Sáng ngời tinh thần Nam Kỳ khởi nghĩa

Cập nhật, 04:04, Thứ Năm, 23/11/2017 (GMT+7)

Một buổi sáng đong đầy cảm xúc khi chúng tôi có mặt trên vùng đất Vũng Liêm lịch sử, chứng kiến những di tích trường tồn cùng thời gian ghi dấu không gian “địa linh nhân kiệt”.

Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; những đồng chí lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các tỉnh- thành trong khu vực cùng đông đảo cán bộ, nhân dân tề tựu về đây dâng hương tưởng nhớ về ngày Nam Kỳ Khởi nghĩa cách đây tròn 77 năm.

Càng xúc động hơn khi có sự xuất hiện của một người đặc biệt- bà Ngô Thị Huệ từng là Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, chỉ huy Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vĩnh Long thời đó.

Các vị lãnh đạo cùng chụp ảnh lưu niệm với bà Ngô Thị Huệ tại Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Các vị lãnh đạo cùng chụp ảnh lưu niệm với bà Ngô Thị Huệ tại Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Nữ anh hùng Ngô Thị Huệ

Khi tất cả các đồng chí lãnh đạo, quý đại biểu đang chuẩn bị làm lễ cắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề “Yêu quê hương qua góc nhìn Võ Văn Kiệt”, để cùng tưởng nhớ, thấu hiểu hơn nhân cách, tình cảm của người con ưu tú của quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa thì từ xa xuất hiện chiếc xe lăn với một cụ bà gương mặt hiền từ, phúc hậu trong bộ đồ trắng, mái tóc bạc trắng như một bà tiên.

Tất cả mọi người cùng hướng về… Lớp hậu thế như chúng tôi, tránh sao không khỏi xúc động trào dâng khi biết được “bà tiên” hiền từ ấy là một nhân vật lịch sử, nhân chứng sống của Nam Kỳ khởi nghĩa- người nữ anh hùng Ngô Thị Huệ, vị chỉ huy trí dũng, bản lĩnh trong những ngày tiến hành khởi nghĩa ở quận Châu Thành và TX Vĩnh Long hồi năm 1940.

Mọi người cảm nhận được tình cảm của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dành cho bà Ngô Thị Huệ, qua cái ôm hôn trìu mến và những cử chỉ trân trọng trong suốt buổi tham quan phòng trưng bày và dâng hương tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Là phu nhân của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, bà Ngô Thị Huệ vẫn được mọi người gọi trìu mến là: cô Bảy Huệ, bà Bảy Huệ.

Sau khi có những lời phát biểu chân thành, cảm động về phòng trưng bày ảnh của cha thì ái nữ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là chị Trần Hiếu Dân cũng chạy ùa đến ôm hôn bà Bảy Huệ thắm thiết.

Ở tuổi 98, đôi chân đã yếu nhưng bà Bảy Huệ vẫn minh mẫn, luôn nở nụ cười rạng rỡ, viên mãn. Bà còn bảo mọi người sắp xếp đứng chụp hình góc này, góc kia, sao cho luôn có hình ảnh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với nụ cười hồn hậu, hiển hiện phía sau.

Có lẽ bà cũng rất tự hào về Thủ tướng Võ Văn Kiệt- người đã kề vai sát cánh cùng bà trong thời khắc lịch sử đặc biệt, người con ưu tú của quê hương Vũng Liêm- đã sớm thể hiện phẩm chất, bản lĩnh cách mạng và sau này trở thành nhà lãnh đạo kiệt xuất của đất nước.

Sau đó, trong không gian ấm cúng của gian nhà nhỏ mà sinh thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thường nghỉ ngơi mỗi khi có dịp về thăm lại quê nhà, bà Bảy Huệ ngồi trò chuyện cùng với Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Rón, chị Hiếu Dân, bên cạnh là kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất, kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn- Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng vừa bay từ Hà Nội vào.

May mắn, chúng tôi đã có được cuộc trò chuyện thân tình với kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất, được nghe đôi chút về thời khắc lịch sử của nữ anh hùng Ngô Thị Huệ vào đúng ngày lịch sử 23/11/1940.

Bất diệt tinh thần Nam Kỳ khởi nghĩa

Buổi trò chuyện thân mật cùng bà Ngô Thị Huệ.
Buổi trò chuyện thân mật cùng bà Ngô Thị Huệ.

Bà Ngô Thị Huệ (sinh năm 1919) lúc đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, chỉ huy Khởi nghĩa Nam Kỳ tại Vĩnh Long.

Kế hoạch chung của tỉnh Vĩnh Long là sẽ tiến hành khởi nghĩa ở quận Châu Thành và TX Vĩnh Long. Bà Ngô Thị Huệ đã được giao nhiệm vụ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa.

Tuy nhiên, kế hoạch khởi nghĩa tại TX Vĩnh Long bị bại lộ, địch đề phòng nghiêm ngặt nên bà đã kịp thời chuyển hướng chiến thuật, điều nghĩa quân quay lại phía sau đánh chiếm các đồn bót lẻ và tuyên truyền vũ trang bao vây thị xã.

Bà đã dẫn đầu một đội nghĩa quân đánh vào thị trấn Long Hồ, sau đó rút về Rừng Dơi thuộc xã Long Phước ngày nay.

Cuộc khởi nghĩa không đạt được thắng lợi như mong muốn, nhưng Khởi nghĩa Nam Kỳ là một tấm gương sáng chói về tinh thần kiên cường bất khuất của nhân dân Việt Nam.

Qua trận thử lửa này, quần chúng càng gắn bó với Đảng, càng tôi luyện chí khí cách mạng, củng cố nhận thức: Con đường sống duy nhất của dân tộc là phải dùng bạo lực cách mạng đập tan bạo lực phản cách mạng của bọn đế quốc và phong kiến, giành lại độc lập tự do.

Cũng từ cuộc khởi nghĩa này, hàng trăm cán bộ phụ nữ qua đấu tranh rèn luyện đã được cử vào các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền tỉnh, huyện, xã và từng bước khẳng định vai trò của phụ nữ trong công cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Ý nghĩa lịch sử to lớn ấy cần phải luôn tiếp tục truyền lại cho các thế hệ mai sau hiểu rõ và tự hào về con người và vùng đất quê hương mình; tinh thần Nam Kỳ khởi nghĩa luôn bất diệt, luôn trường tồn cùng lịch sử dân tộc.

Và ngay thời điểm này từ trong sâu thẩm tâm tư tình cảm chúng tôi- lớp hậu thế xin được bày tỏ lòng ngưỡng mộ, yêu kính đối với con người lịch sử đang ngồi trước mặt- người nữ anh hùng Ngô Thị Huệ của quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa, xin kính chúc bà Bảy Huệ luôn khỏe mạnh, luôn nở nụ cười rạng rỡ và sống đời cùng với đất nước, quê hương đang ngày càng đổi thay, phát triển phồn vinh.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- DƯƠNG THU- PHƯƠNG THÚY

TIN LIÊN QUAN