Nâng tầm rau hoa củ quả

10:11, 03/11/2017

Thảo luận tại hội trường về kinh tế- xã hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thiện Nhân (đơn vị TP Hồ Chí Minh), Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh- đã có góp ý rất đáng chú ý, trong đó có những số liệu khả quan về tình hình xuất khẩu nông sản.

Từ số liệu thống kê gần đây, ông thấy có những gợi ý quan trọng cho việc giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Ông dẫn số liệu, năm 2016 xuất khẩu dầu thô đạt 2,4 tỷ USD, xuất khẩu gạo đạt 2,15 tỷ đồng USD, xuất khẩu cà phê đạt 3,3 tỷ USD, xuất khẩu thủy sản đạt 7,5 tỷ USD, xuất khẩu rau, quả và hoa đạt 2,45 tỷ USD. “Như vậy lần đầu tiên xuất khẩu rau quả và hoa lớn hơn xuất khẩu dầu thô”.

Nhìn lại lịch sử phát triển, năm 2005 xuất khẩu dầu thô đạt 7,3 tỷ USD, vượt gấp 31 lần xuất khẩu rau, quả và hoa. Thời gian qua, mặt hàng rau, quả và hoa tăng bình quân 30%/năm.

“Như vậy có thể dự báo đến năm 2022, giá trị xuất khẩu của rau, quả và hoa sẽ đạt khoảng 9 -10 tỷ USD/năm- con số còn cao hơn xuất khẩu dầu thô lúc tốt nhất.

Từ đó có gợi ý quan trọng là các mặt hàng sản xuất nông nghiệp xuất khẩu rau, quả, hoa chưa được coi là sản phẩm chủ lực quốc gia, nhưng trong 5 năm qua mặt hàng này đã tăng trưởng vượt bậc”- ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân cho hay và kiến nghị Chính phủ xem xét đưa nhóm hàng rau, quả và hoa thành nhóm sản phẩm chủ lực của đất nước.

Tuy nhiên, để rau quả Việt đứng vững chân và phát triển thị phần trong các thị trường không phải đơn giản.

Các chuyên gia khuyến nghị yếu tố cốt lõi vẫn phải là gia tăng chất lượng sản phẩm và công tác xúc tiến thương mại cho rau quả Việt Nam- đặc biệt là cập nhật kịp thời các thông tin nhu cầu và tiêu chuẩn về sản phẩm nhập khẩu của từng thị trường.

Các chuyên gia VEPR (Viện Nghiên cứu Kinh tế chính sách) từng cảnh báo: “Nếu không đảm bảo được về chất lượng, chúng ta sẽ khó tránh khỏi các cuộc khủng hoảng dư thừa như đã diễn ra đối với các mặt hàng như thịt heo, dưa hấu hay trái vải trong thời gian vừa qua”. 

 

HOÀNG HÀ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh