Rò rỉ khí amoniac gây ngộ độc như thế nào?

11:10, 17/10/2017

Nhiều người hít phải amoniac nồng độ đậm đặc đã bị ngộ độc, biểu hiện khó thở, buồn nôn, miệng chảy máu...

 

Sự cố rò rỉ khí tại trạm chiết Amoniac (NH3) của Công ty Vĩnh Lộc, xã An Phú Tây (huyện Bình Chánh, TP.HCM) vào ngày 10.10.2017 đã làm nhiều diện tích cây trồng, vật nuôi bị nhiễm độc và thiệt hại hoàn toàn, gây ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân trong khu vực. Ảnh: TTXVN
Sự cố rò rỉ khí tại trạm chiết Amoniac (NH3) của Công ty Vĩnh Lộc, xã An Phú Tây (huyện Bình Chánh, TP.HCM) vào ngày 10.10.2017 đã làm nhiều diện tích cây trồng, vật nuôi bị nhiễm độc và thiệt hại hoàn toàn, gây ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân trong khu vực. Ảnh: TTXVN

Khoảng 9h30 ngày 10/10, khi đang bơm khí gas amoniac từ xe bồn sang trạm chứa của Công ty Vĩnh Lộc, ở 217B/7, ấp 2, xã An Phú Tây,  huyện Bình Chánh, TPHCM, thì ống bơm bị vỡ, khí amoniac màu trắng thoát ra ngoài với lượng lớn, mùi nồng nặc làm nhiều chó, gà, lợn ở quanh hiện trường chết la liệt, cây cối bị héo.

Nhiều người hít phải amoniac nồng độ đậm đặc đã bị ngộ độc, biểu hiện khó thở, buồn nôn, miệng chảy máu...

Khoảng 35 chiến sĩ PCCC, 5 xe chuyên dụng, 1 xe xử lý hoá chất đã có mặt tại hiện trường để xử lý vụ việc. Lực lượng chức năng khẩn trương di tản hàng chục hộ dân xung quanh và khoảng trên 1.000 học sinh trường tiểu học An Phú Tây cách hiện trường khoảng 0,5km.

Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở y tế TP HCM cho biết, ba người phải cấp cứu ở BV huyện Bình Chánh, một người ngất được đưa vào BV Quốc Ánh. Các bệnh nhân đều có biểu hiện cay mắt, khó thở, rát họng, buồn nôn. Sau khi sơ cứu rửa mắt, súc miệng, ba người ở BV Bình Chánh được chuyển về BV Nguyễn Tri Phương. Bệnh nhân vào BV Quốc Ánh lưu lại viện này, hiện sức khỏe đã ổn, không còn khó thở.

Nặng nhất là bệnh nhân Thạch Sanh, 28 tuổi, ở xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, kết mạc mắt xung huyết, họng đỏ, tổn thương phổi, có biểu hiện suy hô hấp phải nằm phòng hồi sức tích cực để thở ôxy. Bệnh nhân Huỳnh Thị Hường, 28 tuổi, quê Bình Định, bỏng niêm mạc miệng, kết mạc mắt xung huyết. Tài xế xe bồn Nguyễn Đình Hòa, 35 tuổi, ở Đồng Nai bị bỏng mắt phải, chuyển sang BV Mắt TP. HCM để điều trị.

Đây không phải lần đầu xảy ra sự cố rò rỉ amoniac. Ngày 25.5.2015, Công ty Amanda, khu công nghiệp Biên Hòa, lắp đặt hệ thống ngưng tụ khí amoniac để phục vụ sản xuất. Trong thời gian lắp đặt, những người thi công đã khóa van cấp nước hạ nhiệt, nên nhiệt độ trong đường ống tăng cao, dẫn đến áp suất tăng, làm van tự động bật mở, amoniac thoát ra ngoài.

Đang lúc gió mạnh, thổi luồng khí độc bay sang Công ty TNHH Asia Garment Manufacturer VN liền kề làm nhiều công nhân ngộ độc khí. Phát hiện sự cố, Công ty Amanda nhanh chóng khóa van thoát khí để ngăn chặn. Tuy khí độc chỉ thoát ra ngoài khoảng 3 phút nhưng đã có 92 công nhân phải vào BV Đồng Nai cấp cứu. Họ cho biết vào ca từ 14h30, làm được 30 phút thì thấy có mùi lạ.

Sau khoảng 15 phút, mùi khó chịu càng nặng hơn không chịu đựng được, nên công ty cho di tản toàn bộ công nhân ra ngoài. Lúc này, đã có một số người ngất xỉu, công ty huy động xe chở những người bị ngất và đang mang thai đến BV Đồng Nai cấp cứu. Khi đang cấp cứu gần 30 công nhân lại có tin hàng chục người nữa bị ngất.

Nguyên do là sau khi đưa số công nhân nói trên đi BV, công ty yêu cầu tiếp tục làm việc và sau ít phút lại có nhiều người bị ngất! Sau đó, cơ quan chức năng đo nồng độ khí amoniac tại bốn điểm trong khu vực nhà máy Asia Garment, thì 3 điểm không có amoniac, một điểm có khí nhưng nồng độ thấp hơn mức cho phép. Điều này dễ hiểu vì amoniac nhẹ hơn không khí nên tự bốc lên cao, mặt khác gió cũng lùa khí bay đi, nên khi đo thì khu vực này coi như đã không còn.

Sáng 26.5, toàn bộ công nhân phải cấp cứu đã xuất viện. Tuy nhiên lại có sự cố kép là, ca tối 26.5 có 51 người và sáng 27.5 (xa thời điểm sau đo) lại thêm 22 công nhân phải đến BV cấp cứu cũng với tình trạng ngất, khó thở, nôn mửa, lạnh cóng chân tay. Họ đều nói ngửi thấy mùi khí gas và khó chịu, nôn mửa.

Bác sĩ Trương Thiết Dũng, Phó Giám đốc BV Đồng Nai cho biết, nồng độ oxy máu các công nhân này bình thường và nhận định do tâm lý sợ hãi nên phát sinh những biểu hiện trên. Các BS chuyên khoa tâm thần cho rằng do tự ám thị nên dẫn đến rối loạn phân ly (Hysteria) tập thể biểu hiện bằng cơn ngất.

Nhập viện tối 26 và sáng 27 hầu hết là nữ, dù không được điều trị chống độc nhưng sau khi nằm nghỉ, các bệnh nhân này đã ổn định và ra về. Đến trưa 27.5, chỉ còn tám người tại viện nhưng tình trạng ổn.

Trên đường vận chuyển amoniac từ Sóc Trăng về KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ vào tối 31.12.2015, tài xế phát hiện bồn chứa khí bị rò rỉ, nên đã đưa vào KCN Bình Minh, địa bàn xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long để xử lý sự cố. Khi xe chạy đến ấp Đông Lợi, xã Đông Bình, khí bay ra rất nhiều, làm nhiều người ở ven đường hít phải, biểu hiện khó thở, choáng váng, nôn ói. Năm người phải vào viện cấp cứu, 27 người đến công an xã Đông Bình khai báo thấy khó chịu trong người, tự mua thuốc uống và trở lại bình thường.

Năm 2013, nổ bình khí amoniac của cơ sở làm nước đá thuộc Hợp tác xã Phúc Tân, ở khu dân cư ngõ 2, phố Cầu Đất, phường Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trong hơn nửa giờ, cả khu vực lớn gần 300 hộ dân quanh xưởng chìm ngập trong màn khí, làm gần 10 trẻ em và một cháu bé 4 tháng tuổi ngất tại chỗ phải cấp cứu; nhiều người hoảng loạn chạy ra hướng sông Hồng…

Do có nhiều ứng dụng nên khí gas amoniac được sử dụng rộng rãi trong kỹ thuật, đời sống vì thế sự cố là không thể tránh khỏi. Thế giới cũng có nhiều sự cố này, khiến nhiều người chết và nhiễm độc.

Amoniac thuộc loại khí nguy hiểm

Amoniac (NH3) là một trong những loại khí độc rất nguy hiểm. Ở nhiệt độ phòng, amoniac là khí không màu, có mùi hăng khai và nhẹ hơn không khí, dễ dàng hòa tan trong nước. Do nhu cầu sử dụng, amoniac thường được hóa lỏng, dạng này khi tiếp xúc với không khí sẽ chuyển thành hơi màu trắng với nồng độ rất cao.

Hơi amoniac lan rộng rất nhanh và thời khoảng từ tỉnh táo tới hôn mê rất ngắn, vừa thấy có biểu hiện cay mắt đã có thể ngay lập tức hôn mê nếu tiếp xúc với nồng độ cao, vì amoniac rất độc đối với tế bào não. Khẩu trang có than hoạt tính cũng chỉ ngăn chặn được amoniac trong thời gian rất ngắn. Chỉ có mặt nạ bảo hộ chuyên dụng mới đảm bảo ngăn chặn được amoniac…

Mức độ nguy hiểm của amoniac phụ thuộc vào đường tiếp xúc, nồng độ và thời gian. Thực chất của nguy hiểm là trên da và trong cơ thể amoniac tác dụng với nước thành amoni hydroxyt (NH4OH), một bazơ mạnh, ăn mòn làm tổn thương mô mềm, mô tổn thương bị thoát nhiều dịch lại làm tăng thêm lượng amoni hydroxyt.

Với nồng độ cao amoniac ngay lập tức gây phỏng da, tổn thương mắt hoặc mù lòa vĩnh viễn; tổn thương mũi, họng, khí quản và nguy hiểm nhất là phù phổi gây tử vong; tổn thương phổi có thể xuất hiện muộn sau 18 - 24h. Mô đường hô hấp trên bị hoại tử, phù nề gây ra phản ứng co thắt cơ trơn làm tắc nghẽn đường thở; vi khuẩn nhân tổn thương gây bệnh đường hô hấp hoặc thay đổi tính chất mô gây ra các bệnh hô hấp mãn tính.

Nuốt phải gây bỏng miệng, họng và dạ dày. Hít phải amoniac nồng độ thấp gây ho, kích ứng mũi, họng. Những người có bệnh mắt và hô hấp trước đó thì hậu quả càng nặng nề hơn. Nồng độ amoniac trong không khí gây ra các biểu hiện ngộ độc tương ứng ở người…

Cụ thể: 20 - 50ppm (phần triệu) đã gây khó chịu. Dưới 5.000ppm mắt đau nhói, sưng đỏ kết mạc (lòng trắng); sưng đỏ môi miệng, đau khi nuốt; ho khàn giọng, phù nề họng; hồi phục tốt, không có biến chứng phổi. Từ 5.000 - 10.000ppm: Sưng mi mắt, rát màng nhầy (bao phủ lòng trắng); khó nuốt; ho có đờm lẫn máu; đau thắt ngực, tim nhanh, thở nhanh; tử vong do co thắt đường thở. Trên 10.000ppm: bồn chồn, căng thẳng; tím tái; khó thở; sốc; tử vong. Những rối loạn này xuất hiện khi hít phải amoniac một vài phút.

Ở Việt Nam, nồng độ amoniac cho phép trong không khí theo TCVN 5938-2005 là 0,2mg/m3 (tương đương 2/10.000.000).

Khi xảy sự cố amoniac cần làm gì?

Do thời gian gây ra biến chứng chết người của amoniac rất ngắn nên phải cực kỳ khẩn trương khi có sự cố:

- Di chuyển ngay nạn nhân khỏi hiện trường; xảy ra bên ngoài phải vào nhà ngay, đóng chặt mọi cửa, tắt điều hòa.

- Xoa bóp tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo nếu ngất.

- Cởi quần áo dính amoniac, cắt áo chui đầu, cho vào túi nilon buộc chặt.

- Rửa ngay amoniac trên da, rửa mắt, kính bằng xà phòng nhiều lần; không dùng chất tẩy.

- Nếu nuốt phải, nới lỏng ngay cà vạt, khăn, cổ áo; súc miệng nước lạnh nhiều lần; uống 1 - 2 chén sữa; không gây nôn; không cho uống các loại dầu, natri bicacbonat, nước giải khát có ga (để trung hòa); nếu nôn phải để đầu thấp, nghiêng phải.

Mọi trường hợp phải đưa ngay đến viện sau sơ cứu.

BS VĂN BÌNH

 

Theo LĐO

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh