Cố Thủ tướng Phan Văn Khải: Người tháo gỡ những "nút thắt" trong quan hệ lao động - tiền lương

09:03, 19/03/2018

Một trong những dấu ấn đặc biệt của cố Thủ tướng Phan Văn Khải trong gần hai nhiệm kỳ làm Thủ tướng đó chính là đã tháo gỡ được nhiều "nút thắt" trong các mối quan hệ doanh nghiệp - người lao động - tiền lương.

 

 

Năm 2004, Thủ tướng Phan Văn Khải (giữa) và Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Cù Thị Hậu (ngoài cùng bên phải)  thăm tòa soạn Báo Lao Động. Ảnh: TL
Năm 2004, Thủ tướng Phan Văn Khải (giữa) và Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Cù Thị Hậu (ngoài cùng bên phải) thăm tòa soạn Báo Lao Động. Ảnh: TL

Một trong những dấu ấn đặc biệt của cố Thủ tướng Phan Văn Khải trong gần hai nhiệm kỳ làm Thủ tướng đó chính là đã tháo gỡ được nhiều “nút thắt” trong các mối quan hệ doanh nghiệp - người lao động - tiền lương.

Quan điểm xuyên suốt của cố Thủ tướng Phan Văn Khải là quan tâm tới chính sách hướng về người lao động, gắn lợi ích của người lao động với lợi ích của đất nước.

Mở đường cho cải cách tiền lương

Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH - đã nhận xét: “Thủ tướng Phan Văn Khải là người mở đường cho cải cách tiền lương ở Việt Nam”.

Trên tờ Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Huân đưa ra các dẫn chứng: “Cố Thủ tướng Phan Văn Khải là người có đóng góp to lớn trong thời kỳ đầu đổi mới của đất nước. Bác từng có thời kỳ là Trưởng Ban chỉ đạo tiền lương Nhà nước. Ấn tượng với tôi, bác là người được đào tạo bài bản ở Liên Xô, đồng thời là người đưa ra tư tưởng ủng hộ đổi mới triệt để”.

Ông Huân còn nhấn mạnh tới sự đóng góp của cố Thủ tướng Phan Văn Khải trong vấn đề tiền lương. Tư tưởng đổi mới triệt để của cố Thủ tướng trong Ban chỉ đạo tiền lương phải kể đến những quyết sách về đổi mới, cải cách tiền lương.

Năm 1997, khi Thủ tướng Phan Văn Khải bắt đầu những tháng ngày làm Thủ tướng ở nhiệm kỳ đầu tiên cũng là thời điểm Việt Nam bắt đầu có khái niệm và thực hiện lương tối thiểu. Lúc đó mức lương tối thiểu quy định chỉ là 144.000 đồng/tháng.

Trong 2 nhiệm kỳ của mình, Thủ tướng Phan Văn Khải đã rất nhiều lần ký quyết định tăng lương tối thiểu để mức lương này đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động để họ có thể tái tạo sức lao động.

Cho đến tháng 9.2005, mức lương tối thiểu đã được nâng lên 350.000 đồng/tháng theo Nghị định 118/2005/NĐ-CP do Thủ tướng Phan Văn Khải ký, áp dụng từ 1.10.2005, mục đích của việc tăng mức lương tối thiểu sẽ giúp cán bộ công chức yên tâm công tác hơn.

Thời điểm đó, theo đánh giá của Bộ LĐTBXH, phương án tăng mức lương tối thiểu lên 350.000 đồng/tháng có ưu điểm là phù hợp với mức tăng giá các mặt hàng tiêu dùng, bảo đảm tiền lương, thu nhập thực tế và có cải thiện (do thay đổi quan hệ tiền lương từ ngày 1/10/2004).

Trước đó, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng ký Nghị định 117 về việc điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Trong đó, tăng 10% trên mức trợ cấp hiện hưởng đối với người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người hưởng trợ cấp hàng tháng; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng.

Thời điểm 2005-2006, Việt Nam có 2 cơ chế lương. Một là lương của cán bộ công chức và lao động ở những doanh nghiệp có vốn nhà nước, hai là lương của lao động doanh nghiệp FDI. Bất cập là, các doanh nghiệp FDI có xu hướng muốn giảm lương và lấy căn cứ là lương tối thiểu.

Trong khi ở chiều ngược lại, người lao động tại doanh nghiệp nhà nước lại cảm thấy quá thiệt thòi vì mức lương chênh lệch quá nhiều lần. Điều này dẫn đến hàng loạt cuộc ngừng việc tập thể.

Đầu tháng 1/2006, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp FDI, các cơ quan đại diện nước ngoài và các tổ chức quốc tế ở VN.

Theo Nghị định, kể từ ngày 1/2/2006, lương tối thiểu đối với người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức nêu trên sẽ có 3 mức: 710.000 đồng/tháng, 790.000 đồng/tháng và 870.000 đồng/tháng. Đây là lần điều chỉnh đầu tiên trong 9 năm, kể từ năm 1999 đối với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài.

Ngay từ thời điểm này, Thủ tướng Phan Văn Khải đã yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu tiếp tục nhanh chóng đổi mới cơ chế tiền lương, ban hành chính sách tiền lương áp dụng chung cho các doanh nghiệp, không phân biệt FDI hay trong nước.

Việc làm này để ngăn chặn những cuộc ngừng việc tập thể quy mô lớn cũng như tạo ra môi trường ổn định để thu hút các nhà đầu tư trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO mà Thủ tướng Phan Văn Khải là “nhạc trưởng” phía Việt Nam. Đến năm 2007, chính sách lương mới này chính thức ra đời.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải (thứ ba từ phải qua) và nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Cù Thị Hậu (thứ ba từ trái qua) tham gia Giải cầu lông công nhân viên chức lao động do Tổng LĐLĐVN tổ chức năm 2004. Ảnh: B.L.Đ
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải (thứ ba từ phải qua) và nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Cù Thị Hậu (thứ ba từ trái qua) tham gia Giải cầu lông công nhân viên chức lao động do Tổng LĐLĐVN tổ chức năm 2004. Ảnh: B.L.Đ

Gắn phát triển kinh tế với giải quyết việc làm, đời sống của người lao động

Trong gần 2 nhiệm kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao, đặc biệt là 3 năm cuối nhiệm kỳ có mức tăng trưởng là 7,79% (2004), 8,4% (2005) và 8,2% (2006). Có được điều này là do những động thái “cởi trói” cho doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề về thủ tục.

Bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế, thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 1996-2006 - có kể câu chuyện về “những doanh nghiệp ngày đó đã vừa nói vừa bật khóc ngay trước mặt Thủ tướng bởi bao lâu nay, họ khổ sở với những vấn đề mãi không được giải quyết.

Như chị Lưu Hải Thuý làm về đồ thủ công mỹ nghệ, chạm bạc bị vướng quy định cấm rừng. Quy định này đúng nhưng sau này nó thành cực đoan khiến cho gỗ được khai thác đúng quy định cũng không cách nào xuất khẩu đi được”.

Bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh, phía sau những hợp đồng, những đơn hàng là hàng ngàn người lao động khổ sở vất vưởng theo. Thủ tướng Phan Văn Khải sau những lắng nghe đó đã có những yêu cầu thay đổi, giải quyết và gỡ khó cho doanh nghiệp nhiều hơn.

Không thể tách rời lợi ích của doanh nghiệp, người lao động và cao hơn là lợi ích của đất nước. Tháng 11.2005, tại buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Thủ tướng Phan Văn Khải đã được nghe báo cáo về tình hình việc làm, tiền lương và thu nhập của cán bộ công nhân viên chức lao động.

Trong đó nhà ở và điều kiện sống của công nhân lao động đang là vấn đề bức xúc đối với người lao động có thu nhập thấp ở nhiều địa phương, nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn, khu công nghiệp tập trung; tình trạng vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội (như chiếm dụng, nợ đọng bảo hiểm xã hội gây thiệt thòi cho người lao động) xảy ra khá phổ biến, tập trung ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, các doanh nghiệp nhà nước bị thua lỗ, các nông - lâm trường; tình trạng tranh chấp lao động và ngừng việc tập thể vẫn diễn biến phức tạp.

Sau khi lắng nghe, Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn mạnh, công nhân viên chức lao động luôn là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong việc thực hiện các cuộc vận động xã hội - nhân đạo - từ thiện, xoá đói và giảm nghèo. Công đoàn có vai trò quan trọng, tham gia tích cực trong giải quyết các vụ tranh chấp lao động và đình công.

Thủ tướng đề nghị Tổng LĐLĐVN phát động các phong trào thi đua, hướng vào việc tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Trên cơ sở gắn chặt lợi ích của người lao động với lợi ích của đất nước, công đoàn các cấp tham gia giải quyết kịp thời những vụ tranh chấp lao động và đình công, không để diễn biến phức tạp gây hậu quả nghiêm trọng.

Đặc biệt, ngay ở cuộc gặp này, Thủ tướng Phan Văn Khải đồng ý để Chính phủ nghiên cứu, ban hành chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê, nhà ở để mua với giá phù hợp cho đối tượng lao động thu nhập thấp làm việc tại các khu công nghiệp và khu chế xuất.

Trước đó, cũng tại cuộc gặp với lãnh đạo Tổng LĐLĐVN vào tháng 8.2004, sau khi lắng nghe những ý kiến đề xuất từ Tổng LĐLĐVN, Thủ tướng Phan Văn Khải đã kết luận và giao “Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiến hành kiểm tra việc thực hiện các nghị định về ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở để bán và cho thuê đối với người lao động có thu nhập thấp. Việc xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đang là vấn đề bức xúc, cần tập trung giải quyết.

Về nguyên tắc, khi phê duyệt xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp, Chính phủ đã yêu cầu các địa phương và chủ đầu tư phải có các giải pháp đồng bộ, trong đó việc đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất này.

Giao Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ ban hành chính sách giảm thuế để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư làm nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất”.

Có thể nói, cố Thủ tướng Phan Văn Khải là người đặt nền móng về cơ chế để Tổng LĐLĐVN có điều kiện triển khai những kế hoạch lớn, trong đó có việc hoàn thành cơ sở để xây dựng những thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp - khu chế xuất mà Tổng LĐLĐVN đã và đang thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực hiện nay, mang lại nhiều lợi ích cho người lao động.

Theo MINH BẰNG (LĐO)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh