HĐND tỉnh vừa thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Du lịch sẽ trở thành ngành mũi nhọn mà tỉnh sẽ tập trung phát triển trong thời gian tới. |
HĐND tỉnh vừa thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo nghị quyết này, phấn đấu xây dựng Vĩnh Long thành tỉnh có kinh tế- xã hội phát triển khá, năng động, tham gia vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL và tiếp tục góp phần cùng cả nước thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Tập trung thực hiện các khâu đột phá
Theo Nghị quyết số 94 về việc thông qua điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Chủ tịch HĐND tỉnh- Trương Văn Sáu ký thông qua tại kỳ họp thứ 7 (bất thường) HĐND tỉnh khóa IX, quan điểm phát triển là tập trung phát triển kinh tế, sớm rút ngắn khoảng cách chênh lệch và tiến kịp trình độ phát triển chung của cả nước; xây dựng Vĩnh Long phát triển theo hướng nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ hiện đại.
Cụ thể, tỉnh sẽ tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong từng ngành, từng lĩnh vực; hình thành và phát triển rõ nét những ngành, sản phẩm mũi nhọn, chủ lực.
Theo đó, phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hiệu quả, quy mô sản xuất hàng hóa lớn; phát triển công nghiệp với nhịp độ cao, trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nguyên liệu của ngành nông nghiệp- thủy sản, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Để phát huy tối đa lợi thế sẵn có cũng như khắc phục những hạn chế thời gian qua, từ nay đến năm 2020, tỉnh chọn 2 khâu đột phá cần tập trung thực hiện là tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển và huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ.
Đến năm 2030, phát triển khu vực kinh tế tư nhân năng động, đổi mới sáng tạo, hội nhập tốt để nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao hiệu quả của quá trình đô thị hóa, tăng cường kết nối giữa các đô thị và vùng phụ cận; phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường và tăng cường khả năng thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Và để thực hiện tốt các khâu đột phá, tỉnh tập trung phát triển 5 lĩnh vực trọng điểm: tiếp tục chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp- xây dựng; tiếp tục phát triển du lịch thành ngành mũi nhọn;
tiếp tục huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, nhất là nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông; phấn đấu xây dựng TP Vĩnh Long trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và đạt đô thị loại II vào năm 2020; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tỉnh phấn đấu tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016- 2020 đạt 6,5%/năm, giai đoạn 2021- 2025 đạt 7,5%/năm, giai đoạn 2026- 2030 đạt 7%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 2.300USD, năm 2025 đạt 3.200USD và năm 2030 đạt khoảng 4.000USD. Cơ cấu kinh tế dự kiến như sau: đến năm 2020 khu vực I: 28%, khu vực II: 25,60%, khu vực III: 46,40%; đến năm 2030 khu vực I: 17,80%, khu vực II: 32,60%, khu vực III: 49,60%. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016- 2020 đạt 61.000 tỷ đồng; giai đoạn 2021- 2025 đạt 95.000 tỷ đồng; giai đoạn 2026- 2030 đạt 136.000 tỷ đồng. |
Định hướng để phát triển
Từ những khâu đột phá nêu trên, theo tinh thần của nghị quyết này, trong giai đoạn 2016- 2020, tỉnh phấn đấu duy trì được tốc độ tăng trưởng GRDP liên tục, ổn định và bền vững;
phấn đấu xây dựng Vĩnh Long trở thành một tỉnh có ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển bền vững gắn liền với phát triển công nghiệp và dịch vụ với quyết tâm đưa Vĩnh Long trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm 5 tỉnh đầu trong khu vực ĐBSCL, rút ngắn dần khoảng cách chênh lệch về GRDP/người so với cả nước.
Về định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, trong lĩnh vực nông- lâm nghiệp, thủy sản phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất (giá so sánh 2010) bình quân giai đoạn 2016- 2020 là 1,8%/năm, giai đoạn 2020- 2025 là 2,7%/năm và giai đoạn 2025- 2030 là 2,6%/năm.
Đáng lưu ý là diện tích đất canh tác lúa sẽ giảm dần, từ 71.760ha năm 2015 xuống còn 64.500ha năm 2020; đến năm 2030 dự kiến ổn định ở mức khoảng 50.000ha.
Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dự kiến tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp- xây dựng bình quân giai đoạn 2016- 2020 là 12%/năm; giai đoạn 2021- 2025 là 12,1%/năm; giai đoạn 2026- 2030 là 12,6%/năm.
Theo đó, những nhóm ngành công nghiệp chủ đạo của tỉnh là chế biến nông sản, thực phẩm và đồ uống; sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp dệt may- da giày; công nghiệp hóa chất, dược phẩm và thiết bị y tế;…
Trong thời gian tới, diện tích đất lúa giảm ở những vùng sản xuất kém hiệu quả để chuyển sang trồng màu và cây ăn trái. |
Ở lĩnh vực dịch vụ, sẽ phát triển các ngành dịch vụ, thương mại theo hướng văn minh, hiện đại và toàn diện với sự tham gia của các thành phần kinh tế.
Phấn đấu nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong nền kinh tế lên 46,40% vào năm 2020 và 49,6% vào năm 2030. Đáng lưu ý, tỉnh sẽ tăng cường xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng cao, phấn đấu đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu đạt 530 triệu USD; năm 2025 đạt 730 triệu USD; năm 2030 đạt 1.000 triệu USD…
Theo tinh thần của nghị quyết này, phấn đấu xây dựng Vĩnh Long thành tỉnh có kinh tế- xã hội phát triển khá, năng động, tham gia vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL;
tiếp tục nâng tỷ trọng ngành công nghiệp- dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Trong giai đoạn 2016- 2020, tỉnh tập trung ưu tiên liên kết vùng theo 3 lĩnh vực, đó là: sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với các mặt hàng nông sản, đặc biệt là tập trung xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực của vùng như lúa gạo, trái cây và thủy sản; xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông; đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi. |
Bài, ảnh: BÙI THANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin