Vũng Liêm- vùng "bản lề" trong Chiến dịch Mậu Thân

04:01, 23/01/2018

Trong Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, tuy thiếu thốn nhiều mặt nhưng quân và dân Vũng Liêm đã anh dũng chiến đấu, gây cho địch nhiều thiệt hại, góp phần thay đổi cục diện chiến trường.

 

Huyện Vũng Liêm có vị trí “bản lề” giữa Vĩnh Long và Trà Vinh, nên trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây từng diễn ra những trận đánh vô cùng ác liệt giữa ta và địch.

Trong Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, tuy thiếu thốn nhiều mặt nhưng quân và dân Vũng Liêm đã anh dũng chiến đấu, gây cho địch nhiều thiệt hại, góp phần thay đổi cục diện chiến trường.

 Sau 50 năm, ông Chín Huyện vẫn còn nhớ rõ không khí khẩn trương chuẩn bị Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968.
Sau 50 năm, ông Chín Huyện vẫn còn nhớ rõ không khí khẩn trương chuẩn bị Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968.

Tạo thế cho Chiến dịch Mậu Thân

Sau khi “hất cẳng” thực dân Pháp, đế quốc Mỹ tổ chức ngay việc xây dựng Vũng Liêm thành hậu cứ. Chúng rải quân đóng đồn bót, xây dựng hệ thống tề xã, ấp và chi khu quân sự, hình thành lục giác: Vũng Liêm- Càng Long- Trà Ôn- Cầu Kè- Tam Bình và Cái Nhum.

Theo ông Võ Chí Huyện (Chín Huyện)- Xã đội trưởng Trung Ngãi (giai đoạn 1967- 1968), vùng ven cập lộ 170 (nay là QL53), từ Tân An Luông đến Trung Ngãi giữ vị trí rất quan trọng. Địch xây dựng hệ thống đồn bót dày đặc, nhằm ngăn chặn sự chi viện từ Trà Vinh cho Vĩnh Long và ngược lại.

Phía ta cũng xác định nếu làm chủ được tuyến lộ này, chẳng những có thể bảo vệ vững chắc vùng nông thôn, căn cứ cách mạng, mà còn trực tiếp uy hiếp các công sở tề xã- ấp chiến lược, quận lỵ và các trục giao thông.

Ngay từ mùa khô 1966- 1967, quân và dân Vũng Liêm đã kết hợp “3 mũi giáp công”: chính trị, binh vận và vũ trang đánh địch trên nhiều vùng rộng lớn, thu nhiều vũ khí, diệt nhiều tên. Mũi chính trị xuất phát từ những cuộc biểu tình mừng hòa bình, rồi đến đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, đòi phá khu trù mật, phá ấp chiến lược,...

Binh vận cũng bắt đầu tạo được cơ sở trong lòng địch, bằng việc cài người vào giáo dục, động viên gia đình binh lính kêu gọi người thân trở về với cách mạng.

Trên mặt trận vũ trang, chiến thắng giòn giã của bộ đội tỉnh và lực lượng vũ trang địa phương trong trận đánh vào căn cứ dã ngoại của địch tại đầu cầu Mây Tức, tiêu diệt hoàn toàn một tiểu đoàn của địch vào tháng 10/1067.

Thừa thắng xông lên, huyện tiếp tục đẩy mạnh tiến công tiêu diệt sinh lực địch, góp phần đánh bại kế hoạch bình định và tìm diệt của địch.

Đồng thời, tổ chức củng cố lực lượng, kêu gọi đóng góp sức của chuẩn bị cho Chiến dịch Xuân Mậu Thân. Các cơ sở bí mật khẩn trương nắm tình hình các cơ quan đầu não của địch, các đơn vị bảo an, dân vệ có khả năng ứng cứu khi bị tấn công.

Huyện đội thì nhanh chóng tổ chức huấn luyện cho bộ đội cách đánh vào thị trấn, tổ chức đấu tranh chính trị, đường tiến quân... Mọi việc phải hoàn thành trước ngày 25 tháng Chạp năm Đinh Mùi 1967.

Cầu Mây Tức nối liền Vĩnh Long và Trà Vinh, nơi ghi dấu lần đầu tiên một tiểu đoàn chủ lực của địch bị tiêu diệt trên chiến trường Vũng Liêm.
Cầu Mây Tức nối liền Vĩnh Long và Trà Vinh, nơi ghi dấu lần đầu tiên một tiểu đoàn chủ lực của địch bị tiêu diệt trên chiến trường Vũng Liêm.

Đánh thẳng vào quận lỵ

Sau 50 năm, ông Chín Huyện vẫn còn nhớ rõ thời khắc lịch sử khi nhận được lệnh tổ chức tổng tiến công và nổi dậy vào chiều 28 âl tháng Chạp 1967, thì trong đêm đó, Đảng bộ xã Trung Ngãi tổ chức phổ biến ngay đến các chi bộ ấp và toàn thể nhân dân.

Một không khí khẩn trương chưa từng thấy nhưng cũng vô cùng phấn khởi trước vận mệnh của đất nước.

Huyện ủy Vũng Liêm xác định mục tiêu tấn công trọng yếu là dinh quận, thành bảo an, chi công an, cảnh sát dã chiến và khu truyền tin. Đồng thời, kết hợp lực lượng quần chúng nổi dậy khởi nghĩa. Phương án là đánh chiếm xong thì kiên quyết bám mục tiêu, tiêu diệt địch, hỗ trợ quần chúng giành chính quyền.

Hòa cùng tiếng súng của miền Nam, sau đêm giao thừa Xuân Mậu Thân 1968, quân và dân Vũng Liêm đã đánh thẳng vào quận lỵ, bao vây địch ở các mục tiêu như kế hoạch. Hiệp đồng với mặt trận quận lỵ Vũng Liêm, các xã Trung Ngãi, Trung Hiệp, Quới Thiện, Tân An Luông, Hiếu Thành,... đồng loạt nổi dậy, tiêu diệt đồn bốt, ngăn giao thông, kêu gọi binh lính trở về với cách mạng.

Ở Trung Ngãi, ông Chín Huyện chỉ huy tiến công bao vây công sở tề Giồng Ké, tiêu diệt và bứt rút các đồn ở Phú Tiên và Trường Hội, vận động quần chúng phá lộ, đắp mô trên tuyến lộ 170. Nổi bật là tấm gương của má Út Để ở ấp Kinh đã dẫn đầu hàng chục cuộc đấu tranh trực diện với địch, đòi trả chồng con.

Nhân dân vô cùng phấn khởi, náo nức như ngày hội. Nhiều gia đình tham gia tiếp tế lương thực, tải đạn, nhận nuôi chứa thương binh. Tình cảm quân dân trong thử thách lửa đạn càng thêm bền chặt.

Tuy nhiên, do đánh không dứt điểm nên những đợt phản công của địch đã gây cho ta nhiều thiệt hại.

Chiến dịch Xuân Mậu Thân ở Vũng Liêm không đạt được ý định ban đầu, song sau chiến dịch, phong trào cách mạng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, quyết liệt, tạo tiền đề to lớn giúp thay đổi cục diện chiến trường, tiến đến đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh