Con số 2.500 bản quy hoạch (QH) cho thấy vùng ĐBSCL hiện nay có quá nhiều QH dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu liên kết và đồng bộ.
Quy hoạch ĐBSCL theo hướng tích hợp, phù hợp với đặc thù của vùng và thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: THẢO LY |
Con số 2.500 bản quy hoạch (QH) cho thấy vùng ĐBSCL hiện nay có quá nhiều QH dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu liên kết và đồng bộ.
Hiện có hơn 2.500 QH được lập cho vùng ĐBSCL. Riêng QH cấp vùng hiện có tới 22 bản, bao gồm: 3 QH phát triển kinh tế- xã hội, 5 QH về xây dựng; 7 QH về phát triển nông nghiệp, nông thôn, 7 QH phát triển một số ngành, lĩnh vực chủ yếu (giao thông, điện lực, thương mại, du lịch, thông tin và truyền thông).
Theo Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc lập nhiều QH riêng lẻ, thiếu liên kết, thiếu tầm nhìn; không gắn với khả năng cân đối nguồn lực, thiếu tính khả thi; chất lượng QH kém gây khó khăn trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế- xã hội, cản trở việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân, gây lãng phí cơ hội, lãng phí nguồn lực.
Định hướng QH xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Long, ThS. KTS Nguyễn Quốc Duy- Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Long- cho biết:
Thời gian qua, công tác dự báo và lập các đồ án QH mang tính định hướng, phát triển chưa mang tính khả thi cao, chưa nghiên cứu kỹ tác động, hậu quả về mặt kinh tế- xã hội và môi trường cũng như đề xuất ra phương án để định hướng phát triển bền vững.
Theo đó, để phát triển bền vững, cần xác định công tác QH luôn đi trước trong quá trình xây dựng, đầu tư và thực hiện QH, đảm bảo đầu tư theo QH. QH có sự tham gia rộng rãi của công chúng và các bên liên quan, hợp nhất các ngành…
GS, TS Võ Tòng Xuân nêu thực trạng: Nhược điểm của chúng ta là QH từng ngành riêng lẻ, không tích hợp đồng bộ, ngành nào cũng QH và cho rằng QH của mình là quan trọng nhất. Rất tốn kém, nhưng cuối cùng vẫn khó, không thực hiện được. Theo đó, để khắc phục những yếu kém đã qua, nên áp dụng phương pháp QH tích hợp. Theo đó, cần có một chỉ huy tài giỏi điều khiển cho hài hòa...
Là một trong những tỉnh “vùng trên” của ĐBSCL, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh nhận định: Cần phải có cách tiếp cận tổng thể để QH lại cho toàn vùng, trong đó QH phát triển hệ thống thủy lợi và giao thông là trọng tâm gắn với cơ cấu lại các ngành nông nghiệp và các hợp phần kinh tế khác.
QH lại hệ thống đô thị và dân cư gắn với cơ cấu kinh tế từng tiểu vùng và giải quyết vấn đề lao động, di cư.
Cho rằng cần tích hợp “yếu tố địa phương” trong QH, TS. Dương Văn Ni nhấn mạnh: ĐBSCL đã tồn tại gần 6.000 năm nay và đã có biết bao nhiêu sự cực đoan đã từng xảy ra trong lịch sử. Chẳng hạn, có những đợt hạn kéo dài 30 năm.
Nhờ các cộng đồng đi trước thích nghi với những cái cực đoan trong quá khứ nên đồng bằng tồn tại đến ngày hôm nay. Thực ra, chuyện QH vùng trong người dân hình thành lâu lắm rồi.
Ví dụ, người ta có tập quán chọn cây này trồng ở đây hay chọn con kia nuôi chỗ nọ thì cái đó nó đã được thử thách qua hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm, nó mới còn lưu truyền lại văn hóa đó. Những cái đó nên được trân trọng, được phân tích một cách cẩn trọng và nên được tích hợp vào trong QH.
Cần tích hợp yếu tố “văn hóa địa phương” trong quy hoạch. Trong ảnh: Chợ hoa xuân Vĩnh Long.Ảnh: TUYẾT HIỀN |
Về QH phân vùng, tiểu vùng sản xuất vùng ĐBSCL và các tỉnh ven biển, ông Nguyễn Tiến Hải- Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, thống nhất với kết quả nghiên cứu và đề xuất của các nhà khoa học về việc phân chia ĐBSCL thành 3 vùng: vùng trên, vùng giữa và vùng ven biển. Tuy nhiên, nên có QH cụ thể các tiểu vùng trong từng vùng.
Theo Bộ Kế hoạch- Đầu tư, định hướng xây dựng QH tổng thể phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tích hợp và phù hợp với đặc thù của vùng và thích ứng biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL, đòi hỏi phải xử lý các vấn đề một cách tổng thể dựa trên bản QH vùng theo hướng tích hợp, đa ngành, liên vùng.
Việc lập QH phải đi trước một bước và làm tiền đề cho việc xác định các ưu tiên phát triển, cũng như các chương trình, dự án cụ thể… Bộ Kế hoạch- Đầu tư đang trong quá trình xây dựng QH và dự kiến trình thẩm định, phê duyệt trong quý I/2019.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin