Đã giữa Chạp, có lẽ tất cả người Việt Nam- dù bao nhiêu tuổi, dù ở nơi đâu trên trái đất này cũng đang vọng về một hướng: quê nhà.
Đã giữa Chạp, có lẽ tất cả người Việt Nam- dù bao nhiêu tuổi, dù ở nơi đâu trên trái đất này cũng đang vọng về một hướng: quê nhà.
Trên “face”, mọi người í ới gọi nhau, bày cách làm mứt tết thơm, cách gói bánh tét dẻo hay kho nồi thịt vừa rệu vừa trong. Đêm giao thừa, có ai còn chưa được về nhà, thấy lòng luyến lưu biết mấy.
Bởi ngôi nhà ấy không chỉ có mái che, có vách chắn mà đấy là tất cả yêu thương. Có lẽ bởi vậy, ông bà xưa từng gọi nhau “ông nhà tôi, bà nhà tôi” đầy trìu mến, yêu thương (đồng thời, cũng “trao quyền” rất lớn cho người phối ngẫu).
“Mình ơi! Tôi gọi là nhà/ Nhà ơi! Tôi gọi mình là nhà tôi”- câu thơ của thi sĩ Bùi Giáng như ngẫu hứng mà cũng như nói hết tấm tình giúp bao đôi vợ chồng yêu nhau tha thiết.
Tết được về nhà là điều vô cùng hạnh phúc. Bởi đấy chính là nơi chở che lúc ta buồn thương, trắc trở. Là nơi ta được sinh ra, được nuôi nấng và trưởng thành. Cũng chính từ ngôi nhà này mà hình thành nhân cách.
Khi bà kể câu chuyện cổ tích, đã hình thành trong lòng cháu cái thiện luôn thắng cái ác. Khi mẹ hát ru “ầu ơ ví dầu… cầu ván đóng đi…” đã vẽ vào tâm hồn con nét đẹp quê hương. Nếp nhà- qua bao đời mới có được. Giữ nếp nhà chính là giữ cái đẹp, giữ giềng mối cho gia đình và xã hội.
Nhiều người bảo ngôi nhà cũng có linh hồn, bởi nếu không thì sao khi đi xa ta lại “nhớ nhà” vô kể, nhớ từ góc bếp tới hàng hiên. Có người lại nói, nhà không phải chỉ là khung che mà là cả không khí, tình cảm gia đình, bởi thế nếu đi đâu, làm gì, dẫu có khó khăn, có gian khổ cách mấy, chỉ cần có “cả nhà” bên mình là đủ.
Tết về, ngôi nhà càng thấm đẫm thương yêu. Ba nhâm nhi tách trà ôn chuyện cũ, má ngồi may áo mới nói chuyện đầu năm, con vẽ bức tranh xuân đầy màu sắc… Phải chăng, mỗi tết về, trong lòng người Việt lại vang tiếng “nhà ơi”.
PHƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin