Ngày càng nhiều người mở ra mua bán nên tính cạnh tranh giữa các điểm bán với nhau ngày càng gay gắt.
Ngày càng nhiều người mở ra mua bán nên tính cạnh tranh giữa các điểm bán với nhau ngày càng gay gắt.
Để thu hút khách, hiện nhiều điểm bán tăng cường khâu chăm sóc: mua hàng tặng quà, lưu lại thông tin để tích lũy điểm hưởng chiết khấu, giảm giá… Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm bán bị trừ điểm uổng phí, vì bất cần hoặc thiếu khéo léo.
Chị Thanh Châu (Long Hồ) giật mình khi mua thùng sữa tươi Vinamilk ở một cửa hàng khá lớn với giá 321.000 đ/thùng (48 bịch 220ml), tính ra tới 6.700 đ/bịch.
Trong khi thường ngày, chị mua ở tạp hóa chỉ chừng 268.000 đ/thùng (5.583 đ/bịch), mua lẻ chỉ 6.000 đ/bịch. Chị Châu bất bình: “Cửa hàng lớn lại “bán sỉ giá lẻ” như vậy, lỡ một lần chớ ai mà mua nữa?”
Trong khi đó, chị Tuyết Nhung (Bình Tân) bức xúc khi nhiều lần mua hàng ở tiệm tạp hóa với giá “không trung thực”.
Đó là các sản phẩm (như ngũ cốc, dầu gội, sữa tươi…) nhà sản xuất đã ghi hẳn lên bao bì tặng kèm áo mưa, ly thủy tinh, chén sứ hay mua 10 bịch tặng 2 bịch… nhưng khi tính tiền thì giá bị đội lên so ngày thường; có nơi chẳng tặng quà, người bán giải thích rằng “ghi vậy thôi chớ… hông có tặng?”
Chị Nhung cho rằng, nếu đã nói tặng thì phải tặng và hẳn nhiên không được tính thêm tiền. Còn không, đó chỉ là một kiểu đánh lừa, qua mặt khách hàng của nhà sản xuất hoặc là kiểu bán hàng “móc túi” của chủ tiệm tạp hóa…
“Không biết rõ lỗi do ai nhưng nhà cung cấp, nhà phân phối cần kiểm soát lại giá cả, tính minh bạch của các chương trình khuyến mãi này, tránh gây mất lòng tin của khách”- chị Nhung nói.
Còn những điểm trừ khác dành cho những nơi chuyên chặt chém theo kiểu “móc túi được lần nào thì hay lần ấy”, đáng nói là giá trên cao nhưng chất lượng thì… dưới đất. Bên cạnh, còn những điểm trừ dành cho điểm bán “nóng nảy”- mắng mỏ khách chỉ vì chuyện nhỏ như: sao dời ghế tùm lum, xài khăn (giấy) chi nhiều quá vậy?
Thời buổi cạnh tranh, người bán cá bán bao nhiêu ký phải làm hết bấy nhiêu- thật sạch; cô bán rau phải lặt sẵn rau, gọt luôn củ quả.
Anh bán thức ăn phải bưng thức ăn kheo khéo ở ngoài vành- tránh chạm ngón tay vào thức ăn… thì sự cạnh tranh không chỉ nằm ở chất lượng, giá cả, mà còn nằm ở khâu “nhỏ mà không nhỏ” như tính minh bạch của món hàng, thái độ phục vụ của nhân viên, ánh nhìn hay câu chữ của ông bảo vệ…
Thiết nghĩ, khi chưa đủ cho mình một đẳng cấp “không cần tìm khách, chỉ đợi khách tìm” thì rất cần niềm nở, ân cần, tận tâm, khéo léo... Có vậy, mới mong bán buôn ngày càng tiến triển.
NAM ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin