Ngoài những khoản thuế và phí như hiện hành, tới đây ô tô có thể còn phải gánh thêm thuế tài sản.
Ngoài những khoản thuế và phí như hiện hành, tới đây ô tô có thể còn phải gánh thêm thuế tài sản.
Giá ô tô ở Việt Nam đắt hơn nhiều so với giá trị thật do phải chịu nhiều loại thuế và phí. Ảnh: Quang Huy |
Trong dự án Luật Thuế tài sản vừa công bố, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tài sản đối với ô tô trị giá từ 1,5 tỉ đồng (không sử dụng vào mục đích kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, hành khách) với mức thuế 0,3% hoặc 0,4%.
Nếu đề xuất này được chấp thuận, nó sẽ tác động thế nào đến thị trường ô tô? Những dòng xe nào bị ảnh hưởng nhiều nhất? Đối tượng nào tốn thêm tiền nhiều nhất?...
Quá nhiều thuế, phí
Nhiều ý kiến cho rằng đề xuất đánh thuế tài sản với ô tô trên 1,5 tỉ đồng là chưa hợp lý, bất công với người tiêu dùng Việt Nam (VN) bởi hiện nay ô tô VN đã phải cõng quá nhiều thuế và phí; thậm chí, ô tô là một trong những mặt hàng đang chịu nhiều loại thuế, phí nhất tại VN, khiến giá xe cao hơn hầu hết các nước trong khu vực và gấp 3 lần tại Mỹ.
Anh Lê Minh, nhà ở quận Thủ Đức, TP.HCM, dẫn chứng hiện nay một chiếc ô tô tại VN chịu nhiều loại thuế, như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với mức 40-150%. Đây là mức thuế cao mà người mua ô tô phải chịu khi mua.
Một loại thuế nữa mà ô tô phải gánh là thuế giá trị gia tăng (VAT). Đối với ô tô, VAT sẽ được tính là 10% của giá sau thuế TTĐB.
Bên cạnh 3 loại thuế chính trên, để có thể lưu thông trên đường, chủ sở hữu xe cần hoàn thành hơn 10 loại phí khác nữa; cụ thể: phí trước bạ 10%-15% tùy thuộc vào tỉnh, TP nơi đang sống; phí cấp biển số 2-20 triệu đồng (tại Hà Nội và TP.HCM); phí đăng kiểm 240.000-560.000 đồng/lần; phí cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật 50.000-100.000 đồng/lần cấp; phí sử dụng đường bộ 130.000-1,4 triệu đồng/tháng tùy theo tải trọng xe.
Ngoài ra còn có các loại phí như phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí bảo hiểm vật chất (không bắt buộc), phí thử nghiệm khí thải, phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu, phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng...
“Đó là chưa kể những loại phí không tên mà các hãng ô tô tính luôn vào giá bán ô tô mà người tiêu dùng phải chịu. Nếu phải đóng thêm thuế tài sản cho ô tô nữa thì đúng là quá nhiều, quá nặng” - anh Minh nói.
Gấp ba lần giá trị thực
Bà Nguyễn Thị Hiền, chủ đại lý Hiền Toyota trên Trần Đình Xu, quận 1, TP.HCM, cũng cho rằng không nên đánh thuế tài sản này đối với ô tô vì mặt hàng này đã chịu quá nhiều loại thuế, phí rồi. Bà Hiền dẫn chứng: Chiếc Toyota Camry 2.5L nhập có giá 25.000 USD ở Mỹ. Thuế nhập khẩu ở mức 70%, tức phải nộp gần 21.000 USD; thuế TTĐB ở mức 50%, tương đương gần 23.000 USD và thuế GTGT là 10%, tương đương 6.800 USD. Cộng các loại thuế này thì giá chiếc xe nhập khẩu về VN đã lên đến gần 76.000 USD, gấp khoảng ba lần ở Mỹ.
“Cộng thêm phí trước bạ, tiền biển số, phí duy trì đường bộ, phí đăng kiểm lần đầu, bảo hiểm…, giá chiếc xe Camry này đã lên tới mức khoảng 88.000-90.000 USD. Nếu tính thêm thuế tài sản thì mỗi năm chủ chiếc xe này phải trả thêm 1,5-2 triệu đồng” - bà Hiền nhẩm tính.
Đại diện một công ty nhập khẩu ô tô cho hay dòng xe sang trên 3 tỉ đồng được khá nhiều người tiêu dùng lựa chọn là Lexus RX350. Giá mẫu xe này mua tại Mỹ là khoảng 70.000 USD nhưng khi nhập về VN, do chịu nhiều loại thuế nên khi đến tay người tiêu dùng giá nhảy lên mức trên 200.000 USD, tương đương khoảng 4,6 tỉ đồng, nghĩa là đắt gần 3 lần giá trị thực.
“Nếu việc đánh thuế tài sản ô tô được chính thức áp dụng thì mỗi năm người có xe sang giá trị từ trên 1,5-6 tỉ đồng phải đóng thuế thêm ít nhất vài triệu đồng, với xe siêu sang có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.” - vị đại diện doanh nghiệp trên tính toán.
Xe sang, xe nhập khẩu đã khó càng khó hơn
Khảo sát thị trường cho thấy hiện loại dòng xe giá từ 1,5 tỉ đồng hầu hết là xe sang, xe nhập khẩu, như BMW, Mercedes, Land Rover, Audi, Volkswagen, Volvo... Đây là những dòng xe có trị giá lớn nhưng được khá nhiều người mua.
Do vậy, theo các công ty kinh doanh ô tô, việc đánh thuế tài sản sẽ tác động lên thị trường ô tô nói chung, người tiêu dùng đều chịu thiệt. Anh Trần Tấn, giám đốc một công ty kinh doanh ô tô nhập khẩu, phân tích: Đánh thuế tài sản ô tô thì ô tô nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì đa số xe nhập đều có giá trị cao trên mức 1,5 tỉ đồng. Hiện nay, Nghị định 116/2017 đang siết lại nhập khẩu ô tô khiến xe sang và xe nhập khó về VN. Nếu tiếp tục đánh thuế tài sản có thể khiến xe sang, nhập khẩu càng khó có đất sống ở VN.
“Tới đây, nếu đánh thuế tài sản được chấp thuận, xe nhập khẩu về VN có thể sụt giảm vì nhiều người tiêu dùng e ngại về khoản thuế tài sản phải đóng. Trong khi đó, xe sản xuất lắp ráp trong nước phần lớn đều có giá trị dưới 1,5 tỉ đồng. Khi lượng xe nhập khẩu giảm, các hãng xe trong nước sẽ có lợi thế để bắt tay giữ giá không giảm mà có thể tăng. Khi đó người muốn mua xe giá rẻ hơn cũng chịu thiệt chứ không riêng gì người mua xe trên 1,5 tỉ đồng. Như vậy, nếu việc áp thuế tài sản với xe được áp dụng thì giá mặt bằng ô tô khó giảm, người tiêu dùng bất lợi” - anh Tấn nhận định.
Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho rằng đánh thuế tài sản lên những xe giá trị cao thường là những loại xe có công nghệ cao, thân thiện môi trường, ít tiêu hao nhiên liệu thì bất hợp lý. Trong khi đó, những xe có giá trị thấp không phải chịu thuế có thể là những xe tiêu chuẩn an toàn thấp (ít túi khí…), tiêu hao nhiên liệu, hại môi trường lại không phải đóng thuế.
"Đề xuất thuế tài sản ô tô là chưa thuyết phục. Một chiếc xe bán ra, người mua đã phải đóng thuế, phí cao gấp 2-3 lần giá trị xe cho Nhà nước, vậy mà có đề xuất đánh thuế tài sản thì chịu thua" - Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng
Theo Quang Huy (Pháp luật TPHCM)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin