Trong kháng chiến chống Mỹ, mũi binh vận được xúc tiến đồng thời với mũi chính trị và vũ trang. Từng lúc, từng nơi binh vận trở thành mũi nhọn trong 3 mũi giáp công, hoặc đóng vai trò chủ công trong 3 mũi, góp phần đánh bại chương trình bình định lập ấp chiến lược, làm phá sản chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Biểu tình phản đối cuộc thảm sát ở Sơn Mỹ. Ảnh tư liệu Báo Nhân Dân |
Trong kháng chiến chống Mỹ, mũi binh vận được xúc tiến đồng thời với mũi chính trị và vũ trang.
Từng lúc, từng nơi binh vận trở thành mũi nhọn trong 3 mũi giáp công, hoặc đóng vai trò chủ công trong 3 mũi, góp phần đánh bại chương trình bình định lập ấp chiến lược, làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
3 mũi giáp công
Theo ông Nguyễn Ký Ức- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, mặc dù là địa phương không có núi, không có rừng nhưng trong kháng chiến, tỉnh Vĩnh Long tự hào có được “tài nguyên” quý giá, đó là lòng dân to lớn.
Nhờ vậy nên Đảng bộ tỉnh càng quán triệt sâu sắc đường lối chiến tranh nhân dân. Đánh địch bằng sức mạnh tổng hợp “2 chân, 3 mũi”, đánh địch khắp cả 3 vùng, thực hiện toàn dân đánh giặc.
Tháng 12/1962, nhờ kết hợp 3 mũi giáp công, trong đó lấy binh vận làm mũi nhọn nên có đêm, huyện Trà Ôn đã tiêu diệt và bứt hàng 3 đồn (có đồn tề xã Tân Mỹ). Đồng bào Kinh và Khmer đứng lên san bằng đồn, phá dứt điểm ấp chiến lược và xã Tân Mỹ được giải phóng hoàn toàn.
Hay đầu tháng 11/1963, cơ sở nội tuyến của ta ở xã Tân Quới trong đêm gỡ 3 đồn. Đồng bào phật giáo Hòa hảo cùng nhân dân đứng lên phá đứt một mảng ấp chiến lược. Xã Tân Quới được giải phóng cơ bản, ta làm chủ một tuyến dài trên bờ sông Hậu.
Theo ông Nguyễn Ký Ức, khi binh vận trở thành mũi nhọn trong 3 mũi giáp công, chẳng những tỉnh có khả năng mở chiến dịch tổng hợp mà huyện cũng có khả năng đó, tạo tình thế mở màn bứt tuyến đánh phá bình định giải phóng nông thôn.
Mũi binh vận giúp truy quét quân bên dưới phục vụ đánh phá bình định và góp phần tiêu hao quân chủ lực địch, đánh thẳng vào sào huyệt của chúng ở ĐBSCL.
Tháng 11/1967, được Trung sĩ Nguyễn Bá Hài làm nội ứng, hướng dẫn 1 tiểu đội trinh sát của Tỉnh Đội Vĩnh Long, cải trang, đột nhập sâu vào căn cứ Tiểu đoàn 5 (thuộc Trung đoàn 15, Sư đoàn 9) của địch đóng trên địa bàn TX Sa Đéc, lấy súng của địch khai hỏa từ bên trong.
Tiểu đoàn 857 của tỉnh từ bên ngoài ập vào tiêu diệt hoàn toàn hậu cứ, làm chủ trận địa, thu nhiều vũ khí.
Thừa thắng xông lên, sáng hôm sau, gần 10.000 người, trong đó có nhiều gia đình binh lính giác ngộ cách mạng, từ nông thôn kéo ra cùng nhân dân TX Sa Đéc lên án địch bắt người thân của họ đi lính và đòi đem xác về nhà chôn cất.
Tình thế đó khiến cho địch lúng túng, lo đối phó với đoàn biểu tình, không đưa quân đánh trả ta được.
Nhờ vậy nên cuộc đấu tranh chính trị quy mô lớn, kết hợp giữa nông thôn và thành thị, 3 mũi giáp công ở một địa bàn chiến lược, giành thắng lợi rất giòn giã.
Binh vận trong Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968
Trong Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, nhiệm vụ của tỉnh Vĩnh Long là phải đánh chiếm được 3 mục tiêu: TX Vĩnh Long, sân bay Vĩnh Long và bến phà Mỹ Thuận.
Trong đó, bến phà Mỹ Thuận là mục tiêu quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc tiến công và nổi dậy đánh chiếm TX Vĩnh Long. Lực lượng địch ở đây gồm 1 trung đội dân vệ xã Tân Hòa, 1 trung đội cảnh sát dã chiến và 1 tiểu đội cảnh sát áo trắng.
Theo ông Nguyễn Văn Hoài (Chín Hoài)- cán bộ binh vận của Quân khu trong Chiến dịch Mậu Thân: Trước tình thế đó, ta xúc tiến mũi binh vận bằng cách xây dựng cơ sở trong lòng địch.
Đồng thời, vận động gia đình binh lính, giáo dục và lôi kéo binh lính làm binh biến khởi nghĩa lập công, trở về với nhân dân, làm tan rã hàng ngũ địch một cách rộng rãi.
Quân và dân Vĩnh Long phá hàng rào, bao vây, diệt đồn bót địch trong Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968.Ảnh chụp lại ảnh tư liệu |
Nhờ vậy, ta đã thu phục được Trung úy Nguyễn Văn Thường (xã trưởng Tân Hòa). Trung úy Thường sau đó đã viết thư cho viên cảnh sát Vĩnh, yêu cầu rút hết các đội tuần tra về đồn, tạo điều kiện cho quân ta bí mật đột nhập, triển khai thế bao vây tấn công các mục tiêu khu vực bến phà Mỹ Thuận.
Ngày 30/1/1968, sau khi ta tiến công gây cho địch nhiều thiệt hại, trung úy Thường cử người đến gặp cảnh sát Vĩnh khuyên trở về với nhân dân và cùng một số dân vệ xã Tân Hòa hướng dẫn quân ta truy lùng bọn ác ôn lẫn tránh.
Theo đồng chí Nguyễn Ký Ức, ở TX Vĩnh Long, cơ sở của ta trong bộ máy tề, dân vệ, phòng vệ dân sự cùng với binh sĩ yêu nước tiến hành binh biến khởi nghĩa, lập công trở về với nhân dân. Ta làm tan rã 4.000 tên thuộc các sắc lính và hơn 1.200 phòng vệ dân sự.
Hòa nhịp với cuộc tiến công và nổi dậy ở thị xã, nhân dân vùng ven 3 xã cù lao nổi dậy, kết hợp 3 mũi giáp công bứt diệt đồn bót, giải phóng vùng ven. Đồng chí Tám Phụng chỉ đạo 5 du kích và sử dụng một số gia đình binh lính giác ngộ cách mạng, bứt hàng đồn Đồng Phú, buộc đại đội bảo an của địch giao nộp toàn bộ vũ khí.
Một trung đội dân vệ xã Bình Hòa Phước chạy trốn sang cù lao Tân Phong (Tiền Giang) được bà con trong xã, trong đó có nhiều thân nhân của binh lính vận động trở về với nhân dân.
Nhân dân Châu Thành A cũng nổi dậy diệt ác, phá rã bộ máy kiềm kẹp, kết hợp 3 mũi giáp công bứt diệt nhiều đồn bót, giải phóng nông thôn, mở toang vùng ven nối liền với thị xã.
TRUNG HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin