Tại hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) đã có hàng trăm ý kiến tâm huyết, "nhìn thẳng sự thật" những thách thức mà khu vực này đang và sẽ đối mặt.
Tại hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) đã có hàng trăm ý kiến tâm huyết, “nhìn thẳng sự thật” những thách thức mà khu vực này đang và sẽ đối mặt.
Để tạo sự đột phá, thích ứng những điều kiện tự nhiên thay đổi, đưa ĐBSCL trở thành khu vực trù phú, giàu mạnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ĐBSCL cần phải giữ được đất, giữ được nước và giữ được người.
ĐBSCL đã có nhiều mô hình hay thích ứng với điều kiện BĐKH. Trong ảnh: Nuôi tôm sinh thái công nghệ cao ở Bạc Liêu.Ảnh: TL |
Biến thách thức thành cơ hội
Tuy nhận định “ĐBSCL là vùng đất độc đáo”- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Trần Hồng Hà lại cho rằng có “nhiều thuận lợi, lắm khó khăn” đan xen. Là vùng đất đầy tiềm năng, nhưng là “một châu thổ trẻ, rất mẫn cảm với mọi tác động lên nó”, dễ bị tổn thương trước BĐKH.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, BĐKH cũng là cơ hội “thúc đẩy thay đổi tư duy nhận thức, chuyển đổi mô hình phát triển mới dựa trên khai thác cạn kiệt tài nguyên sang mô hình thân thiện tự nhiên, bền vững, chống chịu cao; thúc đẩy hợp tác, tranh thủ hỗ trợ nguồn lực tài chính, chuyển giao công nghệ”.
Mặt khác, “cơ hội phát triển các dịch vụ từ hệ sinh thái mặn lợ trong bối cảnh giảm tài nguyên nước ngọt, hệ sinh thái nước ngọt; thúc đẩy phát triển đa dạng sinh học ven biển, mặn lợ, rừng ngập mặn…”
GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng phải “sống chung với mặn” như đã từng “sống chung với lũ” để thích ứng BĐKH hơn là đối phó chống lại thiên nhiên.
Dẫn chứng điều này, ông cho biết hiện nay nông dân Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), Thạnh Phú (Bến Tre) hay Giá Rai (Bạc Liêu) không lo xâm nhập mặn mà còn đang chờ nước mặn về để thả nuôi tôm.
Ngay khi vụ thu hoạch tôm vừa kết thúc cũng là lúc mưa xuống thì người dân đưa mặn ra ngoài, giữ nước để trồng lúa.
TS Dương Văn Ni (ĐH Cần Thơ), đưa ra góc nhìn thích nghi trên nền tảng văn hóa hàng ngàn năm đúc kết của người dân đồng bằng.
Theo ông, ĐBSCL tồn tại đến ngày hôm nay là sự thích nghi của cả một cộng đồng dân cư đã đến đây đầu tiên.
Ví dụ, người ta có tập quán chọn cây này trồng ở đây hay chọn con kia nuôi chỗ nọ thì cái đó nó đã được thử thách qua hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm, nó mới còn lưu truyền lại văn hóa đó. Và do vậy, thích nghi hài hòa với thiên nhiên cũng đã là “bản năng” của người dân miền sông nước.
Cơ hội để cơ cấu lại sản xuất GS. TS Võ Tòng Xuân cho rằng, các địa phương nên xem đây là cơ hội để cơ cấu lại sản xuất chứ không nên ngồi đó mà than bị xâm nhập mặn hoặc đầu tư hàng tỷ đồng vào các công trình ngăn mặn rất lãng phí. Chỉ trồng lúa thì nông dân có giàu lên được đâu, nếu như nông dân ở các vùng này cứ tiếp tục trồng lúa là phí ngân sách, tài nguyên nước. Thay vào đó đầu tư nuôi trồng các loại cây con khác có lợi hơn và còn mở lối cho nông dân kiếm được nhiều tiền hơn. |
Trong khi đó, rất nhiều ý kiến lãnh đạo các địa phương đề xuất cần có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp điều kiện phát triển kinh tế- xã hội đồng bằng.
Bởi như ý kiến thẳng thắn của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, không ít chính sách được ban hành không gắn với thực tiễn nên rất khó áp dụng vào cuộc sống.
Còn theo Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể, Bộ Nông nghiệp- PTNT quá chậm trong thích ứng với BĐKH, trong khi, bằng thực tiễn sản xuất của mình, nông dân đã chọn được hướng đi để thích ứng với nó.
“Hiện nay, ứng xử của địa phương đều là “tự bơi” theo cảm tính, giống như “đánh du kích” thành ra hiệu quả không cao.
Các chính sách để thích ứng với BĐKH, đặc biệt là chính sách chỉ đạo sản xuất hay chuyển đổi mô hình sản xuất… quá chậm.
Hệ thống cung cấp nước sạch cho người nuôi tôm, Chính phủ, bộ, nhà đầu tư cũng thấy nhưng giờ vẫn không có, thế thì làm sao phát triển đột phá được?
Con tôm hiện nay, phát triển không bền vững vì hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh”- Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể nói.
Chính vì thế, bên cạnh sự chủ động, tự thích ứng của người dân, vấn đề cấp bách hiện nay là cần có chính sách phù hợp, kịp thời trong điều kiện BĐKH.
Phải giữ đất, giữ nước, giữ người
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Sau 30 năm đổi mới, ĐBSCL đạt nhiều thành tích lớn lao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước, nhất là cho an ninh lương thực, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.
Tuy nhiên, trước những thách thức ĐBSCL đang đối mặt để phát triển bền vững thích ứng với BĐKH, Thủ tướng đặc biệt lưu ý: “Đồng bằng cần phải giữ được đất, giữ được nước và giữ được người, lấy con người làm trung tâm phát triển”.
Theo đó, phải xây dựng ĐBSCL từ vùng trũng của giáo dục và khoa học công nghệ thành thung lũng của sự sáng tạo...
Phấn đấu đến năm 2050: ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến, GDP bình quân đầu người đạt gần 10.000 USD/năm; tỷ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80%; độ che phủ rừng đạt trên 5%, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo tồn.
Theo Thủ tướng, việc thực hiện các chuyển đổi lớn, chiến lược tại ĐBSCL phải coi việc đảm bảo sinh kế cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm.
Chuyển đổi mô hình phát triển không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, đa dạng sinh học và môi trường sinh thái. Bên cạnh, xác định BĐKH và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi.
“Chúng ta coi nước lợ và nước mặn là một nguồn lực của tài nguyên, bên cạnh nguồn tài nguyên nước ngọt; tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm và bền vững nguồn tài nguyên nước, đất đai và các tài nguyên khác trong vùng;
chú trọng phát triển vùng duyên hải, vùng đặc quyền kinh tế và vị trí địa chính trị của đồng bằng. Áp dụng kinh nghiệm và công nghệ mới để khắc phục “nhân tai” và đối phó với thiên tai”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt quan tâm việc chuyển đổi mô hình phát triển phải kế thừa các thành tựu, giá trị nhân văn và tri thức bản địa; phù hợp với các quy luật tự nhiên, chú trọng ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, nhất là các lợi thế của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đồng thời, tạo lập liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng và giữa vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh, với trong nước và thế giới.
Không hoảng hốt mà cần tìm lối đi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nếu không có giải pháp, chúng ta sẽ phải trả giá đắt với thiên nhiên đó là sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún, nước biển dâng,... “Chúng ta không hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, cách làm tốt nhất, phù hợp nhất trong đó có đổi mới tư duy của hệ thống chính trị và người dân nhằm mang lại cuộc sống tốt hơn cho cuộc sống gần 20 triệu người dân cùng vượt qua thách thức để có một tương lai xán lạn. ĐBSCL sẽ là khu vực giàu có của Tổ quốc Việt Nam gần 100 triệu dân. Tôi lạc quan về ĐBSCL của chúng ta”- Thủ tướng bày tỏ sự tin tưởng. Chính phủ, Thủ tướng cam kết với quyết tâm chính trị cao, kiến tạo cơ chế thuận lợi, huy động sự tham gia của mọi người dân, của doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế, huy động nguồn lực cần thiết có thể được, cụ thể hóa các hành động thực hiện, các sáng kiến, các nhiệm vụ, các giải pháp từ hội nghị này cho quá trình phát triển bền vững cho ĐBSCL với tầm nhìn hết thế kỷ này, biến thách thức thành thời cơ. Về đầu tư các công trình ứng phó BĐKH, Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu Quỹ Đầu tư phát triển ĐBSCL, phấn đấu từ nay đến 2020, giải ngân 1 tỷ USD để làm một số công trình quan trọng như: hệ thống cống sông Cái Lớn- Cái Bé để ngăn mặn; cống Trà Sư, Tha La; xử lý một số đoạn sạt lở nghiêm trọng;... Chính phủ sẽ có nghị quyết về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH. Đồng thời, ít nhất 2 năm một lần Chính phủ sẽ mở diễn đàn ĐBSCL có quy mô lớn để bàn và thảo luận, đề ra các giải pháp cụ thể để phát triển ĐBSCL. |
NHÓM PV KINH TẾ
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin