Thời gian qua, trên địa bàn TP Vĩnh Long đã tồn tại và xuất hiện nhiều "miễu vỉa hè". Sự thờ cúng tự phát này gây mất mỹ quan thành phố, mất an toàn giao thông và thiếu trang trọng với chính "đối tượng" được thờ cúng.
Thời gian qua, trên địa bàn TP Vĩnh Long đã tồn tại và xuất hiện nhiều “miễu vỉa hè”. Sự thờ cúng tự phát này gây mất mỹ quan thành phố, mất an toàn giao thông và thiếu trang trọng với chính “đối tượng” được thờ cúng.
Ảnh: TẤN PHÁT (TP Vĩnh Long) |
Những ngôi miễu ấy thờ thổ địa, bà thánh mẫu, chiến sĩ đã khuất, nạn nhân xấu số do tai nạn giao thông,… được lập và đặt ở vỉa hè, nơi công cộng vốn xô bồ, thiếu tôn nghiêm.
Thế nhưng đây là hình ảnh dễ thấy ở các công viên, tuyến đường chính của TP Vĩnh Long, thậm chí tại một điểm (ở vỉa hè công viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh) mà có hơn 11 cái miễu thờ, lành lặn có, đổ bể có, trông rất phản cảm.
Anh Trần Anh Thông- người dân TP Vĩnh Long- nói “Những cái miễu mà thờ trên vỉa hè như vầy thì tôi thấy không có đẹp cho đường phố, vừa kém mỹ quan vừa chiếm lòng lề đường”.
Ngoài được đặt ở vỉa hè, có miễu được đặt không vững ở dải phân cách đường Phó Cơ Điều (Phường 4- TP Vĩnh Long). Hình ảnh này gây khó hiểu cho người qua lại và nguy cơ lật ngã qua 2 bên đường và gây mất an toàn giao thông là rất cao.
Dường như do liên quan tâm linh mà các địa phương ngại ngần khi xử lý, cho tồn tại và tồn tại khá lâu cho đến ngày nay.
Bác Trần Công Hương (người dân TP Vĩnh Long) cho biết: “Tôi thấy không có thứ tự, ai muốn thờ sao thờ, nó chiếm lòng lề đường rất nhiều.
Người ở nơi khác đến, đặc biệt là người nước ngoài rất ngạc nhiên, cái gì mà chỗ này lóc nhóc, chỗ kia lóc ngóc không đâu ra đâu hết. Người ta đánh giá địa phương mình thiếu sự tổ chức, sắp xếp.
Theo tôi thì làm sao sắp xếp lại cho nó thứ tự gọn ràng hoặc là mình tập trung chỗ nào đó vừa không có động chạm đến vấn đề tâm linh của quần chúng mà quần chúng còn thích nữa. Được Nhà nước chiếu cố, người ta thích lắm”.
Ảnh: TẤN PHÁT (TP Vĩnh Long) |
Qua quan sát, trong nội ô TP Vĩnh Long có trên 40 ngôi miễu được đặt ở vỉa hè, dải phân cách, nơi công cộng,… Nhìn từ góc độ văn hóa, văn minh đô thị thì rất khó coi.
Việc cúng bái, thờ phụng nơi công cộng là tự phát của người dân chứ không có xin phép chính quyền địa phương, với mục đích sẽ phù hộ cho gia chủ, giúp vong hồn người chết được siêu thoát, không quấy rầy người sống,...
Ông Nguyễn Hòa Đàm- Thành viên BCĐ Xây dựng nếp sống văn minh đô thị TP Vĩnh Long phát biểu: “Việc lập miễu này mang tính chất tự phát cho nên chính quyền các phường xã cần quan tâm và có biện pháp xử lý ngay từ đầu, không nên để lập miễu quá nhiều như thế ở nơi công cộng.
Chúng tôi có tham khảo ý kiến của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh thì hướng sắp tới Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh sẽ gặp gỡ UBND thành phố và đề xuất giải pháp cụ thể, trong đó miễu nào hư hỏng thì phải dọn dẹp, những cái miễu nào đặt đúng quy định thì cũng sẽ có giải pháp để dung hòa, làm sao để bảo đảm được tín ngưỡng, tâm linh của người dân, đồng thời phải bảo đảm được trật tự mỹ quan đô thị”.
Ảnh: TẤN PHÁT (TP Vĩnh Long) |
Tập quán thờ phụng các vị thánh thần, người chết trong các đền thờ, miễu là một hoạt động tín ngưỡng, tâm linh lâu đời của nhân dân ta.
Tuy nhiên, việc lập miễu thờ trên vỉa hè đường phố, nơi công cộng vừa ảnh hưởng mỹ quan đô thị, vừa tạo ấn tượng không tốt, tâm lý e ngại của du khách, nhất là khi nó tồn tại ngay giữa trung tâm thành phố.
Do đó ngoài tuyên truyền vận động, cơ quan chức năng cần sớm can thiệp để việc thờ cúng thật sự tôn nghiêm và trên hết lòng thành kính hay tín ngưỡng tâm linh phải được đặt đúng chỗ.
NGUYỄN SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin