Kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu

06:04, 30/04/2018

Những ngày tháng 4 lịch sử này cũng là thời điểm mà 50 năm trước, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 bước vào giai đoạn quyết liệt. 

 

Những ngày tháng 4 lịch sử này cũng là thời điểm mà 50 năm trước, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 bước vào giai đoạn quyết liệt. 

Sau khi gây tổn thất nặng nề sinh lực địch trong nội ô thị xã, quân và dân Vĩnh Long tiếp tục kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu giải phóng vùng ven, chuẩn bị tiến công thị xã lần 2, tạo thế và lực mới trên chiến trường.

Ông Nguyễn Ký Ức cho rằng Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 thể hiện rõ lòng nhiệt tình cách mạng, lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng của quân và dân Vĩnh Long. Ảnh tư liệu
Ông Nguyễn Ký Ức cho rằng Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 thể hiện rõ lòng nhiệt tình cách mạng, lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng của quân và dân Vĩnh Long. Ảnh tư liệu

Sau 6 ngày đêm liên tục tiến công và nổi dậy ở cao điểm 1, quân và dân Vĩnh Long đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 9.800 tên địch, tiêu diệt 16 đại đội, đánh thiệt hại nặng 4 tiểu đoàn, phá hủy hàng trăm tàu chiến, máy bay, xe quân sự,...

Theo ông Nguyễn Ký Ức- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, sau những đòn tiến công của ta, địch ráo riết bắt lính “đôn” quân cho các đơn vị bị tổn thất và trang bị thêm vũ khí, củng cố lại tuyến vành đai phòng thủ thị xã, chốt các cao ốc và ngã đường nội ô. Địch còn điên cuồng dùng B52 ném bom, rải chất độc hóa học, đánh phá hủy diệt môi trường.

Ngày 20/2/1968, Phân ban Khu ủy và Thường vụ Tỉnh ủy họp sơ bộ đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm tiến công đợt 1 và đề ra phương hướng chỉ đạo tiếp theo. So sánh lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường Vĩnh Trà có sự thay đổi, địch tăng thêm lữ đoàn B của Mỹ, trong khi phía ta thì yếu tố bất ngờ đánh vành đai đô thị không còn nữa.

Do đó, hội nghị chủ trương “cột đầu, lột da và chặt chân địch”, đẩy mạnh 3 mũi giáp công giải phóng nông thôn; tức là bám trụ đánh địch ở vùng ven, uy hiếp thị xã- thị trấn không cho địch bung ra và cắt đứt giao thông liên lạc của chúng.

Vận dụng 3 mũi giáp công, bứt rút nhiều đồn bót, giải phóng vùng nông thôn rộng lớn, tích cực “kìm căng” và chia cắt địch, tạo thuận lợi cho hướng tiến công chiến lược vào Sài Gòn.

Qua 2 cao điểm tiến công, cơ sở chính trị và lực lượng vũ trang ở thị xã bị nhiều tổn thất nhưng vẫn kiên cường bám trụ vùng ven hoạt động với phương thức biệt động, kết hợp cơ sở tại chỗ liên tục tiến công tiêu diệt sinh lực địch, diệt ác ôn, quét tề điệp, làm rã bộ máy kiềm kẹp của địch khiến chúng không yên. Nhờ vậy, phong trào đấu tranh chính trị và cơ sở tại chỗ từng bước được khôi phục.

Ông Nguyễn Ký Ức nhớ lại: Đi đôi với tác chiến đánh địch, ta còn ra sức xây dựng lực lượng vũ trang, nhất là lực lượng tập trung.

Sự kiện có ý nghĩa lớn là sự ra đời của Trung đoàn 3 (Quân khu 9) vào ngày 20/4/1968, tại xã Thuận Thới (Trà Ôn). Ngay sau đó, trung đoàn đã liên tục đánh địch phản kích, phá bình định, giải phóng nông thôn, cùng bộ đội địa phương Vĩnh Long và Trà Vinh bứt diệt hàng trăm đồn bót các huyện Nam- Bắc sông Măng.

Kế tiếp những chiến công vang dội của đơn vị tiền thân, Trung đoàn 3 đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, kiên cường bám trụ cùng các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh lập nên những chiến công vang dội.

Đó là những trận đánh còn khắc sâu trong trí nhớ của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ. Qua 2 đợt công kích và nổi dậy, Trung đoàn 3 đã đánh hàng chục trận, tiêu diệt 3 tiểu đoàn của địch ở ngã ba Bà Khả, cầu Ông Me, lộ Cầu Vồng, làm chủ và cắt đứt QL4 và Tỉnh lộ 7 trong nhiều ngày.

Ngày 20/5/1968, Bộ Tư lệnh Quân khu miền Tây ra lệnh tiến công thị xã lần 2. Trong khi lực lượng địch được tăng cường, hệ thống phòng thủ ngày càng kiên cố, lực lượng ta thiếu hụt rất nhiều, song các đơn vị của Trung đoàn 3 vẫn thọc sâu đánh địch ở vùng ven.

Ông Nguyễn Ký Ức nhớ lại: Địch tiến hành lấn chiếm vùng chữ V (Châu Thành B) mở đầu cho thời kỳ bình định và thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Chúng dùng B52 ném bom, rải chất độc hóa học, triệt phá địa hình. Quân chủ lực của địch “chà xát”, đóng đồn dày đặc. Cuộc đấu tranh của quân và dân Vĩnh Long bước vào giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mãi tới 3 năm sau, ta mới tạo được thế trận ở nông thôn để tạo đà cho những thắng lợi tiếp theo.

NGUYỄN THỊNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh