Thắng lợi của Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 ở địa bàn Vĩnh Long như một bản anh hùng ca bất tử, thể hiện cho tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu và sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ cuối cùng.
Ông Nguyễn Văn Út (Mười Quẹo) nhắc lại sự kiện Xuân Mậu Thân 1968. Đối với ông, đó là những ký ức đầy tự hào, không thể nào quên. |
Thắng lợi của Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 ở địa bàn Vĩnh Long như một bản anh hùng ca bất tử, thể hiện cho tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu và sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ cuối cùng.
“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”
Bài thơ chúc Tết Mậu Thân 1968 của Bác Hồ kính yêu đã tròn 50 năm. Sau thời điểm ấy, bằng sự dũng cảm, mưu lược, tài ba, cùng với các lực lượng cách mạng và các đơn vị chủ lực của quân khu, lực lượng vũ trang Vĩnh Long đồng loạt tiến công vào các cơ quan đầu não của địch, góp phần tạo thế và lực mới, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo bước ngoặt chiến lược cho cách mạng trong giai đoạn tiếp theo.
Cuộc huy động “chưa từng có”
Để đảm bảo quyết tâm của chiến dịch mùa khô 1967- 1968, Tỉnh ủy Vĩnh Long chủ trương mở đợt phát động chính trị, tư tưởng trong nội bộ Đảng, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân.
Cuộc phát động phân ra thành 2 vùng, với tính chất và yêu cầu khác nhau. Vùng giải phóng và vùng tranh chấp là nơi mà thế lực ta mạnh, với yêu cầu dồn sức người, sức của cho phía trước. Vùng yếu, vùng kiềm, thị xã, thị trấn với yêu cầu nổi dậy diệt ác, phá bộ máy kiềm kẹp, giành quyền làm chủ ở cơ sở.
Đảng viên, đoàn viên, cán bộ, chiến sĩ địa phương quân đến du kích đăng ký đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ nhiệm vụ gì khi Đảng cần. Phát động ra dân, thanh niên đăng ký tòng quân, gia nhập lực lượng vũ trang chiến đấu, nhân dân đăng ký dồn sức người, sức của cho phía trước.
Ông Nguyễn Ký Ức- thời điểm đó là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long (1967- 1968)- kể về những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Thân 1968, cán bộ các đơn vị cải trang xâm nhập vào bà con nhân dân, trinh sát các mục tiêu, nắm chắc địa hình.
Ta còn tổ chức mốc nối với những người am hiểu đường đi nước bước ở thị xã, dẫn đường cho bộ đội triển khai tiếp cận các mục tiêu.
Riêng về mặt quân số, ta khắc phục khó khăn bằng cách rút hết bộ đội địa phương lên bổ sung cho 2 tiểu đoàn của tỉnh và các tiểu đoàn chủ lực của quân khu.
Du kích các xã thì được “đôn” lên để thành lập ngay các đại đội bộ đội địa phương huyện, du kích ấp “đôn” lên thành lập các đội du kích xã. Nếu thiếu cán bộ thì điều từ huyện đội, xã đội và các phòng ban của tỉnh đội đưa ra chiến đấu.
Nhờ vậy mà dù thời gian hết sức khẩn trương nhưng ta đã bổ sung, tăng cường được lực lượng đáp ứng yêu cầu đối với các mục tiêu chủ yếu và quan trọng nhất.
Niềm tin chiến thắng
Trong các mục tiêu phải đánh chiếm bằng được thì Sân bay Vĩnh Long là khu vực địch đặc biệt cảnh giác và canh phòng nghiêm ngặt. Vì thế phải tổ chức làm thông suốt tư tưởng để cán bộ, chiến sĩ thấy được chủ trương của Đảng là mệnh lệnh của Tổ quốc, là “thời cơ có một không hai” nên phải quyết tâm giành thắng lợi lớn.
Theo ông Nguyễn Văn Út (Mười Quẹo)- nguyên Tỉnh đội phó Tỉnh đội Vĩnh Long, nguyên Chính trị viên phó Tiểu đoàn 857, để đạt được mục tiêu trên, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Tỉnh đội, Tiểu đoàn 857 đã mở một đợt phát động sâu rộng trong cán bộ, chiến sĩ.
Phát động đến đâu đăng ký đến đó, với nội dung là “dũng sĩ diệt Mỹ”, “dũng sĩ diệt chư hầu”, “dũng sĩ diệt ngụy”, “dũng sĩ diệt cơ giới”.
Anh em đều quyết tâm “nếu lần này không được là dũng sĩ thì tiểu đội tôi, trung đội tôi không về”, ai ai cũng nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết, sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ nhiệm vụ gì khi Đảng yêu cầu.
Ai cũng yêu thương nhau như anh em ruột thịt, sẵn sàng chia sẻ từng miếng cơm, manh áo, tranh nhau thực thi nhiệm vụ dù gian khổ bao nhiêu và có lúc cận kề cái chết.
Trong ký ức của ông Mười Quẹo, thái độ quyết tâm nhận nhiệm vụ và sẵn sàng hy sinh của đồng chí Trần Thanh Liêm- Chính trị viên phó Đại đội Đặc công- là minh chứng hùng hồn cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân Vĩnh Long thời đó.
Ông nhớ lại: Khi tiểu đoàn tổ chức họp quân chính, sau khi nhận rõ ý định chiến đấu, lãnh đạo yêu cầu có một đồng chí xung phong làm mũi trưởng mũi chủ yếu đánh vào sân bay.
Đây là một mục tiêu khó, đòi hỏi người đảm nhận vai trò mũi trưởng phải có quyết tâm cao, sẵn sàng hy sinh để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ. Cả cuộc họp có trên 30 cán bộ giơ tay xin xung phong nhận nhiệm vụ.
Khi chỉ huy kêu “để tay xuống” thì đồng chí Trần Thanh Liêm kiên quyết bày tỏ nguyện vọng được nhận nhiệm vụ mũi trưởng đến khi chỉ huy chấp nhận mới thôi. Trong trận đánh vào sân bay, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đã anh dũng hy sinh.
Hay như trường hợp của đồng chí Hồng- Đại đội phó Đại đội 203- xung phong làm mũi trưởng mũi thọc sâu thứ hai chỉ với lời nhắn gửi với đồng chí đồng đội rằng: “Nếu tôi hy sinh, anh nói với vợ tôi lo cho con, nói má tôi đừng khóc”.
Ông Nguyễn Ký Ức cho rằng, công tác chính trị, tư tưởng trong Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 đã thấm vào từng cán bộ, chiến sĩ, người dân, biến thành hành động dũng cảm, ngoan cường. |
Theo ông Nguyễn Ký Ức, mọi đắn đo, suy nghĩ của cán bộ, chiến sĩ lúc này là làm sao và bằng cách nào để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất.
Trước nhiệm vụ cấp bách như thế, nội dung công tác chính trị tư tưởng phải hết sức ngắn gọn, thiết thực làm rõ thời cơ lịch sử “ngàn năm có một”, động viên ý chí cách mạng tiến công, không do dự, chần chừ, tất cả “xốc tới” giành thắng lợi quyết định.
Việc chuẩn bị cho kịp ngày “N”, giờ “G” là hết sức khẩn trương, từng người, từng bộ phận vừa đi vừa chạy, vừa tổ chức đội hình, vừa ăn vừa bàn bạc công việc.
Tuy thời gian ngắn ngủi nhưng đã thấm sâu vào từng cán bộ, chiến sĩ, từng người dân, biến thành hành động dũng cảm, ngoan cường trong chiến đấu, đảm bảo cho chiến dịch giành thắng lợi to lớn.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- NGUYỄN THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin