Nằm phía Tây Nam của Tổ quốc, giáp Vương quốc Campuchia, An Giang được du khách trong, ngoài nước biết đến với nhiều khu, điểm du lịch (DL) như: núi Cấm, rừng tràm Trà Sư, đồi Tà Pạ, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam… cùng nhiều di tích lịch sử, như: Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, đồi Tức Dụp, Khu di chỉ văn hóa Óc Eo…
Nằm phía Tây Nam của Tổ quốc, giáp Vương quốc Campuchia, An Giang được du khách trong, ngoài nước biết đến với nhiều khu, điểm du lịch (DL) như: núi Cấm, rừng tràm Trà Sư, đồi Tà Pạ, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam… cùng nhiều di tích lịch sử, như: Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, đồi Tức Dụp, Khu di chỉ văn hóa Óc Eo…
Năm 2017, An Giang đã đón 7,3 triệu lượt khách (tăng 12% so năm 2016, đạt 107% kế hoạch), tuy nhiên, lượng khách lưu trú chỉ 600.000 lượt. Con số này cho thấy DL của tỉnh đã và đang thiếu yếu tố hấp dẫn để giữ chân du khách.
Họp mặt doanh nghiệp du lịch năm 2018. |
Tại buổi họp mặt doanh nghiệp DL năm 2018, trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, cầu thị, lãnh đạo Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch đã lắng nghe, ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, những trăn trở, hạn chế, xu thế, hướng phát triển và những giải pháp để ngành DL An Giang “cất cánh” và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Theo đó, một số ý kiến cho rằng, An Giang chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế sẵn có, chưa có tính đột phá mặc dù đã có quy hoạch. Đặc biệt, chưa giữ chân được du khách lưu trú tại các khu, điểm DL. Các sản phẩm DL An Giang còn nhiều hạn chế, chưa thực sự thu hút và đáp ứng nhu cầu của du khách.
Ngoài ra, DL An Giang chưa tập trung vào chất lượng trọng tâm, giá trị tăng thêm; dịch vụ DL chưa phong phú, thiếu hẳn những khu vui chơi, giải trí lớn, các trung tâm mua sắm hiện đại; chưa đáp ứng chất lượng phục vụ du khách, nhất là khách quốc tế.
Các công ty, doanh nghiệp DL thẳng thắn nhìn nhận, một yếu tố quan trọng không kém đó chính là nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực DL (đội ngũ quản lý, hướng dẫn viên, thuyết minh viên, kỹ thuật viên chế biến, pha chế, nhân viên phục vụ, buồng, bàn) thời gian qua chưa được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.
Công tác quản lý hoạt động DL tại các địa phương, khu, điểm DL còn yếu; tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường chưa thật sự đảm bảo; các ngành chưa có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ để thúc đẩy việc phát triển DL.
Một trong những “nút thắt” cần tháo gỡ đó là cơ chế chính sách nên thông thoáng hơn; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; ngoài DL tâm linh, rừng tràm Trà Sư và một số sản phẩm DL trước nay thì ngành DL An Giang cần nghiên cứu cho ra mắt những sản phẩm DL mới, độc đáo, đặc trưng để “giữ chân” khách lưu trú và thu hút du khách đến An Giang nhiều hơn.
Đặc biệt, cần quan tâm, đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá DL An Giang đến các thị trường tiềm năng; tập trung liên kết, tạo sự khác biệt cho DL An Giang.
Phát biểu tại buổi họp mặt doanh nghiệp DL năm 2018, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và DL Phạm Thế Triều đã gửi lời cảm ơn đến các công ty, doanh nghiệp DL trên địa bàn tỉnh đã có những ý kiến đóng góp quý báu, chân thành vì sự phát triển của ngành DL tỉnh nhà.
Đồng thời cho biết, thời gian qua, ngành DL An Giang đã nỗ lực, phối hợp các ngành, địa phương nhằm tìm giải pháp thiết thực, tăng cường mời gọi đầu tư, xúc tiến, quảng bá DL An Giang.
Mặt khác, kết hợp, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh khai thác các tour, tuyến DL sinh thái, sông nước, kết hợp DL về nguồn và tham quan thắng cảnh, các khu di tích lịch sử, văn hóa…
Qua đó, giúp du khách tham quan, thưởng ngoạn các khu, điểm DL thú vị, hấp dẫn của An Giang. Bên cạnh đó, ông Phạm Thế Triều mong muốn các công ty, doanh nghiệp DL tiếp tục đồng hành, tích cực quảng bá, liên kết và đề xuất các giải pháp thiết thực, góp phần tạo nhiều sản phẩm DL phong phú, chất lượng, chuyên nghiệp để phục vụ và giữ chân du khách khi đến An Giang.
Theo Báo An Giang
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin