Tiểu đoàn anh hùng trên mảnh đất thành đồng

06:08, 19/08/2017

Nhắc đến Tiểu đoàn 857 là nhắc đến những chiến công vang dội trong kháng chiến, góp phần cùng cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.

 

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 857 phát huy truyền thống hào hùng, lập thành tích xuất sắc cho đơn vị.
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 857 phát huy truyền thống hào hùng, lập thành tích xuất sắc cho đơn vị.

Nhắc đến Tiểu đoàn 857 là nhắc đến những chiến công vang dội trong kháng chiến, góp phần cùng cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.

Đến giai đoạn sau khi đất nước thống nhất, theo lời kêu gọi của nước bạn Campuchia, Tiểu đoàn 857 lại lên đường thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, cùng các đơn vị và nhân dân nước bạn đánh đuổi chế độ diệt chủng Pol Pot.

Có thể nói, trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, trong mỗi chặng đường phát triển của Tiểu đoàn 857 luôn gắn chặt với phong trào cách mạng và bảo vệ Tổ quốc, như lời tựa trong cuốn lịch sử Tiểu đoàn: “Đảng bảo đi là đi, Đảng bảo đánh là đánh, Đảng giao nhiệm vụ, mục tiêu đâu là đánh đó, đánh đâu là thắng đó”.

60 năm rồi, nhưng ký ức về những ngày đầu tiên thành lập Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt (đơn vị tiền thân của Tiểu đoàn 857) vẫn vẹn nguyên trong hồi tưởng của ông Nguyễn Ký Ức- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 857.

Đây là thời kỳ chính quyền Ngô Đình Diệm ra sức thực hiện ý đồ thống nhất quân đội giáo phái Hòa hảo vào quân đội quốc gia, nhằm tập trung quyền lực để ra sức phá hoại Hiệp định Genève, lao sâu vào con đường phát xít tàn bạo, dìm phong trào cách mạng miền Nam trong máu lửa, với chiêu bài “tố cộng, diệt cộng”.

Do đó, nhiệm vụ của tiểu đoàn là khơi sau mâu thuẫn giữa giáo phái với chính quyền Mỹ- Diệm, vũ trang tuyên truyền và vận động tín đồ Phật giáo Hòa hảo đoàn kết cùng toàn dân đứng lên chống kẻ thù chung là Mỹ- Diệm, diệt ác ôn và đơn vị ác ôn để hỗ trợ của quần chúng nhân dân.

Với tinh thần bám sát quần chúng nhân dân, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân, nhất là trong đồng bào Phật giáo Hòa hảo, được đồng bào đùm bọc, che chở đã giúp tiểu đoàn ngày càng lớn mạnh, đánh đâu thắng đó.

 

 

Ông Nguyễn Ký Ức- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 857

 

Dù ở bất cứ nhiệm vụ nào, hoàn cảnh ra sao, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 857 luôn nỗ lực, phấn đấu cao nhất để khắc phục khó khăn, thử thách với quyết tâm cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó.

Chiến công đã đi vào lịch sử của Tiểu đoàn 857, đó là đã phục kích tiêu diệt được tên tỉnh trưởng Vĩnh Long Khưu Văn Ba và bắt sống toàn bộ đoàn tùy tùng, khi chúng vừa gây ra tội ác với đồng bào ta, vào ngày 16/6/1960. Cái chết của Khưu Văn Ba đã gây ra sự “thoái động” tình hình địch, làm những tên tay sai dưới trướng chùn bước.

Theo ông Nguyễn Ký Ức, một chiến công vang dội khác không thể không nhắc đến đó là trận đánh vào sân bay Vĩnh Long, trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968.

Chỉ trong 1 giờ chiến đấu, bộ đội ta đã hủy diệt hoàn toàn sân bay, phá hủy nhiều trực thăng và các loại vũ khí, xác lính Mỹ nằm la liệt. Chiến công này đã tạo tiền đề to lớn để quân và dân ta bước vào giai đoạn chiến đấu mới, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đến chiến dịch mùa khô 1974- 1975, Vĩnh Long là chiến trường trọng điểm của quân khu nên cả ta và địch đều tập trung lực lượng lớn.

Tiểu đoàn 857 là lực lượng chủ lực trên một hướng của tỉnh đã làm đòn xeo đắc lực cho phong trào 3 mũi mở mảng, mở vùng, bứt rút hàng đồn bót, bứt hàng sân bay, khống chế tiểu khu làm áp lực buộc địch đầu hàng, góp phần xứng đáng giải phóng tỉnh nhà.

Thời điểm tháng 1/1975, khi Tiểu đoàn 857 được phân công trở lại vùng chữ V (Châu Thành B). Lúc cao điểm, tiểu đoàn đã gây thiệt hại nặng Chi khu Ba Tơ (xã Hòa Tân). Thừa thắng xông lên, tiểu đoàn đã tạo được nhiều chiến công vang dội như: đánh diệt hậu cứ Tiểu đoàn bảo an 405 ở Xẻo Mát, diệt 1 đại đội bảo an ở Cai Lậy.

Chỉ trong 2 tháng 1 và 2/1975, Tiểu đoàn 857 đã kết hợp địa phương diệt 8 đồn, bứt rút 28 đồn, thu lại trên 1.000 công đất ruộng trả lại dân, giải phóng cơ bản các vùng chữ V.

Giai đoạn tháng 4/1975, khi Tiểu đoàn 857 được bổ sung quân số chiến đấu lên 120 đồng chí và được lệnh trở về vùng Ba Tân, nhiệm vụ là áp sát để chiếm sân bay Vĩnh Long và khu vực ngã ba Cần Thơ.

Lúc này, quân khu ra lệnh tiến công giao thông, kéo chủ lực địch từ thị xã, thị trấn ra can viện để “gài thế” trận đánh nhưng địch hành quân không đúng ý đồ của ta.

Do tình hình có chuyển biến mới nên tiểu đoàn nhận lệnh đêm 30/4/1975 sẽ tiến công vào TX Vĩnh Long. Trưa 30/4, Sài Gòn giải phóng, 14 giờ Quân đoàn 4 của địch ở Cần Thơ đầu hàng. Thừa thế xông lên, 15 giờ, Tiểu đoàn 857 áp sát mục tiêu sân bay, bắn 2 quả H12 vào tiểu khu Vĩnh Long.

Đến 18 giờ, tiểu đoàn kết hợp với nội ứng tiến vào sân bay Vĩnh Long, dùng cơ sở binh vận kêu gọi toàn bộ quân lính đầu hàng. Ta thu toàn bộ vũ khí, ổn định tình hình, giải giới tù binh.

Trên hướng về tiểu khu Vĩnh Long, các trung đoàn của quân khu cũng áp sát thị xã, cùng lực lượng địa phương và đồng bào nổi dậy đánh chiếm từng mục tiêu, khống chế địch. Đến sáng 2/5/1975, Tiểu đoàn 857 dùng xe M.113 và xe nồi đồng lên Tân Quới kêu gọi địch đầu hàng. Vĩnh Long hoàn toàn giải phóng.

 

Tiền thân của Tiểu đoàn 857 là Liên minh giáo phái chống Mỹ- Diệm

 

Tháng 8/1957, tiểu đoàn làm lễ ra mắt tại kinh Mười Thới. Là lực lượng vũ trang tuyên truyền của Đảng với tên gọi là Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt. Sau Đồng khởi, tiểu đoàn mang danh hiệu Giải phóng quân, phân tán hoạt động, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, xây dựng cơ sở vùng đồng bào có đạo. Năm 1964, tiểu đoàn đổi phiên hiệu là 857. Trong kháng chiến chống Mỹ, Tiểu đoàn 857 là lực lượng trụ cột của lực lượng vũ trang tỉnh Vĩnh Long.

Tiểu đoàn 857 đã tác chiến 1.035 trận lớn, nhỏ; diệt 9.637 tên địch (có 268 tên Mỹ và chư hầu, bắt 396 tên), 1 tiểu đoàn chủ lực, 25 đại đội, 150 trung đội, đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn, diệt 2 hậu cứ. 2 lần đánh thiệt hại nặng chi khu, diệt 2 phần chi khu, diệt và bứt rút trên 100 đồn bót, thu 1.024 súng, trên 100 tấn đạn, phá hủy 70 máy bay, 124 xe quân sự, bắn chìm 7 tàu. Tiểu đoàn vinh dự được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 

 

  • Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh