Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM sẽ không tiếp đón các đoàn đến chúc mừng và không nhận hoa chúc mừng trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM sẽ không tiếp đón các đoàn đến chúc mừng và không nhận hoa chúc mừng trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Trong thông báo gửi đi mới đây, Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM cho biết, sẽ không tiếp đón các đoàn đến chúc mừng và không nhận hoa chúc mừng trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Dịp này, nhiều trường học trên địa bàn thành phố cũng tập trung tổ chức các hoạt động hướng đến giáo dục lòng tri ân cho học sinh, không coi trọng vấn đề quà cáp, vật chất với mục đích “Để ngày lễ không trở thành gánh nặng”.
Trong thông báo gửi đi, Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM chân thành gửi lời cảm ơn đến các ban ngành, đoàn thể và đơn vị đã quan tâm hỗ trợ ngành giáo dục thành phố trong sự nghiệp “trồng người” suốt thời gian qua. Đồng thời, Ban giám đốc Sở cho biết sẽ nhận những lời chúc tốt đẹp của các tổ chức, cá nhân theo hình thức thiệp chúc mừng điện tử trên tinh thần thân ái và tiết kiệm.
Đây là năm thứ 5 Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM từ chối tiếp đoàn và nhận hoa chúc mừng từ các đơn vị.
Với tinh thần đó, nhiều năm nay, các trường học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông tại TPHCM luôn hướng phụ huynh và học sinh đến các hoạt động tinh thần mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam chứ không coi trọng hoa hay quà chúc mừng. Năm nay, lễ 20/11 của thầy trò Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân ở quận Thủ Đức sẽ diễn ra sớm hơn 2 ngày với nhiều hoạt động sôi nổi như hội thao, hội diễn văn nghệ, làm thiệp tặng thầy cô, sinh hoạt truyền thống… Điều đặc biệt là trong ngày lễ, nhà trường chuẩn bị sẵn các phần quà để học sinh dành tặng cho bộ phận phục vụ trong trường như: giám thị, nhân viên y tế, bảo vệ, lao công. Đúng ngày 20/11, giáo viên không phải đi dạy mà được nghỉ ngơi hoặc ôn lại kỷ niệm cùng các cựu học sinh của mình.
Theo ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng nhà trường, điều mà nhà giáo nào cũng muốn nhận được trong ngày 20/11 là lòng tri ân, tình cảm ấm áp của các thế hệ học trò.
Ông Bình nhấn mạnh: “Đối với giáo viên chúng tôi không phải lúc nào nhận quà của học sinh cũng đều cảm thấy vui. Chúng tôi muốn thấy tấm lòng của các em học sinh, ví dụ như các em học tập tích cực hơn, các em ngoan ngoãn và có kết quả học tập ngày càng tốt hơn. Đó cũng là món quà mà các em đã tặng cho chúng tôi trong ngày Nhà giáo 20/11 chứ không phải lúc nào cũng thể hiện qua những món quà đắt tiền”.
Mong muốn xóa bỏ tư tưởng phải tặng gì đó cho thầy cô vào ngày 20/11 của không ít phụ huynh, từ nhiều năm nay, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi ở Quận 4 luôn coi trọng hoạt động lễ hội và giáo dục tri ân cho toàn thể học sinh vào dịp quan trọng này.
Học sinh được dạy làm hoa, làm thiệp tại lớp và tự tay viết những lời chúc tốt đẹp dành tặng giáo viên. Nhà trường không khuyến khích phụ huynh tặng hoa hay quà cho thầy cô giáo.
Vào ngày 20/11, các em sẽ tham gia sinh hoạt truyền thống, diễn văn nghệ. Trong khi đó, giáo viên và cán bộ toàn trường sẽ có một ngày vui trọn vẹn với các hoạt động vui chơi, giải trí và tri ân cùng các thế hệ lãnh đạo, giáo viên hưu trí trước khi trở về nhà vui vầy bên gia đình.
Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, sự tri ân của phụ huynh chỉ thực sự ý nghĩa khi các bậc mẹ cha luôn đồng hành cùng nhà trường trong quá trình giáo dục trẻ. Điều đó thì quà và hoa không làm giúp được.
Bà Hà nói: “Chúng tôi trân trọng tình cảm thực sự của học sinh và phụ huynh trong suốt một năm học. Họ quan tâm như thế nào đối với thầy cô và quan tâm như thế nào đối với sự nghiệp giáo dục của nhà trường. Chứ không nhất thiết là đến dịp 20/11 phụ huynh mới tri ân, mới đem tặng các phần quà với suy nghĩ hết ngày 20/11 là trách nhiệm của chúng ta hoàn thành”.
Dịp 20/11 năm nay, thầy trò Trường Tiểu học Lương Định Của ở Quận 3 lại tổ chức nhiều hoạt động thi đua và vui chơi sôi nổi ngay tại sân chính. Trong khi thầy cô tranh tài với hội thi Làm đồ dùng dạy học thì các em học sinh thỏa thích tham gia các hoạt động như: biểu diễn văn nghệ, vẽ tranh, thi viết đẹp viết đúng, làm báo tường chủ đề Tri ân thầy cô…
Nhà trường cũng tổ chức hội thi để đội ngũ bảo mẫu rèn lại kỹ năng chăm sóc trẻ. Các giáo viên, bảo mẫu còn được nhà trường động viên chia sẻ tâm tư, nguyện vọng qua những bài viết về công việc hàng ngày của mình.
Theo ông Nguyễn Đạt Sử, Phó Hiệu trưởng nhà trường, sự quan tâm này sẽ tạo cầu nối để thầy cô gắn kết với học trò và nhà trường nhiều hơn. Ông Sử nói: “Đây là dịp để nhà trường lắng nghe tình cảm, tâm tư của đội ngũ giáo viên, cũng như các cô bảo mẫu thông qua các bài chia sẻ cảm xúc. Từ đó nhà trường có những điều chỉnh, phối hợp làm sao giữa công tác quản lý và đội ngũ thầy cô trong trường luôn có sự lắng nghe, thông hiểu giúp hoạt động của nhà trường ngày càng tốt hơn”.
Mỗi trường sẽ có cách làm khác nhau theo từng chủ đề và hướng tiếp cận riêng, tuy nhiên, điều mà các trường muốn hướng đến là giáo dục lòng tri ân cho học sinh.
Nhà trường chủ động tạo nhiều sân chơi bổ ích để học sinh thể hiện năng khiếu cũng như tình cảm với giáo viên. Quan trọng hơn, các trường mong có thể thay đổi cách nghĩ từ một bộ phận phụ huynh rằng: 20/11 chỉ là ngày lễ của giáo viên./.
Theo VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin