Trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công (đơn vị tỉnh Vĩnh Long) đã có ý kiến đóng góp cho dự án luật này.
Trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công (đơn vị tỉnh Vĩnh Long) đã có ý kiến đóng góp cho dự án luật này.
Theo đại biểu Lưu Thành Công, tôi nhất trí với việc ban hành luật này để quy định những cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển kinh tế - xã hội, về tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương và các cơ quan khác của nhà nước áp dụng đối với 3 đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Việc xây dựng và phát triển thành công 3 đơn vị HCKTĐB tại các địa phương này là nơi thí điểm áp dụng các phương thức quản lý mới, tiên tiến, có tính hội nhập sâu, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế nước ta theo hướng dịch vụ và công nghiệp.
Theo tôi, đã là đặc khu thì phải khác biệt hẳn với những đơn vị hành chính, kinh tế khác, vì thế phải tính đến độ mở của đặc khu, việc xây dựng đặc khu phải thu hút được nguồn lực phát triển tốt nhất của thế giới.
Vì vậy, mỗi đặc khu phải được trao những cơ chế, chính sách có tính ưu đãi vượt trội để đủ sức cạnh tranh với những khu vực và quốc tế, đồng thời không cạnh tranh trực tiếp lẫn nhau.
Theo các danh mục kèm theo dự thảo luật thì du lịch là một trong những ngành nghề được ưu tiên phát triển ở cả 3 đơn vị, trong đó 3 đơn vị đều xác định ưu tiên đối với dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, tổng hợp có casino, có vốn đầu tư tối thiểu 44.000 tỷ.
Như vậy liệu sự trùng lặp ngành nghề ưu tiên có thể dẫn đến sự cạnh tranh lẫn nhau giữa 3 khu vực này hay không, mặt khác hiện nay nhiều nước trong khu vực có vị trí địa lý gần với nước ta đã khá thành công với loại hình này.
Việc ưu tiên ngành nghề cần phải tạo nên thế mạnh riêng và đủ khả năng cạnh tranh với các nước, đây là nội dung đề nghị Chính phủ cần giải thích làm rõ thêm.
Về chính sách đặc thù phát triển kinh tế, xã hội, tôi nhất trí với việc tập trung quy định vào 7 nhóm chính sách cơ bản được quy định trong dự thảo luật.
Tôi rất tán thành với việc cần thu hẹp hơn nữa số lượng ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tuy nhiên việc quy định cứng danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng tại đơn vị HCKTĐB như trong dự thảo luật sẽ khó đảm bảo tính linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện, bởi sẽ có những ngành nghề mới có thể hình thành trong tương lai mà luật chưa thể dự báo hết.
Do đó, việc phân quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định bổ sung ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng cho từng đặc khu phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ theo đề nghị của Chính phủ sẽ nhằm hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung luật quá thường xuyên.
Đối với vấn đề quản lý sử dụng lao động tại các khu này đề nghị Chính phủ cần báo cáo rõ với Quốc hội về phương án quản lý lao động di cư, lao động là người nước ngoài với các chính sách thu hút lao động tạo thuận lợi trong việc xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, đi lại… bởi số lượng người lao động nước ngoài đến lưu trú làm việc tại đặc khu sẽ có những biến động rất lớn nếu không có những giải pháp quản lý thì khi phát sinh sẽ rất khó xử lý.
Ngoài các chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại đặc khu cần tính đến các nhóm đối tượng là người dân đã sinh sống lâu năm tại địa phương này.
Tránh việc để người dân bản địa bị mất nơi cư trú, mất nghề nghiệp, không được đáp ứng các yêu cầu cơ bản về sinh sống, học tập, lao động, sẽ tạo ra những bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng và phát triển của đặc khu.
Về tổ chức hành chính của chính quyền địa phương. Tôi tán thành với phương án 1, nghĩa là sẽ không tổ chức HĐND và UBND tại ba đặc khu.
Chính quyền địa phương tại ba đơn vị này là thiết chế trưởng đặc khu, có bộ máy giúp việc, các cơ quan chuyên môn và trưởng khu hành chính.
Mô hình này sẽ tạo ra sự đột phá quan trọng trong cơ chế quản lý hành chính, đơn giản thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian xử lý các công việc của địa phương, từ đó sẽ tăng sức hút, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại các đơn vị HCKTĐB.
Tuy nhiên, đây là một mô hình rất mới, bên cạnh việc giao thiết chế này nhiều thẩm quyền quan trọng thì vẫn cần phải xác định cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực để vừa đề cao trách nhiệm cá nhân, đảm bảo tính năng động, sáng tạo trong công tác quản lý nhưng cũng không dẫn đến lạm quyền, vượt quyền.
Do đó, tôi đề nghị để giúp Thủ tướng Chính phủ, HĐND cấp tỉnh cùng các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện có hiệu quả việc kiểm tra giám sát đối với hoạt động của thiết chế này, nên nghiên cứu, tổ chức một Hội đồng đặc khu gồm các thành viên của HĐND cấp tỉnh bầu ra và được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn đại diện cho nhân dân.
Hình thức này nhiều nước đã áp dụng thông qua việc tiếp nhận xử lý các khiếu nại, tố cáo của người dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
TÂM THI (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin