Đô thị những ngày giáp tết nhộn nhịp lên hẳn. Xuân Mậu Tuất 2018 đã len lỏi trên từng góc phố, ngôi nhà với những dòng chữ chúc mừng năm mới và hình ảnh sinh động về những chú chó dễ thương.
Đô thị những ngày giáp tết nhộn nhịp lên hẳn. Xuân Mậu Tuất 2018 đã len lỏi trên từng góc phố, ngôi nhà với những dòng chữ chúc mừng năm mới và hình ảnh sinh động về những chú chó dễ thương.
Ở góc chợ, những người đánh bóng lư đồng tất bật không ngơi tay. Đoàn múa lân thì tập luyện đến tối mịt để mang đến không khí xuân trọn vẹn nhất cho mọi người... Nghề tết đã “vào mùa”!
Xuân về hối hả trên những bàn tay
Tranh tết được nhiều người thích thú chọn để “tút” lại nhà cửa, quán xá. |
Tết đã đến rất gần. Ở đô thị, càng cảm nhận rõ hơn về mùi tết: bánh mứt thơm nứt trên quầy hàng; hoa mai, hàng trang trí tết treo rực rỡ trên chợ phố, người người tất bật hơn, phố thêm chộn rộn.
Hàng quán, nhà cửa được sửa sang, thay áo mới. Nghề vẽ tranh trang trí tết cũng nhờ đó mà hút khách hơn.
Đang hoàn thiện bức tranh vẽ các chú chó với chủ đề “gia đình hạnh phúc, sung túc”, Lê Thanh Sơn (25 tuổi, cựu sinh viên ngành kiến trúc- ĐH Xây dựng Miền Tây) cho hay: “Từ đầu tháng 12, đã có nhiều nơi đặt hàng trang trí tết, không chỉ ở Vĩnh Long mà còn có ở Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang... Năm mới nên ai cũng muốn tạo nét mới, nét riêng cho mình.
Năm nay chuộng nhất là các mẫu tranh chó, hoa xuân và được vẽ trên kính vì vẽ trên kính đẹp hơn, lâu phai hơn”.
Trong khi đó, cận tết, dịch vụ đánh bóng lư đồng cũng nhộn nhịp không kém. Bởi với nhiều người ở phố ít có thời gian, các loại lư đồng sau một thời gian sử dụng sẽ bị xuống màu, nên dịp tết chính là thời điểm tốt nhất để làm mới những món đồ này. Nhìn đơn giản vậy thôi chứ người hành nghề cũng phải tỉ mỉ, khéo tay.
Anh Trương Văn Mộng- kinh doanh lư đồng đã gần 20 năm (chợ Vĩnh Long)- cho biết: “Từ đầu tháng Chạp hàng năm, quầy hàng của tôi đã nhộn nhịp khách đến để chùi lư.
Song, đầu tháng thường chùi lư trong dịp đám cưới, còn độ rằm trở đi mới là chùi lư tết. Bàn thờ gia tiên có lư đồng sáng bóng thì ấm nhà ấm cửa”.
Theo anh Mộng, ngoài việc chùi lư thủ công thì những năm gần đây, mọi người thích chùi lư bằng máy vì thời gian nhanh hơn và lư sáng đẹp hơn.
Một bộ lư chùi bằng máy mất khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ với giá 100.000 đ/bộ. “Thời điểm này có chậm hơn do năm nay nhuần, chứ giờ này năm trước là bận túi bụi rồi, có ngày hơn chục bộ, làm muốn không xuể”- anh Mộng cho hay.
Mong đem may mắn, sung túc đến mọi nhà
Đội lân ráo riết tập luyện để diễn tết. |
Một trong những nghề “hái ra tiền” dịp tết chính là múa lân. Tết sao mà thiếu tiếng trống múa lân cho được!
Nghe là rộn rã, nghe là biết tết đến, xuân về! Với nhiều người, múa lân không chỉ là một hoạt động văn hóa, mang lại niềm vui, sự hào hứng mà còn đem lại sự sung túc. Chính vì vậy mà càng cận tết, các đoàn lân càng trở nên sôi động.
Tầm 7 giờ tối, góc phố cạnh bên trụ sở UBND Phường 1 (TP Vĩnh Long) đã rộn ràng, náo nhiệt với tiếng trống “tùng tùng tùng, cắc cắc tùng…”
Ở đây, có hơn chục em nhỏ đang ráo riết luyện múa lân để diễn tết. Nhóm tầm 12, 13 tuổi thì nghiêm túc khởi động rồi tập đứng tấn. Nhóm lớn thì điệu nghệ “múa” trống tạo nên âm thanh rộn ràng, cũng là nhịp điệu cho các bạn lớn luyện kỹ thuật biểu diễn mai hoa thung.
Trong trang phục màu sắc sặc sỡ, hai bạn uốn ượn nhảy trên những trụ cao rồi bất ngờ làm động tác chồng người, khiến đám đông đứng xem bên dưới không khỏi “giật thót tim”.
Mới 18 tuổi nhưng đã có 7 năm gắn bó với đoàn múa lân Hào Nhựt (Phường 1), em Phan Tấn Tài chia sẻ: “Em mê “con lân” từ hồi nhỏ lận vì con lân đem đến may mắn, lộc phúc cho mọi người.
Lúc đó ba mẹ không cho vì sợ xao nhãng việc học nhưng em mê quá nên ban ngày thì đi học, ban đêm thì đi tập.
Lúc đầu chỉ là diễn chơi cho vui nhưng từ từ học thêm nhiều kỹ thuật nên giờ nhóm em được gần 20 người, từ 12- 18 tuổi. Cũng đã đi diễn ở nhiều nơi.
Điều kiện tập luyện còn nhiều khó khăn, phải mất đến 2- 3 năm đi diễn thì đoàn múa lân của em mới mua được trụ để múa mai hoa thung. Gần 4 tháng nay, nhóm em ráo riết tập luyện để kịp phục vụ tết”.
Nhiều người làm nghề tết cho hay, chọn nghề không chỉ vì kinh doanh, vì đam mê mà còn mong muốn giữ chút nét văn hóa, giữ nghề truyền thống và hơn hết là mong qua nghề của mình đem lại may mắn, niềm vui cho mọi người.
Em Lê Thanh Sơn cho hay: “Em chọn nghề này không chỉ vừa thỏa mãn đam mê mà còn mong muốn tạo nét mới, niềm vui cho mọi nhà. Mỗi khi hoàn thành xong một bức tranh, thấy gia chủ ưng ý, nhà cửa cũng sáng hơn, em thấy rất vui”.
Còn Phan Tấn Tài thì nói: “Mấy năm nay em chỉ ăn tết với đoàn lân vì đi diễn từ mùng 1 đến ra Giêng. Tuy ít được bên gia đình nhưng đem lại niềm vui cho mọi người là em cũng thấy vui rồi”.
Chia sẻ về nghề chùi lư gắn bó như một phần cuộc sống trong nhiều năm, anh Mộng vui vẻ: “Thờ cúng ông bà là tập tục lâu đời của dân tộc, dù thế nào thì tui cũng hổng sợ bị lãng quên, hổng bỏ nghề được đâu. Năm nào cũng làm tới 30 tết, thấy người ta tấp nập tới chùi lư là thấy tết tới hà”.
Bức tranh tết tô điểm cho các hàng quán, điểm du lịch, vui chơi ở đô thị thêm sinh động. Ở góc đường, có anh ngồi cần mẫn chùi lư để có một cái tết sung túc hơn.
Tiếng trống múa lân lại thúc giục trong nhà, ngoài ngõ mang đến một điệp khúc đầy sinh động với ý nghĩa gửi gắm sự thịnh vượng, may mắn, vui vẻ, thêm yêu đời hơn để mùa xuân mới lại rộn ràng.
Họ là những người giữ hồn cho “nghề tết” và để đô thị ngày một phát triển nhưng không thiếu đi bản sắc, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Ngô Tuấn Khanh (bên phải) Cứ 7 giờ tối mỗi ngày là tụi em tập trung để tập luyện, em vô đội lân được 4 năm rồi, thấy mê lắm. Đầu lân này là do tụi em tự làm để tiết kiệm chi phí. Năm rồi, đội tụi em được giải nhất mai hoa thung do tỉnh tổ chức. Đây là động lực để tụi em cố gắng hơn. Trương Văn Mộng Tết này, tôi nhập 100 bộ lư mới về bán, mỗi bộ lư giá từ 3,2 triệu đồng, những bộ lư có áo lớp keo bên ngoài thì có khi lên đến 8-9 triệu đồng. Nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ của người dân ngày càng cao nên bất cứ ngành nghề nào cũng phải đổi mới. Lư đồng cũng ngày càng đẹp hơn, có giá trị hơn khi những hoa văn được chạm nổi, tỉ mỉ, tinh tế hơn với định dạng 3D. |
Bài, ảnh: PHƯƠNG THẢO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin