Phòng chống bão Tembin- cuộc "diễn tập" quan trọng

06:12, 27/12/2017

Bão số 16 (có tên quốc tế là Tembin) đã suy giảm thành áp thấp nhiệt đới. Sau bão, tỉnh Vĩnh Long không có thiệt hại nào đáng kể.

Bão số 16 (có tên quốc tế là Tembin) đã suy giảm thành áp thấp nhiệt đới. Sau bão, tỉnh Vĩnh Long không có thiệt hại nào đáng kể.

Sáng 26/12, các hoạt động kinh tế- xã hội đã diễn ra bình thường. Trong ảnh: Chợ Vĩnh Long lại nhộn nhịp. Ảnh: Thảo Ly
Sáng 26/12, các hoạt động kinh tế- xã hội đã diễn ra bình thường. Trong ảnh: Chợ Vĩnh Long lại nhộn nhịp. Ảnh: Thảo Ly

Điều này là rất đáng mừng, nhưng hơn hết là việc chủ động phòng tránh cơn bão này của tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương cũng như người dân là hết sức chủ động, không lơ là, ỷ lại.

Ngay khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có công điện về việc ứng phó bão Tembin, chiều 24/12/2017, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có cuộc họp khẩn với các sở, ngành bàn kế hoạch ứng phó.

Dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Văn Quang- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu tất cả các địa phương, sở, ngành tập trung toàn lực và lên phương án đối phó bão, với tinh thần đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản, không để xảy ra tình trạng lơ là, chủ quan khi bão vào.

Đại tá Trần Minh Trang- Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh- cho biết: Trong ngày 24/12, lực lượng quân đội đã triển khai xong các phương án ứng phó bão.

Đến 12 giờ ngày 25/12, có 200 cán bộ, chiến sĩ cơ động xuống các địa điểm được phân công. Lực lượng dân quân được bố trí hơn 8.000 người tại các ấp- khóm, hỗ trợ chằng chống cho hơn 2.500 căn nhà, di dời hơn 1.400 hộ khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Các tàu du lịch cũng rời bến để đón khách. Ảnh: MINH- THỊNH
Các tàu du lịch cũng rời bến để đón khách. Ảnh: MINH- THỊNH

Trong khi đó, ông Đặng Quang Tấn- Phó Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh- cũng cho hay, sau cuộc họp với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Ban quản lý Các khu công nghiệp đã liên lạc với các doanh nghiệp tại các khu- tuyến công nghiệp thông báo cho công nhân nghỉ làm.

Đến sáng 26/12, theo ông Đặng Quang Tấn, có 4 doanh nghiệp thông báo cho công nhân nghỉ 2 ngày (25 và 26/12), 21 doanh nghiệp thông báo nghỉ ngày 25/12, với tổng số khoảng 30.000 công nhân. 3 nhà thầu đang thi công cũng đã dừng hoạt động, chờ thời điểm an toàn.

Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, nếu may mắn bão không vào đất liền thì xem đây như cách chúng ta diễn tập để ứng phó với thiên tai.

Ông Trần Hoàng Tựu- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- cho rằng các ban ngành, địa phương được phân công nhiệm vụ ứng phó bão đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các phương tiện truyền thông đã phát thông tin liên tục.

Ông cho rằng, Vĩnh Long không có nhiều kinh nghiệm trong phòng tránh thiên tai. Vì vậy, việc chủ động, không chủ quan, lơ là hết sức cần thiết. Bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới là “rất đáng mừng”, bởi không gây thiệt hại nặng nề.

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm trong công tác phòng chống bão vừa qua, ông cho rằng, vẫn có một số sở, ngành thờ ơ, tổ chức thực hiện không đến nơi đến chốn và không giáp tay. Một số ngành còn lúng túng, phân công công việc không đồng bộ.

Sau khi bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, UBND tỉnh công bố hoạt động kinh tế- xã hội trở lại bình thường.

Tuy nhiên, ông Trần Hoàng Tựu cũng lưu ý một số lĩnh vực như giao thông vận tải, nhất là vận tải du lịch phải có phương án hạ tải phù hợp, khai thác cát sông đảm bảo đúng luồng- tuyến.

“Mưa còn xảy ra nên các công trình xây dựng phải được đảm bảo an toàn. Những nơi nào đã hỗ trợ người dân tránh bão thì cũng phải có phương án đưa họ về nhà an toàn.

Ban quản lý Các khu công nghiệp thông báo doanh nghiệp hoạt động lại bình thường. Ngành nông nghiệp hỗ trợ người dân xuống giống và thu hoạch lúa Đông Xuân đúng kế hoạch, cũng như hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc rau màu, hoa kiểng cho thị trường tết sắp tới.”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo.

Theo ông Hoàng Đức Cường- Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, Tembin là cơn bão trái mùa và hướng vào Nam Bộ vào thời điểm này là rất hiếm. Đây lại là khu vực có lượng dân cư đông đúc, tàu thuyền hoạt động nhiều, nhưng lại ít có kinh nghiệm đối phó bão, nếu bão đổ bộ vào đất liền sẽ gây ra hậu quả rất lớn.

HOÀNG MINH- NGUYỄN THỊNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh