Câu chuyện muốn tìm một chân vào biên chế của các bạn trẻ được nhiều người quan tâm trên báo chí tuần qua, đã nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau. Dĩ nhiên, 9 người thì có khi đến… 11 ý kiến.
Câu chuyện muốn tìm một chân vào biên chế của các bạn trẻ được nhiều người quan tâm trên báo chí tuần qua, đã nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau. Dĩ nhiên, 9 người thì có khi đến… 11 ý kiến.
Tại sao tốt nghiệp ĐH thì cứ phải xin vào cơ quan nhà nước? Tại sao phải đợi chờ? Mà lương cơ bản của một nhân viên mới tốt nghiệp phải gói ghém mới đủ chi tiêu?
Trong khi, nhiều sinh viên ra trường chấp nhận đi làm trái ngành và họ cũng có thu nhập tốt lại thêm hiểu biết. Như, có người tốt nghiệp sư phạm lại làm nhân viên kinh doanh và công việc buộc họ thay đổi song họ vẫn thích ứng được.
Trong số những người tham gia xuất khẩu lao động dạng phổ thông, không ít người đã có bằng ĐH. Vậy thì có phí công sức 4 năm học không? Một bạn trẻ vừa bay sang Nhật trả lời là “không”. Bởi “nhờ môi trường ĐH rèn luyện, học hỏi mà khi phỏng vấn tôi tự tin hơn và được doanh nghiệp lựa chọn ngay”.
Mặt khác, nếu cử nhân ở nhà nuôi gà, nuôi heo mà giúp ích được kinh tế gia đình và có niềm vui trong công việc thì cũng chẳng sao! Có không ít kỹ sư, cử nhân đã từng vào biên chế cơ quan lại xin nghỉ, về nhà làm nông rất thành công đó thôi. Khởi nghiệp cũng là một hướng đi tốt, khi tự mình chủ động kinh doanh, sản xuất bằng những kiến thức mình học được.
Lại cũng có ý kiến cho rằng “vào biên chế là thiếu năng động” bởi không còn lo sợ thất nghiệp. Tuy nhiên, không nên “vơ đũa cả nắm”, vì công việc nào cũng có những đòi hỏi riêng và những người không thích ứng, không đáp ứng được công việc sẽ bị đào thải. Cũng không đơn giản làm cơ quan nhà nước là vào biên chế… cả đời.
Bởi, Nhà nước đang siết chặt biên chế, tinh giản biên chế… những người được vào biên chế cũng phải qua giai đoạn thi đua không kém đường đua vào các ĐH “tốp trên”. Nếu mình làm không tốt thì cũng “mời ra khỏi biên chế” như thường.
Thiết nghĩ, mỗi người có cách sống, làm việc riêng của mình, miễn sao cử nhân ra trường không trở thành gánh nặng cho xã hội; có thu nhập để nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình thì con đường dẫn đến tương lai sẽ sáng sửa hơn.
CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin