Nguy cơ sạt lở từ con nước triều cường

05:10, 17/10/2017

Triều cường rằm tháng 8 âl mực nước cao nhất tại các nơi trong tỉnh đạt đỉnh triều ở mức cao và cao hơn báo động III từ 0,14- 0,38m.

 

Điểm sạt lở bờ sông Tiền tại ấp An Hòa đang được gia cố bằng cơ giới.
Điểm sạt lở bờ sông Tiền tại ấp An Hòa đang được gia cố bằng cơ giới.

Triều cường rằm tháng 8 âl mực nước cao nhất tại các nơi trong tỉnh đạt đỉnh triều ở mức cao và cao hơn báo động III từ 0,14- 0,38m.

Tại Ba Càng, Phú Đức, mực nước đã vượt mực nước lịch sử từ 0,04- 0,06m. Mặc dù theo dự báo kỳ triều đầu tháng 9 âl sắp tới mực nước thấp hơn đỉnh kỳ triều rằm tháng 8 âl nhưng vẫn đạt mức xấp xỉ và cao hơn báo động III từ 0,05- 0,2m. Và nỗi lo sạt lở, nước tràn cũng lớn dần theo con nước triều cường.

Sáng ngày 16/10/2017, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) tỉnh, Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Long Hồ, lãnh đạo UBND xã An Bình đã đến kiểm tra đôn đốc công tác gia cố những điểm sạt lở bờ sông Tiền trên địa bàn xã. Bởi tại xã An Bình, qua 2 đợt triều gần đây đã xảy ra ít nhất 3 điểm sạt lở lớn tại bờ sông Tiền thuộc các ấp An Thuận, An Long và An Hòa.

Gần đây nhất, điểm sạt lở tại ấp An Hòa xảy ra vào trưa 14/10, khiến khoảng 50m bờ sông Tiền sạt lở nghiêm trọng, xâm thực vào bên trong gần 10m. Hiện phương tiện cơ giới đang khẩn trương gia cố tại điểm sạt lở này.

Có mặt tại điểm sạt lở sáng qua, ông Lưu Nhuận- Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh, cho biết: Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh đã phối hợp cùng địa phương điều động phương tiện cơ giới để gia cố kịp thời nhằm hạn chế thiệt hại.

Hiện, đang vận động người dân hiến đất giao mặt bằng để gia cố tuyến đê mới nằm sâu vào phần đất bên trong để đảm bảo an toàn, tránh sạt lở thêm. Song song đó, là đôn đốc đơn vị thi công gia cố khẩn trương để ứng phó đợt triều cường sắp tới.

Trước đó, bờ sông Tiền cũng đã 2 lần bị sạt lở tại các ấp An Thuận và An Long, đến nay các điểm sạt lở trên đã được gia cố đắp bờ bao. Riêng mặt đập bị sạt lở tại các ấp An Thuận thì người dân đã lắp đặt cống bằng ống nhựa nhưng chưa đảm bảo ngăn nước.

Qua khảo sát tại điểm gia cố sạt lở này, ông Nguyễn Văn Phước- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Long Hồ- cho biết sẽ điều động phương tiện cơ giới để tiếp tục gia cố, lắp đặt cống bê tông để đảm bảo ngăn nước, bảo vệ vườn và ao nuôi cá của các hộ dân.

Báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh cho thấy, đợt triều cường rằm tháng 8 âl đã gây ảnh hưởng tại một số địa phương trong tỉnh, ước thiệt hại trên 396 triệu đồng.

Trong đó, đáng kể nhất là 8,2ha vườn cây ăn trái ở xã An Bình (Long Hồ) bị ngập, thiệt hại từ 30- 50% cùng một số ruộng lúa Thu Đông chưa thu hoạch bị ảnh hưởng triều cường. Diện tích ao hồ nuôi thủy sản thiệt hại trên 70% là 1,2 ha, ước thiệt hại 113,3 triệu đồng.

Triều cường đã đe dọa trực tiếp các công trình thủy lợi. Thống kê cho thấy có 35 tuyến bờ bao dài 32.197m và 15 đập bị tràn nước; 18 tuyến bờ bao (dài 3.483,5m) bị sạt lở và 1 đập bị bể, ước thiệt hại 283 triệu đồng.

Ngoài ra, triều cường vừa qua cũng gây ngập 344 căn nhà, 2.000m đường quốc lộ và 7.500m đường xã. Riêng Nội ô TP Vĩnh Long cũng đã bị ngập với độ sâu từ 10- 20cm và TX Bình Minh ngập từ 20- 30cm. Tuy nhiên thời gian rút nước khá nhanh, các cơ quan, công sở và nhân dân đã có chuẩn bị trước nên không bị thiệt hại.

Để chủ động kịp thời xử lý các tình huống do thiên tai, đặc biệt là ứng phó triều cường, sạt lở, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Trần Hoàng Tựu đã ký công văn chỉ đạo việc tiếp tục chủ động phòng, chống thiên tai trong mùa mưa, bão lũ 2017.

Theo đó, các địa phương thực hiện phương châm “4 tại chỗ” và chủ động phòng, tránh, khắc phục kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra. Tổ chức kiểm tra, rà soát thống kê các điểm xung yếu trên địa bàn, ưu tiên gia cố các điểm có nguy cơ sạt lở khẩn cấp.

Kiểm tra, rà soát các hộ dân đang sinh sống trong các vùng trũng thấp, ngoài đê bao, bờ bao để có phương án chủ động phòng, tránh nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ tính mạng trẻ em trong vùng lũ. Chủ động phương án bơm nước tiêu úng để bảo vệ lúa Thu Đông, hoa màu, cây ăn trái; chỉ đạo khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu, thủy sản đã đến kỳ thu hoạch.

Kiểm tra, rà soát các khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, địa phương thông báo thường xuyên các vị trí bờ sông, kinh, rạch có nguy cơ sạt lở để nhân dân biết, tổ chức vận động di dời và hỗ trợ nhân dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi tạm cư an toàn…

 

Thống kê của Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh, tổng thiệt hại do thiên tai giông, lốc xoáy, mưa lớn, sạt lở bờ sông gây ra từ đầu năm đến nay là 18,4 tỷ đồng. Tổng kinh phí hỗ trợ khắc phục gần 7 tỷ đồng. Trong đó, giông, lốc xoáy và mưa lớn đã làm hư hỏng 232 căn nhà cùng nhiều diện tích lúa, hoa màu bị hư hại. 

 

Đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 65 điểm sạt lở trong nội đồng và sông chính, làm mất trên 4.811m bờ sông, kinh, rạch và các công trình đê bao, đường giao thông nông thôn, ảnh hưởng 691 hộ dân.

  • Bài, ảnh: LÊ SƠN
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh