Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại phiên họp tổng thể của hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH): "Chúng ta không hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, cách làm tốt nhất, khoa học nhất, phù hợp nhất, trong đó đổi mới tư duy...
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại phiên họp tổng thể của hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH): “Chúng ta không hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, cách làm tốt nhất, khoa học nhất, phù hợp nhất, trong đó đổi mới tư duy, hành động của hệ thống chính trị nhằm mang lại những điều tốt hơn cho cuộc sống của gần 20 triệu người dân, đồng thời cùng vượt qua thách thức để có một tương lai xán lạn.
ĐBSCL sẽ là một khu vực giàu có của Việt Nam gần 100 triệu dân. Tôi lạc quan về ĐBSCL của chúng ta”.
Hội nghị thu hút đông đảo lãnh đạo các ban ngành địa phương, các chuyên gia trong nước và quốc tế. |
Nhận diện 3 nhóm thách thức lớn đối với ĐBSCL
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Trần Hồng Hà, 3 nhóm thách thức lớn đối với ĐBSCL là từ nội tại, nhóm thách thức mang tính khu vực và toàn cầu.
Chẳng hạn, diện tích rừng đang bị suy giảm, trong đó, rừng ngập mặn trong 50 năm qua đã giảm 80%; việc gia tăng thời vụ quá sức phục hồi của đất.
Bên cạnh, khai thác quá mức nước ngầm làm mặt đất sụt lún cùng với nước biển dâng làm tăng nguy cơ ngập lụt.
Phát triển, bố trí các khu dân cư chưa hợp lý cùng với khai thác bùn, cát và thiếu hụt lượng phù sa, bùn cát bổ sung dẫn đến sạt lở. Hệ sinh thái mất cân bằng, môi trường ô nhiễm, đa dạng sinh học suy giảm…
Theo UBND TP Cần Thơ, những tác động cụ thể của BĐKH cho thấy, nhiệt độ không khí trung bình từ 1978- 2012 có xu hướng tăng khoảng 0,7- 0,8oC, nhiệt độ trung bình khoảng 27,3oC (tăng gấp đôi so kịch bản do Bộ Tài Nguyên- Môi trường năm 2011); lượng mưa hàng năm trung bình giảm 200mm.
Trước đây, Cần Thơ hầu như không bị ảnh hưởng xâm nhập mặn (do cách biển hơn 65km). Tuy nhiên, những năm gần đây, bắt đầu bị ảnh hưởng xâm nhập mặn.
Năm 2016, rất nghiêm trọng khi nồng độ muối trong nước sông Hậu vượt mức quy định tại cảng Cái Cui (cách biển Đông khoảng 70km), với độ mặn là 2,057‰ (phần ngàn)…
Giai đoạn 2010- 2016, có 125 điểm sạt lở, tổng chiều dài gần 4,5km.
Là Chủ tịch UBND tỉnh ven biển Cà Mau, ông Nguyễn Tiến Hải cho rằng, Cà Mau đang chịu tác động nặng nề nhất so với các tỉnh trong khu vực.
Trong đó, nước biển dâng khiến tình trạng xâm nhập mặn ngày càng gia tăng, chỉ riêng đợt nắng nóng kéo dài do hiện tượng Enino cuối năm 2015- đầu năm 2016, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.
Diện tích lúa trên đất nuôi tôm, tôm nuôi bị thiệt hại gần 53.000ha; trên 43.000ha rừng tràm bị khô hạn nghiêm trọng; đường giao thông bị sụp, lún, lở đất, hư hỏng trên 112km; hơn 12.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng… một bộ phận dân nghèo đã di cư tìm việc ở tỉnh khác…
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, cần thay đổi nhận thức về ĐBSCL. Sự phát triển của ĐBSCL phải được nhìn ở một thể thống nhất có mối liên kết với các vùng kinh tế như TP Hồ Chí Minh.
Phải lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, trung tâm. Tài nguyên nước đã làm nên đồng bằng và đồng bằng cũng cần thay đổi ứng xử với nguồn tài nguyên này.
Đồng thời, cần cơ chế đột phá, thu hút khối kinh tế tư nhân để đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển khu công nghiệp.
Tìm lối đi trong thách thức
GS Võ Tòng Xuân đề xuất chuyển đổi cơ cấu sản xuất, không cần thiết phải sản xuất lúa 3 vụ, có thể giảm số vụ theo hướng kết hợp giữa trồng lúa với nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả giá trị cao. |
Để có cơ sở cho Thủ tướng xem xét, chỉ đạo những định hướng lớn phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng ĐBSCL là vùng đất độc đáo, đầy tiềm năng nhưng là “một châu thổ trẻ, rất mẫn cảm với mọi tác động lên nó” và dễ bị tổn thương trước tác động của BĐKH.
Vì vậy, những xu thế biến đổi tự nhiên, xã hội trong tương lai sẽ tác động, nhưng đồng thời cũng tạo ra các cơ hội cho phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Tôi không cho rằng đây là nguy cơ, mà chỉ là thách thức”. Thủ tướng đặt ra yêu cầu là phải đưa ra được quyết sách mới có tính hệ thống chiến lược, đột phá về quan điểm phát triển, định hướng ưu tiên, quy hoạch phân vùng lãnh thổ, đề xuất được các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động sự tham gia của các bên và toàn xã hội. Các phương án, giải pháp phải khả thi, dễ vận dụng, có tính chất kết nối toàn vùng và liên vùng, tránh riêng rẽ, bị động, có biện pháp, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm bảo đảm cuộc sống của người dân vùng ĐBSCL ổn định phát triển, giữ gìn văn hóa vùng sông nước. |
BĐKH sẽ thúc đẩy thay đổi nhận thức, chuyển đổi mô hình phát triển mới dựa trên khai thác cạn kiệt tài nguyên sang mô hình thân thiện với tự nhiên, bền vững, chống chịu cao; thúc đẩy hợp tác, tranh thủ hỗ trợ nguồn lực tài chính, chuyển giao công nghệ.
Là một trong những tỉnh “vùng trên” của ĐBSCL, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh nhận định: “An Giang và các tỉnh vùng trên đã và đang đối diện với 3 thách thức chủ yếu từ tác động của BĐKH, từ các vấn đề nội tại của vùng và từ các đập thủy điện và các công trình ngăn dòng chảy chính ở các quốc gia thượng nguồn”.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, mặc dù đối diện với nhiều thách thức nhưng đây cũng là cơ hội để nhìn nhận, tính toán và chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững trong tình hình mới theo hướng tăng tính kết nối, bền vững.
Theo đó, định hướng phát triển của tỉnh “vùng trên” An Giang là: phát huy tối đa lợi thế của vùng trên, tăng cường kết nối với các vùng còn lại, chia sẻ tài nguyên và thích ứng với BĐKH để phát triển bền vững” trên cơ sở “kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường…”
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể đề xuất 5 vấn đề là: nâng cao chất lượng dự báo, thông tin chỉ đạo điều hành, tuyên truyền về BĐKH; có giải pháp công trình, phi công trình cấp quốc gia để bảo vệ đất, phù sa, ngăn chặn sạt lở hiệu quả;
quyết đoán bảo vệ nguồn nước ngầm, nước mặt, xây dựng các công trình điều tiết lũ; có giải pháp cơ cấu lại sản xuất, bảo đảm sinh kế cho người dân;
Chính phủ có cơ chế ưu đãi về vốn cho địa phương đầu tư các công trình công cộng, đồng thời ban hành cơ chế đặc biệt thu hút các nhà đầu tư vào các công trình ứng phó với BĐKH...
Còn Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp lực giữa 3 chủ thể: nhà nước- doanh nghiệp và người dân trong ứng phó với BĐKH.
Trong khi GS, TS. Võ Tòng Xuân cho rằng phải sử dụng hiệu quả, hợp lý những gì mình đang có, không thể thụ động chờ đợi vào các quốc gia thượng nguồn, mà phải lựa chọn các giống cây, con phù hợp với từng điều kiện nguồn nước (lợ, nước ngọt, mặn).
ĐBSCL cần sử dụng tiết kiệm nước, có giải pháp tích lũy nước trong mùa mưa, mùa lũ để dành sử dụng trong mùa khô; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, không cần thiết phải sản xuất lúa 3 vụ, có thể giảm số vụ theo hướng kết hợp giữa trồng lúa với nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả giá trị cao;
có chính sách hiệu quả, mạnh dạn bỏ hạn điền, đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thu hút nông dân vào hợp tác xã kiểu mới; khuyến khích sản xuất đa dạng theo nhu cầu của thị trường; đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến thương mại, tạo đầu ra cho sản phẩm của vùng...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Sẽ có nghị quyết về ĐBSCL Thủ tướng khẳng định tinh thần phát triển bền vững ĐBSCL và một trong những tinh thần cốt yếu chính là giữ được đất, giữ được nước, giữ được người. Trên cơ sở đó, cần có tầm nhìn xây dựng khu vực từ một vùng trũng giáo dục trở thành vùng nông nghiệp công nghệ cao. Thủ tướng nêu 3 quan điểm phát triển ĐBSCL, trong đó nhấn mạnh việc bảo tồn những giá trị văn hóa và cuộc sống sung túc của người dân. Thay đổi tư duy phát triển cổ điển sang tư duy kinh tế nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao. Tới đây, ít nhất 2 năm một lần Chính phủ sẽ mở diễn đàn thảo luận đưa ra giải pháp phát triển bền vững ĐBSCL. |
Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin