Dù vẫn còn vài sự bất đồng về thứ tự trước sau, nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trong 7 bộ môn nghệ thuật của nhân loại, thì thơ (văn) và vẽ (hội họa) là 2 bộ môn nghệ thuật xuất hiện đầu tiên và căn bản.
Dù vẫn còn vài sự bất đồng về thứ tự trước sau, nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trong 7 bộ môn nghệ thuật của nhân loại, thì thơ (văn) và vẽ (hội họa) là 2 bộ môn nghệ thuật xuất hiện đầu tiên và căn bản.
Để từ đó thơ văn xuất hiện thêm nghệ thuật âm nhạc và múa; từ hội họa xuất hiện thêm nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc. Rồi bởi “sinh sau đẻ muộn” nhưng lại được thừa hưởng toàn bộ nét đẹp cũng như tổng hợp được mọi sức mạnh từ 6 nghệ thuật trên, nên điện ảnh- ngay khi ra đời đã chiếm trọn tình yêu của công chúng và được gọi là “nghệ thuật thứ bảy”.
Lần giở lại như vậy, để thấy rằng văn thơ chính là một trong những loại hình nghệ thuật ra đời đầu tiên của con người và đi suốt chiều dài lịch sử cho đến mãi mãi sau này.
Sức mạnh và sức sống của văn chương có lẽ không thể nào nói hết. Bởi ngay từ thuở sơ khai, con người đã truyền miệng, truyền tai nhau bằng ca dao, tục ngữ, chuyện kể… về biết bao tâm tư, tình cảm, kinh nghiệm và cả sự tưởng tượng phong phú về một thế giới bao la chưa thể giải thích hết.
Để đến hôm nay, cùng với sự sôi động của văn chương thế giới, văn chương Việt Nam cũng từng bước khẳng định mình. Đó là những áng văn bất hủ như bài Thơ Thần của Lý Thường Kiệt, Hịch Tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi và kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du- danh nhân văn hóa thế giới.
Tiếp nối theo đó, là biết bao thế hệ nhà văn, nhà thơ lớn- viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm; rồi nhà văn- nhà thơ giai đoạn tiền chiến, giai đoạn cách mạng và sau khi đất nước thống nhất, mà xin mượn đôi câu của Nguyễn Trãi “tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”.
Trong dòng chảy văn học đương đại, trên văn đàn Việt Nam cũng đã xuất hiện nhiều cây bút trẻ mang được hơi thở của cuộc sống và khắc họa nên nét tính cách của người trẻ hiện nay.
Tuy nhiên, ở góc nhìn một người đọc, vẫn như còn thiêu thiếu những cây viết, những góc nhìn, những quan điểm sắc nét của một Vĩnh Long hay một miền Tây Nam Bộ hoặc rộng ra là một Việt Nam (con người và đất nước) thời phát triển và hội nhập.
Cùng với đó, là rất nhiều vấn đề cần được đặt ra, như Bác Hồ đã nói “Nay ở trong thơ nên có thép/Nhà thơ cũng phải biết xung phong”.
Bởi thiết nghĩ, “xung phong” đây chính là người đi tiên phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng, dám lao vào những vấn đề gai góc để thể hiện, để lý giải và để định hướng… Đấy cũng chính là “văn học đồng hành cùng đất nước”.
Dưới góc nhìn của một người đọc sách, xin được gửi tới các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình lời chúc mừng cũng như gửi sự mong mỏi như trên, nhân ngày Thơ Việt Nam để hướng tới là ngày Văn chương Việt Nam!
PHƯƠNG NAM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin