Trong những năm 1967- 1968, Vĩnh Long gồm có 6 huyện: Tam Bình, Lấp Vò, Lê Hà (sau đổi thành huyện Lai Vung), Sa Đéc, Châu Thành, Cái Nhum, TX Vĩnh Long và TX Sa Đéc.
Trong những năm 1967- 1968, Vĩnh Long gồm có 6 huyện: Tam Bình, Lấp Vò, Lê Hà (sau đổi thành huyện Lai Vung), Sa Đéc, Châu Thành, Cái Nhum, TX Vĩnh Long và TX Sa Đéc.
Phát huy truyền thống đóng góp sức người, sức của trong Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nhân dân Vĩnh Long tiếp tục đóng góp xây dựng nông thôn mới. Ảnh: CTV |
Đời sống người dân Vĩnh Long còn nhiều khó khăn. Ở các vùng tản cư, vùng kiềm, thị xã, thị trấn, người dân sống thiếu thốn, đói kém.
Ở nông thôn vùng giải phóng, không có người dân nào còn nhà cửa, phải “tản cư” ra vùng bị tạm chiếm. Một số ít ở lại bám đất, cất nhà chòi ngoài đồng ruộng để sản xuất, khi đến vụ mùa thì trở về làm ruộng hoặc sáng vô, chiều về.
Mặc dù tình hình ác liệt do địch thường xuyên bắn phá, oanh tạc, càn quét liên miên nhưng bà con nông dân vẫn kiên trì bám ruộng vườn để tăng gia sản xuất, nuôi quân đánh giặc và đóng góp nhiều cho cách mạng.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nhân dân Vĩnh Long đã hưởng ứng với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, sẵn sàng cống hiến người, của cho cách mạng giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Công tác hậu cần cho một cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là cả một quá trình chuẩn bị tích cực về mọi mặt; trong đó việc chuẩn bị về sức người, sức của cho một cuộc “làm ăn lớn” đã được Tỉnh ủy Vĩnh Long chuẩn bị từ khá sớm.
Đặc biệt sau đợt phát động đóng góp sức người, sức của của Tỉnh ủy vào tháng 11/1967, các cán bộ, chiến sĩ ngành tuyên huấn đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục làm thông suốt từ trong nội bộ ra nhân dân về chủ trương của Đảng chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô và sẵn sàng nổi dậy khởi nghĩa.
Trong cao điểm chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Tỉnh ủy phát động cán bộ đảng viên chia theo từng tổ vận động.
Các tổ tổ chức họp dân hoặc vận động theo từng gia đình; sau đó phân công đầu mối trong dân thu, gom bàn giao cho xã.
Có những trường hợp để che mắt địch và giữ bí mật cho người đóng góp, người dân giả vờ đem lúa đến máy chà để đó và có người đến thu.
Người đi gom tiền đóng giả như người đi gom hụi hay để tiền trong bao thơ sau đó để dưới lư hương bàn thờ Thông Thiên đêm tối có người đến nhận.
Cũng có trường hợp để lúa ở mé sông, đầu cầu, đến tối thì có người đến chở đi. Nhiều gia đình tản cư ra vùng ven nhưng hàng ngày đem gạo, thức ăn về cho bộ đội…
Theo số liệu thống kê, ước tính mùa khô 1967- 1968, tỉnh Vĩnh Long đã huy động được 138.193 giạ lúa, gạo, 129.539.954đ (tiền Việt Nam Cộng hòa thời điểm năm 1968), 595 chỉ vàng, 515 con trâu, bò, heo các loại, 153 xuồng, ghe, máy cùng hàng chục ngàn đòn bánh tét, hàng ngàn lít xăng dầu, nhiều vật dụng chế tạo vũ khí, vải may cờ, thuốc trị thương,... cùng nhiều vật dụng, nhu yếu phẩm khác.
Có 8.005 hộ gia đình tham gia đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch mùa khô 1967- 1968 mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, với 9.415 người tham gia.
Trong đó, có 4.355 người tham gia phục vụ hậu cần tại chỗ, 1.152 người tham gia dân công hỏa tuyến và 3.161 người tham gia nuôi chứa cán bộ cách mạng.
Nhiều địa phương đã có những cách thức vận động tích cực và hiệu quả. Ở huyện Cái Nhum, Huyện ủy chỉ đạo từng chi bộ phân công các đồng chí đảng viên cùng với những gia đình nòng cốt, vào ban đêm đến từng hộ gia đình vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của cho cách mạng.
Có khi tổ chức họp dân thành từng nhóm nhỏ để tuyên truyền, nói rõ mục đích yêu cầu của cách mạng đang rất cần cơm, áo, gạo, tiền... và nhiều vật dụng khác để tiến hành khởi nghĩa, giải phóng quê hương, trên tinh thần tự nguyện “có gì góp nấy”.
Hoặc khi bộ đội về đóng quân trên địa bàn, chi bộ xã đã trực tiếp vận động nhân dân đóng góp tài sản và phục vụ dân công hỏa tuyến, hậu cần tại chỗ trong từng tình huống cách mạng cụ thể như: trưng dụng xuồng ghe trực tiếp của nhân dân để hành quân phục vụ chiến đấu, vận động nhân dân đưa cán bộ qua sông....
Ở Tam Bình, với tinh thần “tất cả để đánh giặc, tất cả để thắng giặc”, đã có hàng ngàn thanh niên hăng hái tòng quân. Nhiều bà mẹ tuyên bố tiễn đưa người con cuối cùng của mình cho cách mạng như: má Tư, má Út Mười…
Điển hình như ở xã Hòa Hiệp, chỉ trong một tuần lễ phát động đã thành lập được một đại đội tập trung và đưa về huyện 2 trung đội. Cũng có không ít thanh niên, phụ nữ và các mẹ, các anh, các chị… đăng ký tham gia dân công hỏa tuyến, phục vụ hậu cần tại chỗ…
Nhiều chị em phụ nữ đã cởi đôi bông cưới (vật quý giá nhất khi về nhà chồng của người con gái) ngay trên khán đài để hiến cho cách mạng như: chị Hai (ở Ấp 4, xã Mỹ Lộc), bà Đặng Thị Xuân (ở xã Hòa Hiệp), chị Châu Thị Hường (ở Trà Sơn, xã Hựu Thành- Trà Ôn), chị Lê Thị Yến (ở Vũng Liêm)…
Sau các đợt tuyên truyền, vận động nhân dân tự dẫn trâu bò, bắt heo, gà, vịt hay mang các loại lương thực, thực phẩm, vật dụng, vũ khí, thuốc men, ghe, xuồng, tiền, vàng,… trực tiếp đến đóng góp cho cách mạng mà không cần ghi tên, số lượng, vật chất đã đóng góp, chỉ mong góp phần cùng với bộ đội giải phóng quê hương.
Để đảm bảo công tác tiếp nhận và phân phối những đóng góp của nhân dân, lực lượng dân công vận chuyển những vật chất mà nhân dân đóng góp về điểm tập kết của huyện, lực lượng hậu cần sẽ tiếp nhận, bảo quản, phân phối và giao cho dân công hỏa tuyến trực tiếp vận chuyển cho quân chủ lực, chuẩn bị tiến đánh TX Vĩnh Long.
Lúc này tại Miễu Trắng (Ấp 11, xã Mỹ Lộc), Ấp 5 (xã Hậu Lộc) thật sự trở thành một “điểm tập kết” vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc men, xuồng, ghe,… không chỉ của huyện Tam Bình mà còn là một điểm phục vụ hậu cần lớn của cả tỉnh.
Trên địa bàn TX Vĩnh Long, để chuẩn bị cho “Tết lớn”, Thị ủy Vĩnh Long đã chia theo từng tổ vận động, các tổ họp dân đóng góp sức người, sức của cho cách mạng, sau đó phân công đầu mối trong dân thu gom, bàn giao cho cán bộ.
Các cơ sở hộ tiểu thương yêu nước ở khu vực chợ Vĩnh Long đã quyên góp tiền bạc và nhiều loại thuốc men cần thiết, chuyển giao cho cách mạng. Ngoài ra, nhân dân ở vùng ven của thị xã tản cư đến các địa điểm bộ đội trú chân để làm hậu cần tại chỗ tiếp tế lương thực cho bộ đội ăn no, đánh giặc.
Dù đây là một nhiệm vụ rất nguy hiểm nhưng hầu hết nhân dân thị xã đều tự giác thực hiện và luôn đảm bảo bí mật về những hoạt động của bộ đội.
Ở xóm Kinh Mới, khu vực cầu Cá Trê, chỉ cách nội ô thị xã khoảng trên 200m, nơi có nhiều khu quân sự quan trọng của đối phương, nhưng nhân dân đã đào thêm hầm bí mật nuôi chứa, che giấu cán bộ, chiến sĩ trong nhà, ngoài vườn tạo điều kiện giúp đỡ cán bộ hoạt động, hoặc đưa lực lượng trinh sát về ăn ở, tiếp cận địa bàn TX Vĩnh Long.
Những ngày cao điểm chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân, đặc biệt là khoảng 28- 29 tết, mỗi gia đình cơ sở ở đây nhận từ 3 đến 5 anh bộ đội về trú ẩn trong nhà để “ăn tết” (nếu có ai thắc mắc hỏi thì nói con cháu đi lính ở xa về quê ăn tết).
Các anh ăn mặc đẹp, được cơ sở hướng dẫn ra nội ô thị xã hòa vào dòng người đang vui tết để thâm nhập, tìm hiểu các mục tiêu, điều nghiên, trinh sát chuẩn bị chờ giờ nổ súng.
Đồng bào dân tộc Hoa được động viên nhau năm nay “ăn tết lớn”, chuẩn bị lương thực dự trữ khá nhiều khác hẳn những năm trước, đồng thời tổ chức vận động tiền, vàng, thuốc men và nhiều vật dụng khác thông qua các cơ sở đóng góp cho cách mạng.
Trong khi đó, đông đảo nhân dân xã Phước Hậu (huyện Châu Thành, nay là huyện Long Hồ) đã tiến hành nạo vét rạch Mương Kinh, khu vực miếu Ông Hổ; đắp một số đập giữ nước trên ruộng để cho lực lượng kháng chiến di chuyển bằng xuồng được dễ dàng.
Việc huy động nhân dân đào kinh còn diễn ra ở xã Lục Sĩ Thành của huyện Trà Ôn. Qua 2 con kinh, hàng đêm, ta chở vũ khí các loại từ kho Quân khu sang các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh.
Ở xã Đông Thành (huyện Bình Minh), đoàn văn công của xã được thành lập, thường xuyên biểu diễn phục vụ đồng bào, ủng hộ kháng chiến, động viên thanh niên tòng quân, đánh giặc. Sau mỗi lần biểu diễn, nhân dân ủng hộ hàng chục ngàn đồng cho cách mạng.
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội Phụ nữ kêu gọi các mẹ, các chị gói bánh tét, nấu cơm, may cờ, phục vụ hậu cần cung cấp lương khô,... cho bộ đội chiến đấu. Nông hội vận động tăng gia sản xuất, đóng góp đảm phụ và hiến vật chất như tiền, vàng, thuốc tây, lúa gạo, trâu bò, phương tiện ghe- xuồng- máy hay cây, ván,… để phục vụ hậu cần cho tiền tuyến.
Đoàn thanh niên phát động phong trào tòng quân nhập ngũ, tham gia hậu cần, dân công hỏa tuyến và thành lập các đoàn sẵn sàng bổ sung quân số cho lực lượng trực tiếp chiến đấu ngoài mặt trận.
Thị Đoàn Vĩnh Long đã tổ chức đưa 200 đoàn viên, thanh niên vào tiếp sức với cơ sở ở nội ô, trà trộn theo số thanh niên, học sinh Trường Tống Phước Hiệp đi dự họp mặt tất niên để tăng thêm sức mạnh cho cuộc nổi dậy. Lực lượng binh vận tranh thủ thân nhân, gia đình ngụy quân vận động họ trở về với cách mạng.
Có thể nói, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 diễn ra với quy mô lớn, trên diện rộng, dài ngày và thắng lợi lớn là vì chúng ta biết dựa vào dân, tin dân.
Ý chí cách mạng được giáo dục và tích lũy thường xuyên trong dân, khi có thời cơ, chỉ cần nói rõ cho dân biết ý định và quyết tâm chiến đấu cụ thể sẽ hình thành cao trào quần chúng, huy động được tối đa sức người, sức của cho chiến dịch. Bởi Đảng ta hiểu rõ: Lòng dân là sức mạnh vô địch của mọi thời đại.
NGUYỄN SAN
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin