Mưa trái mùa

05:01, 20/01/2018

Mấy ngày qua, Vĩnh Long và nhiều tỉnh- thành ở ĐBSCL liên tiếp có mưa trái mùa. Theo dự báo của Đài Khí tượng- Thủy văn Nam Bộ, năm nay mưa trái mùa xảy ra sớm hơn, lượng mưa ở mức xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Mấy ngày qua, Vĩnh Long và nhiều tỉnh- thành ở ĐBSCL liên tiếp có mưa trái mùa. Theo dự báo của Đài Khí tượng- Thủy văn Nam Bộ, năm nay mưa trái mùa xảy ra sớm hơn, lượng mưa ở mức xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Nhìn trời u ám và gần như mưa dầm từ hôm trước đến suốt ngày 19/1, nhiều nhà vườn trồng cây kiểng, hoa tết không khỏi lo âu. Một nhà vườn Chợ Lách (Bến Tre) cho biết gia đình trồng hơn 1.500 chậu cúc mâm xôi, tiger...

Nghe dự báo có mưa, trời ít nắng, gia đình đã nâng giàn đặt chậu lên cao để rễ hoa không hút quá nhiều nước, cây sinh trưởng nhanh và rất dễ ra hoa sớm.

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Chợ Lách, làng hoa kiểng Cái Mơn cung cấp khoảng 8 triệu sản phẩm hoa kiểng dịp Tết Mậu Tuất.

Còn chưa đầy 1 tháng tới tết, nhưng với thời tiết “đỏng đảnh”, rất nhiều nhà vườn đứng ngồi không yên. Bởi trước đó do ảnh hưởng cơn bão số 16, người trồng hoa kiểng vừa khắc phục xong, thì giờ lại gặp mưa dầm. Bởi nếu hoa nở sớm hoặc không đúng dịp tết thì coi như mất trắng.

Trong khi đó, theo anh Đoàn Tấn Lộc- người trồng mai ở xã Phú Đức (Long Hồ), thời tiết gặp mưa như mấy ngày qua khó đoán việc ảnh hưởng đến cây mai nhưng nếu mưa xảy ra thường xuyên, đặc biệt sau thời điểm lặt lá (thường từ ngày rằm tháng Chạp, còn hơn 10 ngày nữa) mai sẽ trổ nụ chậm.

Vì sau khi lặt lá, cây mai sẽ trở nên nhạy cảm với thời tiết, nếu gặp mưa trái mùa cộng với thời tiết nóng thì mai nở sớm, còn lạnh thì mai nở chậm hơn. “Như mọi năm nóng ra nóng, lạnh ra lạnh, nhà vườn dễ canh ngày lặt lá, còn gặp mưa trái mùa… thì bó tay”- anh Lộc nói, thời tiết “nhõng nhẽo” sẽ gây khó khăn cho nhà vườn.

Mưa trái mùa ngay thời điểm này khiến hoa vạn thọ, cúc đang trổ nụ nên người trồng hoa “không chuyên” ở Vĩnh Long rất bất ngờ, bởi nhiều năm trồng hoa tết thuận lợi- có trồng là có ăn. Còn nay thì sự “ưu đãi thuận lợi” đó đã không còn.

Có thể nhận thấy, diễn biến thời tiết đã không còn bình thường trong vài năm qua. Nông dân miền Tây làm gì để thích ứng với những thay đổi trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng biểu hiện rõ nét hơn? Đó là vấn đề đặt ra cấp bách hiện nay. 

TRẦN PHƯỚC 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh