Trong phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng- đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã chất vấn 2 vấn đề.
Trong phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng- đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã chất vấn 2 vấn đề.
Đại biểu Phạm Tất Thắng: Theo đánh giá của giới chuyên gia, những định hướng, chính sách của Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ đến nay có tính nhất quán cao tập trung vào phía cung của nền kinh tế.
Xin Thủ tướng cho biết thêm chủ trương trọng cung có phải là một chiến lược của Thủ tướng trong nhiệm kỳ này hay không?
Thủ tướng cho biết những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện loại bỏ giấy phép con. Có nhiều ý kiến cho rằng, bỏ một giấy phép con sẽ bị thay thế bằng một hoặc nhiều giấy phép con tinh vi, phức tạp hơn. Vậy, Thủ tướng có chủ trương gì trước nguy cơ này?
Một vấn đề nữa là trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội, tôi đã nêu một thực trạng là do nhu cầu phát triển kinh tế, mà dường như việc bố trí nguồn lực và tập trung chỉ đạo phát triển văn hóa, xã hội, đặc biệt là phát triển con người chưa tương xứng.
Thanh niên có trình độ đào tạo cao, tỷ lệ thất nghiệp còn nhiều, trong khi đó nền kinh tế vẫn thiếu lao động có trình độ tay nghề cao.
Tầm vóc và thể lực người Việt Nam còn hạn chế, tầm vóc thuộc nhóm thấp nhất. Xin Thủ tướng cho biết ý kiến về thực trạng này, trong thời gian tới Thủ tướng có giải pháp gì để khắc phục hiện trạng trên?
Trả lời vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chủ trương trọng cung là chủ trương của Chính phủ đưa ra. Chính sách trọng cung để nâng cao sản lượng tiềm năng của nền kinh tế.
Trọng tâm của chính sách này là thúc đẩy tăng yếu tố sản xuất như lao động, vốn và năng suất nhân tố tổng hợp. Nếu năng suất tổng hợp TFP không tăng lên thì khó có thể cạnh tranh.
Chúng ta nhất quán chiến lược theo hướng này cho nên hiệu quả chi ngân sách, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích đầu tư giáo dục đào tạo, dạy nghề, ứng dụng công nghệ để cải thiện năng suất cho nền kinh tế, thu hút trong nước và nước ngoài là những vấn đề đặt ra của trọng cung này trong thời gian tới mà đại biểu đã nêu.
Đối với vấn đề bỏ giấy phép con, đến nay chúng ta đã có 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và khoảng 4.300 điều kiện kinh doanh tương ứng.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 98 yêu cầu các bộ, ngành bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến một nửa số điều kiện kinh doanh hiện hành.
Nhân đây cũng báo cáo với Quốc hội, một số bộ của chúng ta đã làm tốt công tác này, ví dụ Bộ Công thương đã công bố vào tháng 9 kết quả các dự án được hơn 600 điều kiện kinh doanh các loại, chiếm 50% tổng số điều kiện kinh doanh lĩnh vực công thương.
Các bộ như Bộ Nông nghiệp-PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường... đã công bố kết quả cắt giảm đạt chỉ tiêu yêu cầu và hơn 1/3 tổng số điều kiện kinh doanh.
Đây là một chủ trương được quán triệt rất rõ và được triển khai nghiêm túc, nhiều bộ đang tích cực rà soát và chưa công bố công khai như Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch... chứ không phải các thủ tục này lại mọc ra thủ tục khác nhiều hơn.
Quyết tâm làm việc này cho tốt và chúng tôi sắp ban hành nghị định để kiểm soát điều kiện kinh doanh để quản lý vấn đề này cho chặt chẽ hơn.
Ngoài ra, Chính phủ thiết lập nhiều kênh thông tin để tiếp nhận thông tin từ hộ kinh doanh, từ doanh nghiệp, từ người dân để bất hợp lý thì báo cáo với Thủ tướng và Chính phủ giao việc theo dõi thường xuyên này cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc.
Nếu bộ nào cản trở, ảnh hưởng đến những điều kiện kinh doanh, mọc thêm điều kiện kinh doanh thì phải xử lý nghiêm.
Chúng tôi đề nghị Quốc hội tích cực giám sát vấn đề này, riêng thủ tục hành chính trong năm 2017 này như báo cáo Quốc hội, chúng tôi đã cắt trên 5.000 thủ tục.
Đại biểu cũng nêu vấn đề tầm vóc người Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất thì bây giờ giải pháp nào? Tôi xin nói là chỉ số phát triển con người của chúng ta như hiện nay là cũng có cố gắng, nhưng còn thấp, lùn, còi, phải được khắc phục.Giải pháp nào?
Bây giờ nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo dạy nghề rất quan trọng, đi liền với giáo dục con người toàn diện. Cái này quan trọng về tư duy và con người.
Thứ hai là chăm sóc sức khỏe nhân dân nhất là chế độ dinh dưỡng, vấn đề rèn luyện thể chất đặc biệt sống lành mạnh.
Việt Nam bây giờ tỷ lệ uống bia rượu cao quá, cần phải được giáo dục thêm để tránh ảnh hưởng sức khỏe trong giới trẻ. Tôi nói đây là một điều rất nghiêm túc.
TÂM THI (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin