Nhà ở dân cư là một trong các tiêu chí nội lực và cũng là tiêu chí khó đối với nhiều địa phương. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã có những biện pháp, cách làm hay để giúp người dân được "an cư" trong những ngôi nhà đạt chuẩn "3 cứng", góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Nhà ở dân cư là một trong các tiêu chí nội lực và cũng là tiêu chí khó đối với nhiều địa phương. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã có những biện pháp, cách làm hay để giúp người dân được “an cư” trong những ngôi nhà đạt chuẩn “3 cứng”, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Nhiều địa phương đang dồn sức cho tiêu chí nhà ở dân cư để kịp về đích nông thôn mới. |
Giúp dân “an cư”
Nhận thấy vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), đặc biệt là đối với các xã đăng ký về đích nông thôn mới (NTM) trong năm nay.
Ngay từ đầu năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thiện Mỹ (Trà Ôn) đã bắt tay thực hiện các giải pháp xóa nghèo, tạo việc làm…
Trong đó, nhà ở dân cư là tiêu chí mà Thiện Mỹ đặc biệt quan tâm, bởi xã còn 170 căn nhà tạm, chủ yếu là hộ nghèo.
Do đó, Thiện Mỹ đã vận động, tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ, đặc biệt là khuyến khích người dân vay vốn Ngân hàng CSXH để sửa và cất nhà.
Ông Lý Minh Chiến- Phó Chủ tịch UBND xã Thiện Mỹ- cho biết: “Từ nguồn hỗ trợ vay xây nhà của Ngân hàng CSXH cho hộ nghèo, đã cất được 38 căn.
Ngoài ra, xã còn vận động các điểm chùa hỗ trợ xây được 52 căn. Hiện, xã tiếp tục vận động xóa các căn nhà tạm còn lại để kịp về đích trong năm nay”.
Trước đây, hộ nghèo có nhu cầu vay vốn xây nhà chỉ được vay tối đa 8 triệu đồng, thì nay đã nâng mức vay tối đa lên 25 triệu đồng và thời hạn vay cũng được kéo dài từ 10 năm lên 15 năm.
Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân yên tâm vay vốn, có điều kiện “an cư”.
Năm rồi, nhờ Hội Phụ nữ xã vận động vay 25 triệu đồng cùng số tiền hỗ trợ đối ứng của xã và người thân đóng góp mà gia đình chị Ngô Thị Kim Huyên (ấp Tích Khánh) không còn ở trong căn nhà xập xệ, dột nát nữa, mà thay vào đó là căn nhà đạt chuẩn “3 cứng”.
Chị tâm sự: “Trước đây, tui không dám nghĩ mình có được căn nhà lành lặn để ở, nhưng giờ thì… tui rất vui vì không sợ mưa gió nữa”.
Được “an cư”, tranh thủ lúc rảnh, chị Huyên đan lục bình kiếm thêm thu nhập, nhờ vậy cuộc sống ổn định hơn.
Bà Lâm Thị Ngọc Dung- Chủ tịch Hội LHPN xã Thiện Mỹ- cho biết, tùy từng đối tượng, hoàn cảnh, nhu cầu khác nhau mà hội sẽ xét cho vay để phát huy tối đa hiệu quả đồng vốn vay.
Nhìn chung, nguồn vốn giúp đỡ kịp thời cho nhiều hộ cải thiện kinh tế vươn lên thoát nghèo và xây nhà kiên cố, góp phần tích cực cùng các địa phương thực hiện các tiêu chí NTM.
Xây nhà ở cho hộ Khmer
Bà Sa Phi (trái) vui mừng trước căn nhà sắp hoàn thiện. |
Là 1 trong 7 xã điểm NTM, xã Đông Bình (TX Bình Minh) đang tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành 3 tiêu chí còn lại.
Trong đó, tiêu chí trường học và cơ sở vật chất văn hóa được trên đầu tư và đang gấp rút thi công để hoàn thành vào cuối năm nay. Riêng tiêu chí về nhà ở dân cư được xem là tiêu chí khó đạt nhất trên con đường về đích của xã, nhất là giải quyết nhà ở cho hộ Khmer nghèo.
Đồng chí Nguyễn Văn Mễ- Bí thư Đảng ủy xã, Trưởng BCĐ xây dựng NTM xã- cho biết, hiện xã không còn nhà tạm, dột nát, tuy nhiên vẫn còn nhà tạm cần được cải tạo, sửa chữa cho đảm bảo “3 cứng”.
Nhờ tập trung vận động các cơ quan đơn vị, các Mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh đóng góp 3,5 tỷ đồng, xã đã cất mới và sửa chữa 203 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, nhất là hộ dân tộc có mức sống thấp.
Là gia đình thuộc diện hộ Khmer nghèo của xã, từ nhiều năm nay, vợ chồng ông Sơn Nung và bà Thạch Thi (ấp Phù Ly 1) phải sống trong ngôi nhà lá lụp xụp, mưa dột gió lùa, nhưng lại không có khả năng để xây mới.
Từ khi được Đài THVL hỗ trợ xây căn nhà kiên cố trị giá 40 triệu đồng đã giúp cho gia đình ông bà có nơi ở ổn định, không còn nơm nớp lo sợ mỗi khi mưa bão.
Từ đó yên tâm lao động sản xuất, chí thú làm ăn, từng bước vươn lên thoát nghèo. “Có nhà lành lặn để ở, vợ chồng tui mừng dữ lắm, không còn sợ dột nữa.
Trước đây, tui không dám nghĩ mình có được căn nhà như thế này đâu. Giờ tui lãnh khuôn lát về đan thêm để kiếm thêm thu nhập”- bà Thạch Thi nói.
Bên căn nhà đang dần hoàn thiện, bà Thạch Thị Sa Phi (ấp Phù Ly 1) đứng nhìn mà xuýt xoa: “Mừng dữ lắm mừng luôn, sắp có nhà mới ở, hổng sợ mưa gió gì hết rồi.
Giờ tui bán rau cải ở chợ, còn ổng lên liếp trồng thêm cải, rau muống để có thêm thu nhập. Tui còn được Nhà nước hỗ trợ con bò giống nữa. Đủ đầy rồi, phải cố gắng mần để hết nghèo”.
Bằng nhiều hình thức, BCĐ xây dựng NTM các xã đã và đang xây dựng kế hoạch xóa nhà tạm đối với những hộ có điều kiện, đồng thời tìm nguồn hỗ trợ hộ nghèo, hộ khó khăn xây mới nhà ở.
Tin rằng, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng xã hội cùng sự đồng lòng của người dân, diện mạo nông thôn của tỉnh nhà đang dần “thay da đổi thịt”, bởi những ngôi nhà khang trang, kiên cố dần được mọc lên, góp phần cùng các địa thực hiện đạt tiêu chí nội lực về nhà ở dân cư theo lộ trình đề ra.
Hiện, toàn tỉnh có 48 xã được công nhận đạt tiêu chí nhà ở và 11 xã đăng ký thực hiện trong năm nay. Đến nay hầu hết các xã đều có trên 70% nhà ở đạt chuẩn Bộ Xây dựng, tuy nhiên nhà tạm vẫn còn. Để xây NTM đạt tiêu chí về nhà ở, xã phải không còn nhà tạm, dột nát và tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn heo quy định. |
Bài, ảnh: XUÂN QUYÊN
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin