Đồng bằng sông Cửu Long: Nỗi lo dịch bệnh bùng phát

01:10, 11/10/2017

Tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) và bệnh tay chân miệng (TCM) liên tục tăng nhanh và có nguy cơ bùng phát thành dịch… 

 

 

Người dân vệ sinh lu, khạp để phòng bệnh sốt xuất huyết.
Người dân vệ sinh lu, khạp để phòng bệnh sốt xuất huyết.

Tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) và bệnh tay chân miệng (TCM) liên tục tăng nhanh và có nguy cơ bùng phát thành dịch… 

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.Cần Thơ, thời gian gần đây, bệnh TCM ở trẻ em tăng mạnh. 9 tháng đầu năm 2017, tỉ lệ trẻ mắc bệnh này tăng 13,5% so cùng kỳ năm 2016. Tại 9/9 quận, huyện, Ô Môn là địa phương có tỉ lệ trẻ mắc tăng cao nhất (tăng 78,7% so cùng kỳ); tiếp theo là huyện Phong Điền (tăng 38,2%), huyện Thới Lai (tăng 34,9%), quận Ninh Kiều (tăng 14,4%)...

Tính số ca mắc, nhiều nhất là quận Ninh Kiều (158 ca); tiếp theo là huyện Phong Điền (94 ca), huyện Thới Lai (85 ca), quận Ô Môn (84 ca). Tại Khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ), trung bình mỗi ngày tiếp nhận gần 100 ca mắc bệnh TCM nhập viện điều trị, phần lớn là trẻ em 2 - 3 tuổi đến từ TP.Cần Thơ và các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang... 

Cũng tại TP.Cần Thơ, 9 tháng đầu năm 2017, tỉ lệ mắc SXH tăng 66% so cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 9 vừa qua, tỉ lệ mắc tăng 101% so cùng kỳ và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trên địa bàn 9 quận, huyện, quận Thốt Nốt có tỉ lệ trẻ mắc SXH tăng cao nhất (146,8%); kế đến là huyện Phong Điền (tăng 134,6%), quận Ô Môn (tăng 106%), quận Ninh Kiều (tăng 76,3%)...

Tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, tính đến tháng 9 đã tiếp nhận 2.500 ca SXH điều trị ngoại trú, gần 1.500 ca điều trị nội trú (bệnh nhân ở TP.Cần Thơ và một số tỉnh lân cận). 

Còn tại Đồng Tháp, ngành y tế tỉnh này cho biết, tính đến đầu tháng 9 đã ghi nhận hơn 2.500 trường hợp mắc bệnh SXH; trong đó có 3 ca tử vong. Dịch xuất hiện tại 12/12 đơn vị cấp huyện.

Riêng huyện Thanh Bình, từ đầu năm đến nay ghi nhận trên 300 trường hợp mắc SXH, 125 ổ dịch (tăng trên 93% so cùng kỳ năm 2016). Giám sát thực tế tại khu dân cư ấp Bình Thuận (xã Bình Thành) cho thấy chỉ số muỗi và lăng quăng tại khu vực này rất cao (chỉ số muỗi cao gấp 5 lần mức cảnh báo). 

Ngành chức năng các địa phương đang khẩn trương tiến hành các biện pháp phòng tránh: Phun hoá chất diệt muỗi trên diện rộng kết hợp với chiến dịch diệt lăng quăng tại các địa bàn trọng điểm có nguy cơ cao bùng phát dịch SXH; thành lập tổ chuyên gia điều trị sốt xuất huyết; duy trì hoạt động đường dây nóng để tiếp nhận thông tin các ca bệnh… 

Đặc biệt, hiện đang là thời gian bắt đầu năm học mới nên bệnh TCM có nguy cơ lây lan bệnh khá cao trong trường học (các cơ sở giáo dục mầm non, nhà trẻ gia đình có nguy cơ lây bệnh cao nhất)...  

Theo LĐO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh