Tự hào quân dân Vĩnh Long và Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968

05:10, 18/10/2017

Để đi tới thắng lợi cuối cùng, giành độc lập tự do cho dân tộc, Đảng ta đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân trải qua biết bao trận đánh ác liệt, biết bao chiến dịch lịch sử lớn nhỏ. Trong đó, Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 đã góp vai trò đặc biệt, làm thay đổi toàn bộ cục diện chiến trường miền Nam trong giai đoạn ác liệt nhất.

 

Để đi tới thắng lợi cuối cùng, giành độc lập tự do cho dân tộc, Đảng ta đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân trải qua biết bao trận đánh ác liệt, biết bao chiến dịch lịch sử lớn nhỏ. Trong đó, Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 đã góp vai trò đặc biệt, làm thay đổi toàn bộ cục diện chiến trường miền Nam trong giai đoạn ác liệt nhất.

Vĩnh Long tự hào là địa phương đã liên tục bám trụ, chiến đấu ác liệt với địch ở nội ô thị xã trong 6 ngày đêm (chỉ sau TP Huế). Đây cũng là chiến dịch có quy mô lớn nhất, thọc sâu, chiếm giữ dài ngày nhất tại đầu não địch trong lịch sử chiến tranh giải phóng của quân dân Vĩnh Long.

Lãnh đạo tỉnh cùng các ban ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang viếng bia tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh sân bay Vĩnh Long- Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968.
Lãnh đạo tỉnh cùng các ban ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang viếng bia tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh sân bay Vĩnh Long- Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968.

Tạo thế cho chiến dịch Mậu Thân

Tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 1968, gồm có 7 huyện và 2 thị xã là: Vĩnh Long và Sa Đéc. Địch cũng tổ chức thành 2 tiểu khu là: Vĩnh Long và Sa Đéc.

Theo đồng chí Nguyễn Ký Ức- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long (giai đoạn 1967- 1975): Chủ trương của Khu ủy Tây Nam Bộ là tập trung sức đẩy mạnh tiến công cho chiến dịch mùa khô 1967- 1968.

Nhằm tiêu hao sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của chúng, phá bình định, giải phóng nông thôn, giành thắng lợi quyết định tạo ra bước ngoặt trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Do đó tháng 11/1967, Tỉnh ủy Vĩnh Long họp tại xã An Khánh (huyện Châu Thành B), quán triệt chỉ thị của Khu ủy, đồng thời rà soát lại tình hình địa phương để vận dụng linh động chủ trương của Khu ủy vào điều kiện thực tế.

Quán triệt thông suốt từ trong nội bộ Đảng ra tới quần chúng, sau đó mở đợt phát động quần chúng sâu rộng ở các vùng yếu, vùng kiềm, thị xã, thị trấn; cổ vũ phong trào quần chúng nổi dậy; động viên sức người, sức của cho phía trước; củng cố, bổ sung lực lượng- nhất là lực lượng vũ trang.

Phát động đến đâu, cán bộ, đảng viên đăng ký đến đó, nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì khi Đảng gọi. Bộ đội địa phương đăng ký quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, sẵn sàng chuyển lên bộ đội chủ lực. Du kích đăng ký bao vây tiêu diệt đồn và sẵn sàng tham gia bộ đội tập trung.

Đặc biệt, đây cũng là lúc thấy rõ nhất tấm lòng của nhân dân Vĩnh Long đối với Đảng, đối với kháng chiến. Nhiều gia đình đăng ký hiến 1/2 hoặc 1/3 số lúa thu hoạch.

Các má và nhiều chị em sẵn sàng lột bông tai, vòng vàng trang sức đang đeo hiến ngay cho cách mạng. Đồng bào vùng kiềm kẹp, vùng yếu cũng gửi tiền, hiện vật, thuốc men ủng hộ chiến dịch.

Nhiều bà mẹ đăng ký người con trai cuối cùng của mình tham gia lực lượng vũ trang chiến đấu, như mẹ Bảy ở xã Mỹ Lộc, mẹ Tư ở xã Ngãi Tứ... Vì thế, có những gia đình có 7 liệt sĩ như mẹ Nguyễn Thị Ngọt ở xã Song Phú có chồng và 6 con đều hy sinh.

Để củng cố và phát triển lực lượng chính trị, nhất là vũ trang, tập trung và bổ sung quân chủ lực, tỉnh điều một đại đội từ Tiểu đoàn 857 qua làm nòng cốt xây dựng Tiểu đoàn thứ hai của tỉnh.

Về bảo đảm vật chất, tỉnh chủ trương vận chuyển vũ khí, nhất là đạn và chất nổ, từ miền Tây và biên giới Campuchia về, đồng thời thu lượm bom đạn, pháo lép của địch lấy thuốc nổ làm lựu đạn, thủ pháo phục vụ chiến dịch, ngụy trang khéo léo cùng các mẹ, các chị vận chuyển vũ khí vào trong thị xã. Đến ngày 29/1/1968, ta đã đưa vào nội ô được 2 tấn súng đạn và chất nổ ém trước.

Những bài học lớn cho cách mạng

Đồng chí Trịnh Văn Lâu- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long- cho rằng: Nếu nói Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 không có sự chuẩn bị là chưa đúng, nhưng rõ ràng khi có lệnh, nhiều người bất ngờ, kể cả một số cán bộ ở địa phương và cán bộ phụ trách các đơn vị chủ lực cũng chới với.

Ông Nguyễn Văn Út (Mười Quẹo)- nguyên Tỉnh đội phó Tỉnh đội Vĩnh Long- giải thích: Tất cả chỉ nắm tinh thần chủ trương cho chiến dịch mùa khô 1967- 1968 mà không hề biết gì về Chiến dịch Xuân Mậu Thân trước đó, nên khi nhận lệnh là khá bất ngờ, trang bị cơ số đạn vượt khí tài chưa đảm bảo đủ mạnh để tiêu diệt ngay cơ quan đầu não và một số đơn vị bộ binh chủ yếu của địch như đánh ở sân bay. Do đó, có thắng lợi nhưng thiệt hại là khá lớn.

Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 chưa đạt được mục tiêu mà chúng ta đề ra, nhưng đã giành được thắng lợi vô cùng quan trọng. Mùa khô 1967- 1968 là đỉnh cao của “chiến tranh cục bộ” với hơn nửa triệu quân chủ lực Mỹ cùng với hàng triệu quân của chính quyền Sài Gòn nhưng không đạt được ý đồ “tìm diệt” và “bình định”.

Trong đó, địa bàn Vĩnh Long như một biểu tượng của chiến thắng khi mà Tỉnh ủy vẫn đứng chân được qua bình định của địch và được Khu ủy đánh giá rất cao.

Chiến dịch đã làm cho Mỹ lúng túng và quân ngụy hoang mang, chẳng những chúng không tiêu diệt được quân chủ lực của ta, mà giờ đây còn cảm thấy bất an ngay tại đầu não, sào huyệt, buộc địch phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán.

Một bài học lớn rút ra từ Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, mà theo đồng chí Trịnh Văn Lâu, đó là bài học về tin dân, dựa vào dân.

Nếu xét thuần túy về quân sự, thì công tác chuẩn bị cho một chiến dịch lớn như Mậu Thân 1968 chưa đầy đủ, nhưng chiến dịch vẫn diễn ra với quy mô lớn, dài ngày, trên diện rộng và thắng lợi lớn là vì chúng ta biết dựa vào dân, tin dân.

Đây cũng là bài học cốt tử của Đảng ta, mà Bác Hồ luôn nhắc nhở mọi cán bộ, đảng viên phải luôn ghi nhớ nằm lòng, bài học mãi còn nguyên giá trị trong bất cứ hoàn cảnh lịch sử nào.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- NGUYỄN THỊNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh