Vu, thời chống Mỹ chỉ có Trung đoàn Bộ binh 3 thu 2 khẩu pháo 105 ly ở Thầy Phó), 128 máy thông tin. Bắn rơi 74 máy bay, đánh chìm 77 tàu chiến, góp phần hoàn thành sứ mệnh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trung đoàn 3 Bộ binh có 2.234 đồng chí đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và nhân dân ta luôn nhớ ơn những anh hùng liệt sĩ này. |
TRUNG NGÔN
(Tóm lược theo tư liệu của Hội Đồng đội Trung đoàn 3 Bộ binh và Lịch sử Trung đoàn 3 Bộ binh (Sư đoàn 330- Quân khu 9))
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin