Những ngày trốn học...

08:04, 14/04/2018

Hai câu thơ kể về cậu học trò với những việc làm, những "hành vi"- nói theo kiểu bây giờ, có vẻ thật… vớ vẩn với những lý do cũng ngớ ngẩn không kém. "Có những ngày trốn học"- tưởng để làm chuyện gì quan trọng lắm, ai ngờ chỉ để "đuổi bướm cạnh cầu ao". Để rồi khi "Mẹ bắt được" dù "chưa đánh roi nào" thì "đã khóc".

Hai câu thơ kể về cậu học trò với những việc làm, những “hành vi”- nói theo kiểu bây giờ, có vẻ thật… vớ vẩn với những lý do cũng ngớ ngẩn không kém. “Có những ngày trốn học”- tưởng để làm chuyện gì quan trọng lắm, ai ngờ chỉ để “đuổi bướm cạnh cầu ao”. Để rồi khi “Mẹ bắt được” dù “chưa đánh roi nào” thì “đã khóc”.

Nhưng bởi “chuyện vớ vẩn” ấy là cả một trời thần tiên lẫn vụng dại của thuở học trò, nên những câu thơ đầy hình ảnh ấy luôn sống mãi trong bao thế hệ và được yêu mến không thôi.

Thật ra, đi học là “một quá trình” rèn luyện thành người, chứ không phải là “kết quả”. Trong quá trình ấy, các em được “học lễ, học văn” và đương nhiên, trong quá trình ấy các em đều có thể mắc lỗi- mà đôi khi, những sai lầm này là rất ngớ ngẩn, là không thể chấp nhận được trong mắt người lớn (nhất là giáo viên và phụ huynh) nhưng lại cực kỳ hợp lý và thậm chí là rất có ý nghĩa trong suy nghĩ của các em.

Bởi các em- chính là tuổi nhỏ. Không thể buộc trẻ em lúc nào cũng có những suy nghĩ chín chắn và thấu đáo như một bậc cao niên hiểu đời. Cũng vì vậy, thầy cô và ba mẹ mới luôn cần bên cạnh để nâng đỡ, dìu dắt và chỉ bảo các em.

Cách đây vài mươi năm, lũ học trò nhỏ chúng tôi vẫn bị thầy cô bắt cúi đánh đòn, khẽ tay, quỳ gối… Roi cô đánh không đau nhưng những cậu học trò học muộn lớp 5 thời ấy đã biết mắc cỡ trước bạn tóc dài ngồi cười “mím chi”, vậy là bữa sau ráng học thuộc bài.

Giờ mỗi dịp thăm cô, đám học trò tóc đã hoa râm cứ cười đùa nhắc mãi chuyện “bị đòn” mà không hề oán giận cô nửa lời. Bởi lúc đó dẫu ngây thơ nhưng tất cả vẫn hiểu rằng, thầy cô phạt là để cho mình tốt hơn.

Nhưng rồi đến một lúc nào đó, thầy cô giáo phạt trò không đơn giản chỉ vì “chính em ấy”, không chỉ để cho trò giỏi hơn, tốt thêm mà còn do căn bệnh thành tích trầm kha trong giáo dục.

Nếu trò học không giỏi thì sẽ ảnh hưởng thành tích lớp, nếu lớp không tốt thì sẽ ảnh hưởng thi đua của thầy cô, nếu thi đua của thầy cô không tốt thì sẽ ảnh hưởng đến nhà trường, nếu thành tích nhà trường không cao thì sẽ…

Và đấy chính là vòng luẩn quẩn khiến những sai sót, sai lầm dù là nhỏ nhặt của tuổi thơ cũng không thể nào được chấp nhận. Nên “ý nghĩa” của trận đòn hôm nay cũng đã khác nhiều.

Lại nhớ mấy câu thơ Giang Nam “… Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm/ Có những ngày trốn học bị đòn roi”. 

PHƯƠNG NAM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh