Việt Nam sẽ có những đặc khu kinh tế đột phá, không có Hội đồng nhân dân

03:08, 12/08/2017

Để có thể thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam sẽ xây dựng các đặc khu kinh tế có thể chế riêng, sao cho mới mẻ, hấp dẫn, thông thoáng và đặc biệt chỉ có Ủy ban hành chính mà không có Hội đồng nhân dân.

Để có thể thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam sẽ xây dựng các đặc khu kinh tế có thể chế riêng, sao cho mới mẻ, hấp dẫn, thông thoáng và đặc biệt chỉ có Ủy ban hành chính mà không có Hội đồng nhân dân.

Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Diễn đàn mua bán và sáp nhập (M&A) Việt Nam 2017 được tổ chức mới đây. Theo đó, các đặc khu kinh tế được Bộ trưởng Dũng nhắc đến đó là Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để tạo một sân chơi cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trong thời gian qua, nền kinh tế việt Nam đã có nhiều sự chuyển đổi phù hợp. Cụ thể, từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường, từ tư duy đến phương thức tiếp cận, từ cả thông điệp đến hành động. 

Vịnh Vân Phong, một trong 3 đặc khu kinh tế sẽ không có Hội đồng nhân dân. Ảnh: CTV
Vịnh Vân Phong, một trong 3 đặc khu kinh tế sẽ không có Hội đồng nhân dân. Ảnh: CTV


“Điều này đồng nghĩa, nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hòa nhập vào nền kinh tế toàn cầu, xu thế chung chứ không thể nằm ngoài sân chơi chung đó. Vì thế, tôi khẳng định Việt Nam vẫn đang cải cách để tiến tới đạt chuẩn theo thông lệ quốc tế và các chuẩn mực, thể lệ chung của quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. 

 

Thực tế hiện nay, dòng đầu tư chỉ chảy về nơi nào có vùng trũng. Theo đó, Việt Nam cũng đang tạo ra vùng trũng để thu hút đầu tư. Cụ thể là những cải cách thể chế để tạo một chính sách, cơ chế đầu tư hợp lý và thông thoáng. Và mỗi lần cải cách, Việt Nam đều có sự đột phá, tạo ra động lực và cú hích để thực hiện tốt hơn. 

 

Theo ông Dũng, trong thời gian qua, nhiều bộ luật quan trọng mang tính đột phá đã được ban hành hoặc đang trong quá trình xây dựng, thông qua. Trong số đó, Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ tạo khuôn khổ pháp lý để hình thành ba đơn vị hành chính, kinh tế tại Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc với những thể chế vượt trội, tiên tiến so với trong nước và cạnh tranh so với quốc tế.

 

Đáng chú ý, 3 đặc khu này đang được đề xuất xây dựng phương án Ủy ban hành chính một cấp, không có Hội đồng nhân dân. Theo ông Dũng, chức năng của Hội đồng nhân dân liên quan đến lập pháp hay kiểm tra, do đó sẽ giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đảm nhiệm.

 

“Việc bỏ bớt một cấp này tạo ra cơ chế vượt trội về chính quyền, thu hút nhà đầu tư quốc tế, tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

 

Thêm nữa, cả 3 đặc khu kinh tế này đều được cho phép đầu tư thí điểm lĩnh vực đặc thù casino. Tuy nhiên, ba khu này không chỉ lập ra để kinh doanh du lịch, mà còn phát triển rất nhiều các ngành nghề, theo từng khu vực sao cho phù hợp với tiềm năng, chiến lược phát triển của từng khu để có thể bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, không cạnh tranh nhau; đồng thời phù hợp với nhu cầu trên thế giới, như dịch vụ, du lịch, trung tâm tài chính, khu trung chuyển, logistic, công nghệ cao, nghỉ dưỡng, mua sắm, bán lẻ….

 

Song song đó, thời hạn giao đất và thuế đất cũng sẽ có những thay đổi phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư. Hiện nay, luật pháp đã quy định cho thuê đất là 50 năm, trừ trường hợp đặc biệt là là 75 năm. “Sắp tới, chúng tôi sẽ có kiến nghị với Quốc hội xem xét gia hạn thêm thời gian thuê đất ở những đặc khu kinh tế lên 99 năm. So với các nước khác trên thế giới, họ đã làm như thế rồi”, Bộ trưởng Dũng cho biết thêm.

 

Ngoài các ngành chiến lược, trụ cột cũng có nhiều ngành nghề khác được tự do đầu tư, ưu tiên với mục tiêu hướng tới  phát triển theo định hướng của Chính phủ. Ví dụ như Vân Phong là nơi phát triển cảng trung chuyển, bởi đây là nơi có cảng nước sâu tốt nhất của Việt Nam, có thể phát triển logistics; hay Vân Đồn phát triển các dịch vụ y tế, giáo dục, sinh học, dược phẩm… có giá trị cao; hay những khu khác phát triển công nghệ cao, tài chính…

 

“Chính phủ Việt Nam cũng đang trao đổi với các địa phương và các nhà tư vấn về các ngành nghề tại các khu vực này, làm sao có những ngành có giá trị gia tăng, không xung đột với nhau và bổ sung cho nhau, có thể cạnh tranh với các nước khác trên thế giới”, Bộ trưởng Dũng nói.

 

"Quan điểm của Bộ là muốn thay đổi phải mạnh dạn, tất cả đề xuất này đang chờ Quốc hội quyết định nhưng cơ bản là tiệm cận với các mô hình quốc tế", Bộ trưởng Dũng khẳng định.

 

Theo Bộ trưởng Dũng, thời kỳ phát triển dựa vào tiềm năng tĩnh, tức dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ… đã qua. Trong khi đó, những động lực đổi mới từng tạo cú hích tăng trưởng tốt cho nền kinh tế Việt Nam cũng đã đến ngưỡng giới hạn, các cải cách cũng đã bão hòa.

 

Vì thế, hiện nay Chính phủ đang hoàn thiện các chương trình hành động, ban hành, sửa đổi cơ chế, chính sách về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, xử lý nợ xấu... Trong đó, việc thay đổi mô hình tăng trưởng và hình thành đặc khu kinh tế mới là một trong cách thức tạo đột phá mới trong thu hút đầu tư.

 

Theo Hải Yên/Báo Tin Tức

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh