Anh hùng trong chiến đấu, xuất sắc trong huấn luyện

05:04, 21/04/2018

Ngày 20/4/1968, tại xã Thuận Thới (huyện Trà Ôn- Vĩnh Long), Trung đoàn Cửu Long, Quân khu 9 (tức Trung đoàn 3, Sư đoàn 330 ngày nay) được thành lập để đảm nhiệm vai trò nòng cốt cho phong trào chiến tranh nhân dân, tạo quả đấm đủ mạnh trong tác chiến trên chiến trường Vĩnh- Trà. 

Ngày 20/4/1968, tại xã Thuận Thới (huyện Trà Ôn- Vĩnh Long), Trung đoàn Cửu Long, Quân khu 9 (tức Trung đoàn 3, Sư đoàn 330 ngày nay) được thành lập để đảm nhiệm vai trò nòng cốt cho phong trào chiến tranh nhân dân, tạo quả đấm đủ mạnh trong tác chiến trên chiến trường Vĩnh- Trà.

Tiếp bước thế hệ anh hùng trong chiến đấu năm xưa, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 3 hôm nay đã và đang ra sức phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện.

Huấn luyện hành quân bằng xuồng.
Huấn luyện hành quân bằng xuồng.

Kiên cường bám trụ

Sau cuộc Tổng tiến công của lực lượng vũ trang ta vào Tết Mậu Thân 1968, địch tăng cường đánh phá vùng giải phóng.

Dù mới thành lập nhưng Trung đoàn Cửu Long vừa chiến đấu vừa củng cố, xây dựng lực lượng và hoạt động hiệu quả trên chiến trường Vĩnh- Trà.

Riêng Tiểu đoàn 312 có trận tập kích địch tại Chế Bán thuộc xã Ninh Thới (huyện Cầu Kè- Trà Vinh), diệt gọn một đại đội bảo an. Từ đó mở ra cho đơn vị phương thức tác chiến mới.

Trung úy Mai Trung Xô- nguyên Trợ lý Chính trị Trung đoàn Cửu Long- kể: “Trước đây, Pháp xây dựng đồn tam giác, sau này Mỹ làm đồn Mã Lai. Do 2 căn cứ đồn trú khác nhau nên phương pháp đánh của ta cũng khác nhau.

Ví như ta chưa có nhưng kinh nghiệm đánh công sự thì Trung đoàn Cửu Long chỉ đạo toàn thể đơn vị phải đồng hóa đặc công, phải học cách đánh đặc công.

Tức là ta lấy lực lượng ít đánh nhiều, lấy thằng “thức” đánh thằng “ngủ”. Đó là một ưu thế mà tôi nghĩ chỉ có đặc công Việt Nam mới làm được”.

Theo ông Trần Hữu Nghĩa (Tư Thành)- nguyên Chính trị viên Đại đội 59 (Tiểu đoàn 306, Trung đoàn Cửu Long), với tinh thần kiên cường bám trụ, quyết tâm đánh bại ý đồ “bình định” của địch, từ năm 1970- 1972, Trung đoàn Cửu Long đã đánh hàng trăm trận lớn, nhỏ với nhiều hình thức chiến thuật khác nhau, nổi bật như trận đánh Yếu khu Thầy Phó, trận Lo Co, trận đánh Chi khu Càng Long.

“Chi khu Càng Long là một căn cứ quân sự quan trọng, một mắt xích trong hệ thống kìm kẹp của địch ở tiểu khu Vĩnh Bình (tỉnh Trà Vinh của ta), là căn cứ xuất phát hành quân bình định của địch hòng đánh phá vùng giải phóng huyện Càng Long nhằm bảo vệ Liên tỉnh lộ 70- trục giao thông huyết mạch của địch ở Trà Vinh.

Sau gần 2 giờ chiến đấu, ta đã diệt cơ bản địch trong chi khu, được Quân ủy Miền điện khen ngợi. Chiến thắng Chi khu Càng Long đã giải quyết được tư tưởng ngán ngại đánh địch trong công sự cho cán bộ, chiến sĩ toàn trung đoàn và củng cố lòng tin của nhân dân địa phương đối với bộ đội chủ lực Quân khu”- ông Trần Hữu Nghĩa khẳng định.

Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung đoàn Cửu Long đã chiến đấu gần 1.600 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu nhiều tên địch; thu trên 10.000 phương tiện, vũ khí các loại, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhắc nhớ lại chuyện xưa, ông Phan Văn Lít (Minh Nguyên)- nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 306- luôn tràn đầy niềm tự hào: “Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Cửu Long đã kiên cường bám trụ, giữ đất, giành dân, quyết chiến với địch.

Tôi nhớ lúc đó các tỉnh của Quân khu chưa có đơn vị nào lấy được pháo u buýt, nhưng trung đoàn đã làm được.

Không chỉ vậy mà còn mang chiến lợi phẩm từ Thầy Phó chuyển lên Tam Bình bắn qua Cần Thơ. Bản thân tôi là bộ binh cũng cảm thấy khâm phục, anh em hậu cần quá giỏi!”

Sau ngày đất nước thống nhất, Trung đoàn Cửu Long nằm trong đội hình của Sư đoàn 330, cùng các đơn vị bạn tiếp tục chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ giúp bạn Campuchia thoát họa diệt chủng.

Đại tá Nguyễn Minh, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 (Sư đoàn 330)- nhớ lại: “Ngày 7/1/1979, trong vòng một ngày, đơn vị đã vượt hơn 100km tiến vô Thủ đô Phnom Penh, tiếp đó phát triển lên Kampong Chhnang, Pursat rồi Battambang, biên giới giáp Thái Lan.

Tóm lại, trong 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế, chúng tôi đã đi hết chiều dài của đất nước Campuchia, vừa chiến đấu vừa giúp bạn xây dựng chính quyền cơ sở, cứu đói và chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng tuyến đường bảo vệ biên giới...

Qua đó, tô thắm thêm hình ảnh anh lính tình nguyện đến từ “Đội quân nhà phật” được nhân dân Campuchia suy tôn”.

Huấn luyện sát với địa bàn

Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia, Trung đoàn 3 về nước thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật và sẵn sàng cơ động khi có yêu cầu.

Huấn luyện sát với mọi địa hình.
Huấn luyện sát với mọi địa hình.

Một trong những điểm nổi bật của đơn vị là huấn luyện sát thực tế trên địa bàn nhiều kinh rạch. Thượng tá Phan Thanh Phong- Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3- cho rằng: “Đối với một quân nhân ở đơn vị, để luôn hoàn thành nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh thì biết bơi, bơi thạo là yêu cầu, kỹ năng cần thiết.

Tuy nhiên, không phải thanh niên nào nhập ngũ cũng thành thạo bơi lội.

Tỷ lệ chiến sĩ mới nhập ngũ hàng năm vào Trung đoàn 3 chưa biết bơi chiếm từ 7- 10%. Vì vậy, khi tiếp nhận tân binh thì đơn vị tiến hành khảo sát, phân loại chiến sĩ biết bơi, bơi yếu hoặc không biết bơi để tổ chức huấn luyện”.

Một yêu cầu khác là mỗi chiến sĩ phải biết chèo xuồng. Bởi trong điều kiện nhiều sông ngòi, dòng chảy mạnh, địa hình chia cắt, mưa bão thất thường, đơn vị không chỉ sẵn sàng tác chiến mà còn thường xuyên tham gia ứng cứu phòng, chống bão lụt.

“Ngoài những động tác kỹ thuật cơ bản, chiến sĩ cần phải nắm chắc một số tình huống để xử trí.

Trường hợp đội hình hành quân dài hàng cây số thì đòi hỏi người chỉ huy phải nắm chắc đặc điểm sông ngòi, kinh rạch trên địa bàn hoạt động và các yêu cầu cần thiết; nắm chắc quy luật hoạt động, khả năng của bộ đội để điều hành, duy trì đội hình đảm bảo đúng cự ly và đúng ý đồ chiến thuật.

Ngoài ra, phải phối hợp chặt chẽ giữa chỉ huy các cấp từ tiểu đoàn đến đại đội, trung đội, phát huy vai trò của tổ 3 người và phát huy vai trò của từng cá nhân trong quá trình hành quân”- Đại úy Võ Hùng Lân- Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 312 giải thích.

Hàng năm, Trung đoàn 3 tiến hành tổ chức huấn luyện hành quân bằng xuồng, diễn tập đồng bằng sông nước 1- 2 lần; bảo đảm đi và về an toàn tuyệt đối cả người, trang bị, phương tiện.

“Điều này đã nâng lên một bước về trình độ huấn luyện cơ động, xây dựng công sự trận địa ở địa hình đồng bằng nhiều kinh rạch và chiến đấu hiệp đồng trong đội hình cấp trên, đơn vị bạn, giỏi đánh địch ở địa hình sông nước.

Nhờ vậy, qua các đợt huấn luyện dã ngoại dài ngày, huấn luyện diễn tập chiến đấu hiệp đồng quân- binh chủng, diễn tập vòng tổng hợp có bắn đạn thật đều đạt khá, giỏi.

Nhiều năm liền, đơn vị được Bộ Quốc phòng tặng cờ “Đơn vị huấn luyện giỏi”. Đặc biệt, trong tháng 4 này, qua kiểm tra đội ngũ cán bộ trực tiếp huấn luyện chiến sĩ mới và kiểm tra một phần của chiến sĩ năm 2017, kết quả đạt khá giỏi, được cấp trên kiểm tra đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiện nay, 100% cán bộ huấn luyện được theo phân cấp, trong đó 70% cán bộ tiểu đoàn huấn luyện giỏi”- Thượng tá Phan Thanh Phong nói.

50 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Cửu Long năm xưa, Trung đoàn 3 hôm nay vẫn giữ vững tinh thần anh hùng trong chiến đấu, xuất sắc trong huấn luyện.

Đó là minh chứng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sự đoàn kết một lòng, ý chí khắc phục khó khăn, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống đơn vị có 2 lần, được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Bài, ảnh: HỒ KIÊN GIANG

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh