Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh, đơn vị tỉnh Vĩnh Long đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về việc lùi thời gian áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới lại 1 năm.
Trong phiên thảo luận tại hội trường về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa (SGK) mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông (GDPT), đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh, đơn vị tỉnh Vĩnh Long đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về việc lùi thời gian áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới lại 1 năm.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Nghị quyết 88 hướng đến mục tiêu đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông.
Từ khi được ban hành, Nghị quyết luôn nhận được sự quan tâm và đồng hành của xã hội và đã có kết quả bước đầu, Bộ Gíao dục và đào tạo đã thông qua chương trình GDPT tổng thể làm căn cứ để xây dựng các chương trình môn học và hoạt động giáo dục...
Tuy nhiên, các điều kiện đảm bảo chính là sự chuẩn bị cho đội ngũ nhà giáo hiện tại cũng như cơ sở vật chất để triển khai áp dụng so với lộ trình quy định tại Nghị quyết 88 thì vẫn còn nhiều khó khăn do điều kiện và đặc thù riêng của từng địa phương.
Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, việc Chính phủ xin lùi thời gian áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới lại 1 năm là hợp lý.
Tôi thống nhất với nhiều quan điểm cho rằng SGK là công cụ của sự đổi mới và cần phải được chuẩn bị thật tốt để có tính ổn định và lâu dài.
Tuy nhiên, kiến thức SGK giáo dục phổ thông vốn đã là khoa học và cơ bản, việc thay đổi vẫn dựa trên nền tảng kiến thức đã có.
Điều quan trọng mang tính quyết định là chúng ta sử dụng công cụ đó như thế nào và bằng cách nào để nó trở thành tri thức và kỹ năng ở mỗi học sinh.
Nếu chúng ta có chương trình tốt nhưng đội ngũ nhà giáo chưa sẵn sàng, không tích cực hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì mọi quá trình đổi mới đều không đạt hiệu quả mong muốn.
Đánh giá chung về năng lực đội ngũ và những thông tin trong thời gian qua về những nhà giáo gắn bó, tận tụy với nghề dù đồng lương rất thấp, điều kiện sống và làm việc khó khăn nhưng chúng ta phải trân trọng nhìn nhận rằng phần lớn đội ngũ nhà giáo là những người tâm huyết, có trách nhiệm, thích ứng tốt với sự thay đổi và có sự chuẩn bị tâm thế để đổi mới.
Về các điều kiện đảm bảo cơ sở vật chất, việc thay đổi lộ trình thực hiện chỉ áp dụng với lớp 1 của năm đầu tiên thay vì lớp 1, lớp 6 và lớp 10 đã giảm áp lực rất lớn từ nhiều phía, với phương án cũ địa phương khó cùng lúc có thể đảm bảo đủ kinh phí để triển khai đồng loạt cho cả 3 lớp đầu cấp vì ngoài chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới thì địa phương còn nhiều khó khăn trong việc cân đối ngân sách để đầu xây dựng cơ sở vật chất vì phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Với phương án lùi lại một năm theo tờ trình của Chính phủ theo phương thức cuốn chiếu và dãn ra ở mỗi cấp học là hợp lý để địa phương có nhiều thời gian rà soát, sắp xếp lại quy mô trường lớp, tạo nền tảng về cơ sở vật chất tương xứng, đồng bộ giữa các yếu tố cho đổi mới.
Với góc nhìn là người trong ngành, chúng tôi xem đây là cơ hội để ngành được tiếp tục quan tâm đầu tư đảm bảo về cơ sở vật chất và trang thiết bị để tất cả các em học sinh có cơ hội và điều kiện học tập tốt hơn.
Tuy nhiên, để việc triển khai thực hiện trong thời gian tới hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra, đề nghị Quốc hội cần xem xét đưa chỉ tiêu về giáo dục vào các chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của Chính phủ.
Trước tiên cần quan tâm đầu tư nâng tỷ lệ và chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia, hiện cả nước có 57% trường đạt chuẩn, tỷ lệ này còn thấp so với mục tiêu cần đạt của lộ trình đổi mới giáo dục.
Song song đó, cần nghiên cứu để thay đổi tiêu chí quy định về trường chuẩn quốc gia tích hợp với công tác kiểm định chất lượng giáo dục theo hướng nâng lên về chất lượng, về sỉ số, phương thức tổ chức lớp học, bắt kịp với sự phát triển của các nước trong khu vực.
Ngoài ra, hàng năm Quốc hội quan tâm, giao chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo đảm bảo 20% tổng chi ngân sách nhà nước, để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục và thực hiện chế độ, chính sách đã ban hành; tăng tỉ lệ chi đầu tư trong tổng chi ngân sách cho giáo dục (hiện nay chỉ chiếm 13,3%).
Đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non, phổ thông phù hợp lộ trình áp dụng chương trình SGK mới; đảm bảo bố trí kinh phí cho địa phương đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng giáo viên một cách đồng bộ.
Song song đó, Bộ Giáo dục và đào tạo sớm hoàn thành đồng bộ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông song song với việc ban hành chương trình, SGK để việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên bảo đảm kịp thời với lộ trình triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới.
Theo báo cáo của Bộ, hiện nay cả nước giáo viên THCS và THPT thừa thiếu cục bộ. Đề nghị bộ sớm quy định cụ thể việc bồi dưỡng văn bằng hai, môn nào được quy đổi, môn nào được tính tương đương, môn nào cần bồi dưỡng thêm.... để địa phương, các cơ sở giáo dục xây dựng phương án rà soát, đánh giá giải quyết việc thừa thiếu giáo viên, và bản thân giáo viên có sự chuẩn bị để bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Hướng tới bộ cũng cần nghiên cứu để thay đổi tiêu chí đánh giá đầu ra của các trường sư phạm theo chuẩn thống nhất vì hiện tại công tác tuyển dụng của địa phương theo Thông tư 16 của Bộ Nội vụ còn nhiều bất cập.
Nhiều trường sư phạm có uy tín, chú trọng chất lượng, đánh giá nghiêm túc quá trình học tập và kết quả đầu ra thì sinh viên lại bị thiệt thòi khi tuyển dụng vì thực tế có nhiều sinh viên điểm học tập không cao nhưng kiến thức và năng lực sư phạm vững vàng nhưng không trúng tuyển vì yếu tố quyết định vẫn là điểm học tập toàn khóa và điểm tốt nghiệp.
Đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách cải cách tiền lương sao cho vừa với sức cống hiến của nhà giáo, phải tạo động lực cho đội ngũ an tâm công tác và thực hiện đổi mới.
Từ Nghị quyết Trung ương 2 Khóa VIII đến Nghị quyết 29 Trung ương 8 khóa XI đều khẳng định “Lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”. Chúng ta nói nhiều về vấn đề này nhưng chưa có động thái cụ thể.
Theo quy định về chế độ tiền lương hiện tại, mỗi nhà giáo đi từ bậc lương thấp nhất đến bậc cao nhất trong ngạch lương của mình là 24 năm đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học;
30 năm đối với giáo viên trung học cơ sở; 27 năm đối giáo viên trung học phổ thông; lương giáo viên mầm non tiểu học, bậc 1 là 1.86 đến bậc 12 là 4.06 với mức lương cơ bản hiện tại thì trong 24 năm đi dạy là tăng không đáng kể.
Rõ ràng, điều này khó trở thành động lực cho nhà giáo phấn đấu và chưa song hành với mục tiêu đổi mới.
Vì vậy, đề nghị song song với quá trình triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới, cần đưa các chính sách về nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vào quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục trong năm 2018 và đưa Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2019.
TÂM- THI (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin