Trong phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng, đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã có ý kiến về việc kéo dài nhiệm kỳ của đại sứ và việc phối hợp công tác giữa cơ quan đại diện và đoàn công tác.
Trong phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng, đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã có ý kiến về việc kéo dài nhiệm kỳ của đại sứ và việc phối hợp công tác giữa cơ quan đại diện và đoàn công tác.
Theo đại biểu Phạm Tất Thắng, Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài đã được Quốc hội thông qua năm 2009, sau hơn 8 năm thực hiện đã phát sinh yêu cầu phải sửa đổi để phù hợp với Hiến pháp năm 2013 cũng như đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại trong giai đoạn mới:
Tôi nhất trí với việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung luật và những quan điểm sửa đổi luật trong tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
Tôi cho rằng các nội dung Chính phủ đề xuất trong sửa đổi lần này, đều là những vấn đề quan trọng nhằm góp phần củng cố, nâng cao nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, chế độ, chính sách để tạo điều kiện cho cơ quan đại diện của nước ta ở các nước thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian sắp tới.
Đặc biệt, địa vị của người đứng đầu cơ quan đại diện là đại sứ đặc mệnh toàn quyền, người đại diện cao nhất của Nhà nước Việt Nam tại quốc gia tiếp nhận được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm tiếp tục được đề cao hơn nữa.
Đối với dự thảo luật này, tôi xin phát biểu 2 ý kiến về việc kéo dài nhiệm kỳ của đại sứ được quy định tại Điều 27 và Điều 32 và về việc phối hợp công tác giữa cơ quan đại diện và đoàn công tác được quy định tại Điều 34.
Về việc kéo dài nhiệm kỳ của đại sứ, qua báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại, giải trình của Bộ Ngoại giao và tổng hợp ý kiến phát biểu tại tổ về nội dung này, thấy rằng vẫn còn có 2 luồng ý kiến khác nhau.
Tôi cho rằng, việc cử cán bộ đi công tác ở nước ngoài có những đặc thù riêng, không giống với bổ nhiệm cán bộ trong nước.
Đối với các vị đại sứ thì như Bộ Ngoại giao có nêu, còn phải được chấp thuận và trình quốc thư lên nguyên thủ của nước tiếp nhận.
Quan hệ đối ngoại đôi khi cũng phát sinh những việc hệ trọng, khẩn cấp cần đại sứ đương nhiệm có sẵn kinh nghiệm, mối quan hệ với địa bàn sẽ xử lý khéo léo, ổn thỏa, hiệu quả hơn.
Vì vậy, chúng ta nên tranh thủ cái nào có lợi nhất cho đất nước. Chính vì vậy, việc kéo dài thời gian nhiệm kỳ của đại sứ trong một số trường hợp cũng là cần thiết.
Vấn đề quan trọng là trường hợp nào thì kéo dài và kéo dài bao lâu.
Ví dụ không quá 3 tháng hoặc không quá tối đa 6 tháng, khoảng 15% của nhiệm kỳ thì giao cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định như quy định luật năm 2009.
Trường hợp bắt buộc kéo dài thời gian hơn 3 tháng hoặc 6 tháng thì mới cần thủ tục phê chuẩn kéo dài nhiệm kỳ đại sứ.
Nếu không quy định cụ thể trong luật thì dễ dẫn tới việc đại sứ đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm nhưng chưa biết tới bao giờ mới thực hiện được nhiệm vụ của mình.
Ngoài ra, cũng cần phân định đối với thành viên cơ quan đại diện không phải là đại sứ thì do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định.
Vì vậy, tôi đề nghị việc kéo dài trong thời gian ngắn thì nên để Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chỉ đạo, điều hành cho linh hoạt, đảm bảo tình hình thực tiễn của công tác ngoại giao.
Về vấn đề phối hợp giữa cơ quan đại diện và đoàn đi công tác nước ngoài, tôi tán thành với quy định của dự thảo luật về nguyên tắc có cơ quan đại diện ngoại giao thì đoàn công tác đến nước đó phải thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao.
Nếu chúng ta ra nước ngoài vì mục đích du lịch, thăm người thân, học tập thì sẽ không bàn đến. Song, nếu được cơ quan cử đi công tác thì việc thực hiện các nhiệm vụ chính thức của cơ quan, việc thông báo cho cơ quan đại diện là việc làm cần thiết và là trách nhiệm của cán bộ, công chức.
Luật đã quy định, cơ quan đại diện thực hiện chức danh đại diện cho nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, có trách nhiệm theo dõi, phối hợp, tổ chức các hoạt động của cơ quan, tổ chức Việt Nam tại quốc gia tiếp nhận cũng như thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam và nước tiếp nhận trên mọi mặt.
Chúng ta thông báo không chỉ tạo điều kiện cho cơ quan đại diện thực hiện đúng và đầy đủ chức năng, để họ nắm và tiếp tục theo dõi vấn đề này, đồng thời có những phối hợp và tạo điều kiện cho các hoạt động của đoàn công tác. Quy định đã có trong luật từ năm 2009.
Tôi thiết nghĩ nếu chi tiết, cụ thể quá sẽ khó xử lý trong luật và nhất là văn bản ở tầm luật cũng không cần thiết nêu chi tiết các vấn đề tổ chức thực hiện quy định này.
Tuy nhiên, trong tổng hợp thảo luận ở tổ đã có ý kiến đề nghị xem xét tính khả thi của quy định này. Tôi nghĩ rằng nếu đoàn đi nước ngoài phải thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao sẽ khó thực hiện vì không biết thông báo bằng cách nào, theo địa chỉ nào, liên hệ với ai và gửi công văn có được không.
Nhiều khi, thời gian của đoàn công tác cũng không cho phép để thực hiện quá nhiều thủ tục hành chính. Theo quy định của luật từ năm 2009 đến nay, đã có bao nhiêu đoàn thực hiện thông báo với cơ quan đại diện.
Chính vì vậy, để đảm bảo tính khả thi của dự thảo luật, tôi đề xuất sửa đổi "cơ quan cử đoàn công tác đi nước ngoài phải thông báo cho Bộ Ngoại giao".
Trong nội bộ hoạt động của ngành ngoại giao thì ngành ngoại giao sẽ thông báo cho cơ quan đại diện tại nước sở tại có đoàn đến công tác, như vậy sẽ khả thi hơn và phù hợp với điều kiện thực tiễn.
TÂM- KIỀU (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin