Đồng hành xây nông thôn mới từ nguồn vốn vay hỗ trợ

02:09, 27/09/2017

Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh tỉnh Vĩnh Long đã đồng hành cùng chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) thông qua các hoạt động hỗ trợ thiết thực.

Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh tỉnh Vĩnh Long đã đồng hành cùng chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) thông qua các hoạt động hỗ trợ thiết thực.

Các khoản vay ưu đãi đã kịp thời giúp người dân cải thiện đời sống, góp phần xây NTM về tiêu chí thu nhập, nhà ở, hộ nghèo...

Thông qua nguồn vốn ưu đãi, ông Giúp đã có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Thông qua nguồn vốn ưu đãi, ông Giúp đã có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Thêm thu nhập từ nguồn vốn ưu đãi

Thấy nhiều bà con trong ấp khấm khá nhờ nuôi bò sinh sản, anh Trần Hoàng Nam (ấp Long Phước, xã Long Mỹ- Mang Thít) cũng muốn nuôi nhưng “bò mắc quá, không đủ tiền mua”.

Sau đó, biết Ngân hàng CSXH có chương trình cho hộ mới thoát nghèo vay, anh Nam vay liền 40 triệu đồng, mua 2 con bò về nuôi. Nhờ cần cù, học hỏi mà mỗi năm bò anh đều đẻ và có bê bán, kinh tế gia đình ngày càng ổn định hơn. 

Là một trong những hộ Khmer nghèo ở xã Đông Bình (TX Bình Minh), nhờ chí thú làm ăn cộng với nguồn vốn hỗ trợ kịp thời mà ông Sơn Yên có điều kiện vươn lên, ổn định cuộc sống.

Ông kể: “Trước đây, gia đình tui chỉ có 2 công ruộng nên luôn thiếu trước, hụt sau. Cũng nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và nguồn vốn vay ưu đãi mà tui nuôi bò và lên liếp trồng rẫy. Gia đình ngày càng khá, có điều kiện lo cho con ăn học”.

Thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi, đã xuất hiện nhiều nông dân sản xuất giỏi, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Trong đó, gia đình ông Nguyễn Văn Giúp (ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ- Trà Ôn) là một điển hình.

Hơn chục năm nay, ông Giúp luôn tìm phương pháp hay trong trồng trọt, chăn nuôi để vừa giảm công chăm sóc vừa có lời cao.

Lúc đầu, ông Giúp cải tạo vườn tạp trồng cỏ nuôi bò; rồi bạn bè góp ý thêm, ông nghiên cứu tận dụng phế phẩm từ phân bò để nuôi trùn quế, nhưng lại thiếu vốn.

Khi biết Ngân hàng CSXH có chương trình vay vốn cho hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, ông đã vay 30 triệu đồng để đầu tư nuôi trùn quế. T

ừ 130m2 nuôi ban đầu, đến nay ông đã mở rộng lên 680m2, thu lời 4- 5 triệu đồng/tháng. 

Sau đó, ông nuôi thêm lươn, bằng cách tận dụng nguồn thức ăn sẵn có và trùn quế cũng là món “khoái khẩu” của lươn, đã tạo thành mô hình khép kín rất hiệu quả.

“Đồng vốn vay giúp nhiều bà con làm ăn nhưng quan trọng là chúng ta phải biết tận dụng đúng mục đích, từ đó mới nâng cao hiệu quả, cải thiện cuộc sống”- ông Giúp nói.

Nông thôn đã có nước sạch

Nhiều hộ nghèo Khmer được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, lo làm ăn vượt khó thoát nghèo.Ảnh: TL
Nhiều hộ nghèo Khmer được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, lo làm ăn vượt khó thoát nghèo.Ảnh: TL

Ông Nguyễn Văn Hùng- Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Long cho biết: Hàng năm, nguồn vốn các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH đều tăng 10%, trong đó chú trọng cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn nhằm mục đích giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Ngân hàng CSXH còn phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể tuyên truyền, hướng dẫn để người dân nắm và hiểu các chính sách tín dụng; đồng thời tăng cường giám sát các hộ sử dụng vốn vay để cho các hộ sử dụng đúng hiệu quả nhất. 

Nhiều năm qua, gia đình bà Ngô Thị Sói (Ấp 4, xã Trung Nghĩa- Vũng Liêm) phải sử dụng nguồn nước lấy từ con rạch phía sau nhà, không đảm bảo vệ sinh. “Dù biết nước sông ngày một ô nhiễm nhưng vì không có điều kiện vô nước máy nên đành phải “bấm bụng” xài đại”- bà Sói kể.

Đầu năm 2016, nhờ Chi hội Cựu chiến binh và tổ tiết kiệm- vay vốn của ấp vận động vay của Ngân hàng CSXH để kéo nước máy về sử dụng, gia đình bà đã vay 12 triệu đồng thực hiện, vừa có nước sạch sinh hoạt, vừa xây nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn.

Điều kiện sống của gia đình đã được cải thiện, sức khỏe đảm bảo. “Nay được sử dụng nước sạch chảy từ vòi, tui yên tâm lắm”- bà Sói phấn khởi.

Theo ông Nguyễn Thái Anh- Chủ tịch UBND xã NTM Long Mỹ (Mang Thít), xã vẫn tiếp tục tập trung cho bà con vay vốn Ngân hàng CSXH khoảng 3 tỷ đồng, riêng năm 2016 khoảng 900 triệu đồng, để đấu nối nước sạch từ hệ thống ống chính cho bà con sử dụng.

Nhờ vậy, nội dung tiêu chí sử dụng nước sạch từ 70% tăng lên 94,6%. Năm qua, nhờ vay 12 triệu đồng mà gia đình chị Nguyễn Thị Kiều Phương (ấp Long Phước, xã Long Mỹ) đã yên tâm có nguồn nước sạch và nhà vệ sinh để sử dụng.

“Trước đây, gia đình tui chủ yếu xài nước từ con mương trước nhà lấy lên lóng phèn, không đảm bảo vệ sinh, ảnh hưởng sức khỏe. Được Ngân hàng CSXH cho vay để kéo nước sạch về xài, tui mừng dữ lắm”- chị Phương nói.

Dưới hình thức ủy thác vay vốn cho các hội, đoàn thể, đến nay Ngân hàng CSXH đã và đang cho vay 13 chương trình tín dụng ưu đãi, tổng dư nợ 1.578 tỷ đồng với hơn 124.800 hộ vay.

Nhiều chương trình được thực hiện khá tốt, đặc biệt, chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã đạt hiệu quả khi vừa giúp nhiều hộ gia đình có vốn để đầu tư, nâng cấp, xây mới các công trình nước sạch, công trình vệ sinh đạt chuẩn, góp phần cùng các địa phương thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm. 

Tại Vĩnh Long, từ khi triển khai chương trình xây dựng NTM (năm 2011), Ngân hàng CSXH chi nhánh hỗ trợ kịp thời cho hơn 5.000 hộ có vốn đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và cận nghèo, qua đó tạo việc làm thêm cho gần 2.000 lao động, góp phần giúp nhiều xã xây dựng NTM.

Bài, ảnh: XUÂN QUYÊN

[links()]

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh